Đại Kỷ Nguyên

Những cung đường phượt khó nhằn nhưng đáng trải nghiệm dịp nghỉ lễ

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, các bãi biển rất đông đúc và giá dịch vụ tăng cao. Các phượt thủ đam mê du lịch bụi thường tìm đến vùng núi cao yên bình, trải nghiệm những cung đường đầy nắng gió, nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành để thỏa sức vùng vẫy và tiết kiệm chi phí. 

Đèo Pha Đin (Sơn La)

Cao nguyên Mộc Châu, đồi chè xanh mướt, trải dài uốn lượn trên triền đồi là điểm dừng chân đầu tiên của phượt thủ khi đến Sơn La. Sau khi thưởng thức đặc sản cá hồi, bê chao và nghỉ ngơi tại đây, ngày thứ hai bạn sẽ bắt đầu hành trình khó khăn hơn với thử thách đèo Pha Đin trên cung đường Mộc Châu – Điện Biên.

Đèo Pha Đin có độ dài 32km nằm trên Quốc lộ 6, với độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Pha Đin là một trong “tứ đại đèo” vùng Tây Bắc. Các phượt thủ sẽ được phiêu trên các cung đường uốn lượn, thử thách tay lái ở khúc cua gấp, ngắm vẻ đẹp núi rừng hùng vĩ, thấp thoáng những bản làng.

Đèo Pha Đin – “tứ đại đèo” vùng Tây Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Mã Pí Lèng (Ảnh: clickbay.com)

Sơn La còn có đỉnh núi Tà Xùa, (huyện Bắc Yên), cũng được các phượt thủ săn són vì cảnh đẹp tựa thiên đường chốn hạ giới với mây trắng giăng kín cả một vùng đất rộng lớn. Bạn có thể đi lên thẳng Tà Xùa dựng trại hoặc nghỉ tại các homestay với giá phòng khoảng từ 200-250 nghìn đồng.

Trên cung đường phượt, bạn đừng bỏ qua nhà máy thủy điện Sơn La là công trình thế kỷ của Việt Nam, nằm trên địa bàn thị trấn Ít Ong, (huyện Mường La). Chiêm ngưỡng cây cầu Pá Uôn được mệnh danh “Đông Dương đệ nhất cầu” nằm trên địa phận xã Chiềng Ơn, sát thị trấn Phiêng Lanh, (huyện Quỳnh Nhai).

Cung phượt Lào Cai – Ô Quy Hồ – Lai Châu

Sa Pa luôn là điểm dừng chân để khám phá, nghỉ ngơi và check-in tuyệt vời của các phượt thủ. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 nơi đây nắng đẹp, mọi góc chụp đều lung linh.

Nơi đây có thử thách khác cho các tay lái lụa là vượt qua con đèo huyền thoại đèo Ô Quy Hồ. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh.

Đèo Ô Quy Hồ trong màn mây phủ vào mùa hè. (Ảnh: Mytour)

Với những người thích khám phá thì đèo Ô Quy Hồ (đèo Hoàng Liên Sơn) dài nhất miền núi phía Bắc sẽ là điểm đến tuyệt vời để chạy xe máy rong ruổi, chiêm ngưỡng vẻ kiêu hùng của đỉnh núi Fansipan từ hướng Lai Châu. Ô Quy Hồ dài 50km dài hơn cả đèo Pha Đin. Độ dài cùng sự hiểm trở của Ô Quy Hồ luôn khiến những phượt thủ khao khát chinh phục.

Để đi từ Hà Nội đến Lai Châu, bạn có thể đi xe hoặc tàu hỏa lên Lào Cai, đi xe khách hoặc thuê xe máy từ Sapa vượt qua con đèo này. Đường xá khá dễ đi nhưng vẫn cung đường khó nhằn của các phượt thủ.

Thác Bản Giốc (Cao Bằng)

Thác Bản Giốc lớn thứ tư thế giới – nằm trong công viên địa chất toàn cầu thứ 2 Cao Bằng, vừa được UNESCO công nhận. Thác nằm cách trung tâm huyện Trùng Khánh khoảng 20km về phía Đông Bắc.

Thác Bản Giốc – thác nước hùng vĩ của miền Đông Bắc (Ảnh: ionetour.com)

Cách Hà Nội vào khoảng gần 400km, đi phượt thác Bản Giốc bằng xe máy là lựa chọn thú vị của các phượt thủ mê du lịch bụi. Từ Cao Bằng bạn có thế theo hướng Trà Lĩnh – Tổng Cọt để tới Bản Giốc, nhưng hầu hết các phượt thủ đều chọn con đường qua đèo Mã Phục bởi cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng quá thu hút.

Đèo Mã Phục dài khoảng 3,5km, nằm quanh co, uốn lượn theo triền núi đá vôi (Ảnh: mytour.vn)

Ngay khu vực thác Bản Giốc có khu nghỉ dưỡng, resort, bạn có thể nghỉ qua đêm tại đây. Đường đi Bản Giốc có khá nhiều điểm tuyệt đẹp mà bạn có thể ghé qua như: hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao…

Cao Bằng có đặc sản như hạt dẻ, lạp xưởng… nhưng đi du lịch Bản Giốc đừng quên thưởng thức món cá trầm hương nướng rất lạ miệng.

Nếu có thời gian, bạn có thể kết hợp phượt Hà Giang hoặc Mẫu Sơn để làm tròn một cung đường.

Thung Lũng Ma Thiên Lãnh (Tây Ninh)

Con đường đến Ma Thiên Lãnh không quá cheo leo, hiểm trở nhưng cũng uốn lượn đèo dốc. (Ảnh: Vietnammoi).

Tây Ninh không chỉ có núi Bà Đen mà còn hấp dẫn phượt thủ với nét hoang sơ, hùng vĩ của thung lũng Ma Thiên Lãnh. Nơi đây có khung cảnh rừng nguyên sinh được ví như “Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ” và ít người biết đến. Địa thế hiểm trở, rừng cây bạt ngàn và hồ đá tuyệt đẹp, thung lũng Ma Thiên Lãnh là điểm phượt lý tưởng cho những bạn trẻ thích phiêu lưu mạo hiểm.

Thung lũng Ma Thiên Lãnh cách trung tâm Tp.HCM khoảng 100km, các bạn có thể chọn xe máy là phương tiện di chuyển và đi 2 giờ đồng hồ tới nơi. Hành trình chinh phục cung đường gồm con dốc cao, ngoằn nghèo nối tiếp nhau xen những đoạn đường hang động âm u, khám phá nơi trú ẩn của loài rắn hổ mang nức tiếng vùng đất núi Bà Đen.

Du khách cần tự chuẩn bị đồ ăn và nhớ giữ gìn vệ sinh chung.(Ảnh: vietnammoi.vn)

Điểm đến mà bạn không nên bỏ qua trong hành trình khám phá chính là con suối vàng thơ mộng, hang Ông Hổ và hồ đá Ma Thiên Lãnh trong xanh. Do ở đây vẫn hoang sơ nên chưa có quán phục vụ đồ ăn, thức uống, bạn cần tự túc chuẩn bị một vài món đồ ăn sẵn, trái cây và nước uống để mang theo.

Đại ngàn Tà Năng – Phan Dũng

Hành trình chinh phục cung đường rừng đẹp nhất Việt Nam. (Ảnh: Zing)

Cung đường phượt xuyên qua 3 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 6 km từ xã Tà Năng của huyện Đức Trọng, (Lâm Đồng) – Ninh Thuận – kết thúc là xã miền núi Phan Dũng, (Bình Thuận). Đây là cung đường trek đẹp nhất Việt Nam, cũng là hành trình cực hình. Vì vậy, bất cứ phượt thủ nào cũng mong ước được chinh phục nhưng cần chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt có thể leo núi, vượt suối, băng rừng.

Hành trình chinh phục cung đường này trong khoảng trong 3 ngày 2 đêm sẽ là trải nghiệm và đáng nhớ để bạn thử thách sức chịu đựng của bản thân và khám phá thiên nhiên kỳ thú.

Những lưu ý khi đi phượt

Phương tiện di chuyển

Đối với những điểm du lịch gần nơi bạn sinh sống dưới 300km, đi phượt bằng xe máy cùng bạn bè sẽ chủ động hơn. Tuy nhiên, quãng đường xa quá nên đi xe khách hoặc các phương tiện khác, khi tới nơi thuê xe máy. Cách di chuyển này chi phí có cao hơn nhưng sẽ tiết kiệm được thời gian và sức khỏe.

Với những cung đường phải đi bộ cần chuẩn bị sức khỏe và những người bạn đồng hành tốt.

Đi bằng xe máy, bạn không nên chạy xe liên tục nhiều giờ liền. Kết hợp chạy 1-2 giờ rồi nghỉ ngơi 10-15 phút để tránh căng thẳng, mệt mỏi và buồn ngủ. Chạy đường đèo cần chú ý tốc độ an toàn, nếu là tay lái mới, đừng cố lao theo những tay lái đã có kinh nghiệm chạy đèo, hãy chạy với tốc độ mà bạn cảm thấy an toàn.

Nơi ở, đặt phòng

Để có chuyến đi vui vẻ, tiết kiệm, bạn cần chủ động hơn trong việc tìm phòng. Trước hết, lên kế hoạch cho hành trình và tìm hiểu thông tin trên website đặt phòng trực tuyến, giá dịch vụ rõ ràng… Ngoài ra, có thể tham khảo những review của du khách từng ở đây.

Tránh tình trạng chặt chém

Khi đi phượt, muốn ghé vào quán nào bạn quan sát xem có nhiều biển số xe địa phương và người địa phương không hãy vào. Lưu ý, quán toàn biển số xe địa phương nhưng có thể do du khách thuê xe tự chạy.

Một số quán thường lấy cớ để “thổi” giá lên vào dịp lễ mà bạn không thể cãi được. Vì vậy, cần xem menu và mặc cả giá trước.

Vật phẩm cần mang chuyến phượt dài ngày

Đồ sơ cứu: Đối với phượt thủ, đặc biệt là dân trekker không còn xa lạ với những tai nạn bất ngờ trên mỗi chặng đường chinh phục miền đất mới. Để chủ động đối phó với những tình huốn trượt ngã, dị ứng, căng cơ… bạn nên chuẩn bị sẵn một số đồ sơ cứu gồm: urgo, băng gạc nhỏ, thuốc chống côn trùng và thuốc xịt lạnh.

Đèn pin, sạc dự phòng: Đồ dùng này cần thiết khi bạn đi trong rừng, giữa đồng không mông quạnh đêm về hay gặp sự cố mất điện.

Áo mưa, khăn giấy: Không được quên chuẩn bị áo mưa dự phòng, cơn mưa nặng hạt có thể đến bất cứ lúc nào trong hành trình phượt. Ngoài ra, khăn giấy ướt cũng cần thiết cho các chuyến đi. Vật phẩm này sẽ giúp bạn làm sạch tay khi nấu nướng, dọn dẹp, sơ cứu vết thương…

Đồ ăn sẵn: Tín đồ xê dịch đừng quên trang bị sẵn trong ba lô một vài thực phẩm tiện lợi, giàu năng lượng để chuyến đi phượt thêm trọn vẹn.

Mỹ Duyên

Exit mobile version