Đại Kỷ Nguyên

Nhói lòng những mảnh đời co ro giữa đêm đông Hà Nội: ‘Còn sống thì còn cố gắng’

Những ngày gần đây, Hà Nội bắt đầu trở lạnh, có những hôm nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 11 độ, lại thêm mưa phùn, gió rét khiến người đi ngoài đường dù được trang bị kín mít vẫn cảm thấy rét run.

Nằm trong nhà, chăn ấm đệm êm vẫn cảm thấy lạnh, ấy vậy mà vẫn có những người vô gia cư co ro ngủ cảnh màn trời chiếu đất, những người dân lao động run rẩy trước cơn gió rét buốt để mưu sinh, cả những công nhân thức trắng đêm đông làm việc trong cái lạnh buốt ngấm vào từng thớ thịt… Tất cả họ, đều đang dùng hết sức bình sinh để chống chọi qua mùa đông khắc nghiệt của thủ đô.

Người vô gia cư ngủ trước cửa một thềm nhà, họ phần lớn làm nghề nhặt rác, số khác làm nghề đánh giày, bán vé số, ăn xin…  (Ảnh dẫn qua: trithuctre)
Hai cụ ăn xin tranh thủ kiểm xem cả ngày được bao nhiêu tiền (Ảnh dẫn qua: tuoitreonline)

Bà Hồng (một người vô gia cư chia sẻ): “Tôi làm nghề nhặt ve chai đã vài năm nay, tiền kiếm không được là bao nhiêu, lại từ xa đến nên chẳng thể thuê được một phòng trọ “ổ chuột” để ở. Tôi coi vỉa hè là nhà đã nhiều năm nay và năm nào đến mùa Đông cũng cảm thấy lo sợ. Có những năm lạnh, rét hơn thế này nhưng trên người cũng chỉ 2 cái áo kèm theo chăn mỏng. Có nhiều người họ thương, họ mang chăn ra cho thì mới ngủ được một lát, còn không đêm sẽ dài lắm”.

Cụ bà năm nay đã có chăn ấm vì mới được một người dân cho. Đối với cụ đó là may mắn và hạnh phúc lắm rồi. (Ảnh dẫn qua: trithuctre)
Cụ ông ngả lưng tại “nhà” trên phố Tràng Thi sau một ngày dài mệt mỏi. Khóa chặt tài sản duy nhất là chiếc xe đạp ở đầu giường khiến giấc ngủ của cụ cứ chập chờn không dứt… (Ảnh dẫn qua: trithuctre)
Chiếc chăn ngắn không đủ che hết đôi chân nứt nẻ của một phụ nữ nằm ngủ co ro…(Ảnh dẫn qua: tuoitreonline)
và người đàn ông đến mảnh chăn mỏng cũng không có… (Ảnh dẫn qua: trithuctre)

Chị Lan, một người dân trên Tràng Thi thường xuyên mang chăn, quần áo cho người vô gia cư cho biết: “Khoảng 2 năm nay người vô gia cư ngủ trên vỉa hè không còn nhiều nữa và họ cũng ít khi nói chuyện với mọi người. Cứ cho là họ nhận và mình cũng nhận được câu cảm ơn thôi. Nhìn họ nằm trên vỉa hè ai đi qua mà không thấy nhói lòng chứ. Chỉ mong mùa đông bớt lạnh để họ bớt khổ”.

1h30 sáng, cô bán hàng vội dọn gánh hàng về trong cái lạnh cắt da cắt thịt (Ảnh dẫn qua: tuoitreonline)
Mùa đông không chỉ có gió lạnh mà còn những cơn mưa rét buốt  (Ảnh dẫn qua: trithuctre)
Sạp hoa quả đã gần về khuya mà vẫn ế hàng  (Ảnh dẫn qua: trithuctre)
Hai vợ chồng đi làm từ tờ mờ sáng, người vợ tranh thủ chợp mắt một chút vì quá mệt  (Ảnh dẫn qua: trithuctre)

Những người lao động nghèo khắp phố phường Hà Nội, gương mặt ai cũng hằn những nếp lo toan làm sao đủ ăn, làm thế nào có tiền cho con đóng học… Gánh nặng mưu sinh trên vai đã nặng trĩu, lại thêm cái rét căm căm thấu buốt tận xương tủy, cuộc đời sao mà khó sống đến thế?

Những người thợ sửa ống nước làm việc suốt đêm (Ảnh dẫn qua: tuoitreonline)
Anh công nhân tranh thủ chợp mắt trước giờ đổi ca trước đốm lửa (Ảnh dẫn qua: tuoitreonline)
Những người lao động tự do ở “chợ người” ngồi đợi người đến thuê suốt cả đêm (Ảnh dẫn qua: trithuctre)
Những ánh mắt mòn mỏi chờ đợi, không biết đêm nay có được cuốc nào không ((Ảnh dẫn qua: trithuctre)

Mỗi người một công việc, một cách mưu sinh khác nhau, nhưng họ đều có chung một mục đích là làm sao để bữa cơm gia đình có thêm hương vị, để con cái họ được mặc ấm, được theo đuổi ước mơ học hành. Trên lưng họ đang gánh cả một gia đình, gánh những ước mơ tươi đẹp của cả thế hệ tương lai.

Cụ Thiều (72 tuổi) làm nghề chở xích lô và sửa xe đạp. Trời mưa lạnh chẳng ai thuê chở, cụ chỉ biết ngồi chờ ai đến bơm, vá xe kiếm mấy đồng (Ảnh dẫn qua: info.net)
Bác xe ôm tranh thủ sưởi ấm một chút rồi lại vội vàng chạy đi chào mời khách (Ảnh dẫn qua: info.net)

Những con người ấy, họ rất vất vả nhưng cũng thật đáng trân trọng. Với họ, có thể cuộc đời này thật nghiệt ngã và mùa đông thì rất khắc nghiệt, nhưng quan trọng hơn cả, họ vẫn thiết tha sống, không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình, cho con cái có bữa ăn tươm tất hơn, cuộc sống đủ đầy hơn…

Linh An

Exit mobile version