Đại Kỷ Nguyên

Nếu một ngày cha mẹ không còn, chúng ta sẽ ra sao?

“Chỉ có ba mẹ mới yêu con vô điều kiện, trong khi cả thế giới này phải có điều kiện mới yêu con…”

Trên thế gian này, chỉ có cha mẹ mới toàn tâm toàn ý yêu thương bạn mà không đòi hỏi gì. Vì con, họ có thể làm tất cả mà không cần báo đáp, điều đó có lẽ chúng ta vẫn coi là chuyện đương nhiên, nhưng ngược lại, chúng ta yêu thương cha mẹ được bao nhiêu? Chúng ta có thực sự hiểu được thế giới nội tâm của họ? Nếu như một ngày nào đó họ đột nhiên ra đi, liệu trong lòng ta có cảm thấy hối hận?

Chuyện kể rằng, xưa dưới chân núi Ba Vì có hai cha con nghèo họ Đỗ sống nương tựa vào nhau. Vợ ông Đỗ qua đời từ khi đứa con trai lên 2 tuổi, từ đó ông phải một mình nuôi con khôn lớn. Đứa trẻ chỉ có cha là chỗ nương tựa, vậy nên đi đâu, làm gì, dẫu là trèo non hay lội suối, ông đều đưa con đi cùng, một bước cũng không rời.

Một ngày, khi hai cha con đang kiếm củi trên sườn núi, đột nhiên đứa nhỏ lả đi rồi ngất lịm. Ông Đỗ vội bỏ lại gánh củi trên lưng, hớt hải bồng con chạy xuống núi tìm thầy lang chữa trị.

Đột nhiên trước mặt ông xuất hiện một con hổ dữ. Con hổ hau háu nhìn đứa bé trên tay ông bằng ánh mắt thèm thuồng. Có lẽ nó đã phải chờ đợi rất lâu mới tìm được “con mồi non” béo bở này.

Ông Đỗ bình tĩnh nói với con hổ rằng: “Nếu đúng là kiếp số đã định, thì ta tình nguyện dâng cái mạng già này cho ngươi. Nhưng con trai ta đang mắc trọng bệnh, giờ ta phải đi tìm thầy thuốc, lại còn phải tìm được người có nguyện ý chăm sóc nó sau này. Ngươi cứ yên chí đợi ta ở đây, khi xong việc tự ta sẽ quay lại nộp mạng cho ngươi”.

Một suất cơm không có thịt cũng được, chỉ cần con no. (Ảnh: Facebook.com)

Tình thương con vô bờ bến của ông Đỗ khiến con hổ hung dữ cũng cảm động mà quay đầu bỏ đi. Ngay sau đó con trai ông cũng tỉnh dậy, và lại trở lại là đứa trẻ hoạt bát khoẻ mạnh như lúc trước.

Nhiều năm qua đi, con trai ông Đỗ đã lớn khôn, trở thành một thanh niên lực lưỡng. Vì kiếm kế sinh nhai, Đỗ sinh từ biệt cha để lên kinh thành Thăng Long làm sai nha trong quan phủ. Đỗ sinh biết đây là cơ hội lập thân, nên ngày tháng vẫn mải mê theo con đường danh vọng, định bụng khi đã có chỗ đứng rồi thì sẽ về quê đón cha lên kinh phụng dưỡng những ngày tuổi già. Nhưng rồi, thời gian không đợi người, cha cậu vẫn ở quê vò võ ngóng trông.

Một đêm nọ, Đỗ sinh trải qua giấc mơ kỳ lạ, trong mơ cậu chỉ thấy cha đứng nhìn mình một hồi lâu mà không nói lời nào.

Sáng hôm sau, Đỗ sinh xin phép quan gia được về quê thăm cha. Khi vừa tới cổng nhà, cậu mới hay tin rằng cha cậu đã qua đời sau cơn bạo bệnh. Đỗ sinh hối hận quỳ xuống bên mộ cha, nếu như thời gian quay trở lại, thì dẫu phải đánh đổi cả núi vàng núi bạc cậu cũng sẽ nguyện lòng, miễn là được ở bên cha những ngày cuối đời.

Một ánh mắt ân cần, không điều kiện tất cả vì con. (Ảnh: Soha)

Có khi nào bạn ở vào tâm trạng như của Đỗ sinh, mỗi khi nhớ về những ký ức tươi đẹp bên cha mẹ đều sẽ lệ tràn hoen mi, đều sẽ có cảm giác hối hận như ruột gan đứt từng khúc khi đứng trước mộ cha mẹ?

Hãy luôn tự nhủ với lòng mình, yêu thương cha mẹ mình như yêu thương con mình vậy, bất kể người làm cha mẹ nào cũng sẽ bao dung tha thứ cho đứa con của mình, chúng ta cũng nên quan tâm người già hơn một chút, bởi vì, cha mẹ già rồi giống như đứa trẻ vậy, sự báo đáp về tinh thần còn quan trọng hơn sự báo đáp về vật chất.

Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn báo hiếu mà cha mẹ đâu còn. Bớt xem đi một bộ phim, bớt chơi đi một ván mạt chược, bớt đi dạo đi một đoạn, dành thời gian đó ở nhà với bố mẹ, ta sẽ cảm thấy bản thân đỡ ân hận hơn rất nhiều!

Khi rảnh rỗi hãy thường xuyên về thăm nhà thăm cha mẹ khi bạn còn có thể. Họ chỉ cần bạn về nhà mà thôi, đừng lãng phí thời gian của mình vào những trò vui chơi giải trí, vào những người bạn ở những khu vui chơi giải trí đó. Họ không đáng để bạn lãng phí thời gian và kết thân. Hãy luôn ghi nhớ rằng, quán bar không phải là nhà của bạn, KTV cũng chỉ là trò tiêu khiển mà thôi.

Đừng để cha mẹ mỏi mắt trông ngóng mà không nhìn thấy hình bóng của bạn. Bởi tình cảm giữa cha mẹ và con cái là tình cảm máu mủ ruột thịt sâu đậm và cao quý nhất.

Đã bao giờ bạn từng nghĩ, từ khi ta đến với thế giới này cha mẹ ta đã tắm đã giặt quần áo cho chúng ta bao nhiêu lần? Từ khi bước những bước đi đầu tiên chập chững vào đời, là ai là người nắm lấy cánh tay nhỏ bé của bạn dìu dắt những bước đi đầu tiên? Khi bạn ốm đau mệt mỏi không muốn ăn cơm, cha mẹ lại âm thầm chăm sóc bón cho bạn từng thìa cơm thìa cháo.

Còn chúng ta thì sao? Phận làm con chúng ta đã làm được gì cho họ? Đã giặt quần áo cho họ được bao nhiêu lần, đã giúp họ được bao nhiêu việc?

Khi cha mẹ còn hãy luôn nở nụ cười, hãy luôn quan tâm chăm sóc tới họ. Bởi ân tình của bất kỳ ai dành cho chúng ta cũng không lớn hơn cha mẹ? Không có sự chăm sóc của ai với chúng ta nhiều bằng của cha mẹ?

Khi bạn bệnh nặng theo bạn ai là người sẽ đưa bạn tới bệnh viện? Không ai ngoài cha mẹ bạn sẽ đưa bạn đi, cũng không ai ngoài cha mẹ bạn có thể mất ăn mất ngủ sốt ruột lo lắng cho bạn ngoài họ.

Khi bạn gặp khó khăn hay khi bạn gặp chuyện, khi bạn mắc sai lầm bất kể ai cũng có thể bỏ rơi bạn, nhưng cha mẹ thì không. Với họ tình cảm dành cho con cái là mãi mãi bất biến, dù cho cả thế giới có bỏ mặc bạn nhưng với họ mãi mãi bạn vẫn là cả thế giới.

Ai rồi cũng sẽ phải già đi, nhưng cha mẹ vẫn ánh mắt ấy… mong ngóng con về. (Ảnh:Ukump.com)

Nếu có một ngày những người nuôi bạn khôn lớn thật sự đều rời đi, họ sẽ không nói với bạn lời nào, cũng sẽ không thể tiếp tục gọi tên bạn cùng bạn ăn cơm và quan tâm tới bạn được nữa. Vậy phận làm con chúng ta hãy lau khô những giọt lệ, đừng ủy mị yếu đuối, mà hãy dũng cảm đối diện.

Tôi luôn cho rằng dạy con bằng hành động còn quan trọng hơn lời nói, khi mà xem xong một nửa đoạn quảng cáo, khi mà đứa con bưng lên chậu nước đầy ngâm chân cho mẹ, tôi đã không cầm được nước mắt, tôi đã bị nó làm cho cảm động, người mẹ chỉ cần được như thế đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, thời khắc đó tất cả công sức mẹ bỏ ra cũng cảm thấy đáng lắm.

Nhân lúc cha mẹ còn đang khỏe mạnh, hãy an ủi tinh thần cho họ, hãy dành nhiều thời gian hơn để bên cạnh họ, cố gắng đáp ứng hết nguyện vọng của họ, đừng khiến cho bản thân sau này phải hối hận, yêu thương cha mẹ như yêu thương chính bản thân mình bởi vì họ cũng cần được yêu thương… Nếu có một ngày thực sự họ rời đi, chúng ta sẽ không lấy làm hối tiếc bởi mình đã làm được những gì cần làm khi họ còn tại thế.

Exit mobile version