Đại Kỷ Nguyên

Người tiêu dùng hy vọng hàng hóa tết được bình ổn

Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm nay cách nhau đến hơn một tháng rưỡi. Vì vậy, thị trường hàng hóa Tết Dương lịch được xem như giai đoạn khởi động cho nhu cầu mua sắm của Tết Âm lịch. Với giá xăng liên tục giảm và chỉ số lạm phát chỉ xoay quanh con số 4%, hầu hết các mặt hàng phục vụ Tết đều có xu hướng phù hợp với túi tiền người tiêu dùng!

Từ nhà cung cấp đến hệ thống bán lẻ

Sự lớn mạnh không ngừng của các hệ thống phân phối hàng hóa, đã khiến giá cả ở các chợ truyền thống phụ thuộc và phải điều chỉnh theo giá cả ở siêu thị. Vì sao? Vì hầu hết nguồn nguyên liệu và mặt hàng thiết yếu đều do những doanh nghiệp lớn nắm giữ để ưu tiên phân phối cho hệ thống siêu thị. Những đại gia bán lẻ như Co.op Mart, Metro, Big C… khẳng định nguồn hàng Tết Ất Mùi 2015 được dự trù sản xuất và dự trữ tăng từ 10-15%. Như Phó tổng Giám đốc Saigon Co.op – bà Nguyễn Thị Thu Thủy đã hé lộ: “Tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết chúng tôi dự trữ các dịp này là khoảng 90.000 tấn, tăng gần 15% so với Tết Giáp Ngọ 2014. Trong đó từng nhóm hàng có độ tăng trưởng khác nhau từ 10 – 20%, dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm nước ngọt, bia, trái cây…”.

TP.HCM được đánh giá cao về chương trình bình ổn giá, luôn tạo ra được tâm lý tiêu dùng rất khả quan. Theo kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho thị trường Tết Nguyên đán 2015 của Sở Công Thương TP.HCM, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết là trên 15.849 tỉ đồng, tăng trên gần 8.268 tỉ đồng (109%) so với Tết Giáp Ngọ 2014. Trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 8.304 tỉ đồng (tăng trên 69% so với Tết Giáp Ngọ 2014).

Riêng tháng cao điểm Tết (từ 20-1 đến ngày 18-2-2015), tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị là gần 8.263 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là gần 4.862 tỉ đồng. Vài doanh nghiệp không hề che giấu tham vọng chiếm lĩnh thị trường Tết năm nay: Saigon Co.op chuẩn bị gần 4.614 tỉ đồng, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) gần 982 tỉ đồng, Công ty TNHH Phạm Tôn 411 tỉ đồng, Công ty TNHH Thời trang Dệt may Việt Nam chuẩn bị 364 tỉ đồng, Công ty CP Đầu tư An Phong chuẩn bị gần 404 tỉ đồng. Riêng Công ty Vissan chuẩn bị dự trữ cho Tết 3.300 tấn thịt gia súc, 2.500 tấn thực phẩm chế biến…

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM – Bà Lê Ngọc Đào cho biết: đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp tham gia trong Chương trình Bình ổn thị trường đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết với khả năng cung ứng tăng bình quân 63% so với kế hoạch thành phố giao và tăng trên 79% so với kết quả thực hiện Tết 2014. Nhiều mặt hàng chuẩn bị khối lượng lớn chi phối từ 30-60% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm chi phối trên 63%, dầu ăn trên 65%, đường gần 58%, thực phẩm chế biến gần 53%, trứng gia cầm trên 42%, thịt gia súc 29%… Đặc biệt, hiện nay do xu hướng tiêu dùng đã có sự thay đổi, khẩu phần sử dụng nhiều về mặt rau, củ quả do đó lượng hàng rau, củ quả chuẩn bị cho thị trường Tết năm nay cũng tăng trên 121% so với Tết Nguyên đán 2014.

Tăng cường đầu tư và mở rộng điểm bán lẻ

Ba chợ đầu mối tại TP.HCM, lượng hàng hóa nhập vào chợ khoảng trên 8.000 tấn/ngày. Vào thời điểm cận Tết lượng hàng hóa về chợ tăng khoảng 50-70% tấn so với ngày thường. Đến nay, các chợ đầu mối đã hoàn chỉnh xong kế hoạch phục vụ Tết. Riêng chợ đầu mối Bình Điền sẽ tổ chức Hội Hoa Xuân từ ngày 15 đến ngày 30 Tết với khoảng 480 gian hàng trưng bày hoa, cây cảnh – tăng 350 gian hàng so với Tết Nguyên đán 2014.

Bên cạnh các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM cũng đã hoàn thành kế hoạch chuẩn bị hàng Tết với những nhóm hàng thiết yếu tăng từ 2 đến 3 lần so với những tháng thường trong năm. Tại các chợ truyền thống, Ngân hàng Sacombank đã chuẩn bị (1.500 – 2.000 tỉ đồng) cho gói tín dụng ưu đãi với lãi suất 8%/năm để hỗ trợ tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ vay thực hiện dự trữ hàng hóa cung ứng nhu cầu Tết. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo, nước giải khát, rượu bia lớn đã nắm chắc nguồn cung và lượng hàng cung ứng ra thị trường. Dự kiến các loại mặt hàng này tăng khoảng 50% so với tháng thường.

Dự báo của Sở Công Thương TP.HCM, sức mua sẽ tăng mạnh vào các tháng cuối năm. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu sẽ tăng nhẹ vào những ngày cận Tết. Lượng hàng hóa tiêu thụ dự báo tăng khoảng 20% so với Tết Giáp Ngọ 2014. TP.HCM sẽ tập trung phát triển thêm 286 điểm bán hàng (hiện nay đã có 8.939 điểm bán hàng), thực hiện 342 chuyến bán hàng lưu động trong 2 tháng trước Tết, riêng tháng cao điểm thực hiện thêm 200 chuyến trong đó có 40 chuyến phục vụ công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải giải quyết cấp giấy phép lưu thông 24/24 giờ cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường để cung ứng hàng hóa kịp thời đến các điểm bán hàng… Đồng thời các cơ quan chức năng sẽ tăng cường các biện pháp giám sát để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các loại bánh mứt chờ người sắm Tết. Ảnh KTGĐ.

Giá hàng hóa sẽ giảm, đời sống bình ổn… theo giá xăng dầu?

Xăng dầu liên tục giảm giá, chi phí vận chuyển và nhiều loại dịch vụ khác cũng sẽ giảm theo. Đó là một trong những tín hiệu khiến người tiêu dùng hy vọng được dễ chịu hơn trong việc chi tiêu dịp Tết Ất Mùi 2015. Để ổn định thị trường, các doanh nghiệp tại TP.HCM đảm bảo không tăng giá bán trong 2 tháng trước và sau Tết. Đồng thời, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối tham gia chương trình bình ổn sẽ có kế hoạch giảm giá từ 5% đến 49%, kèm quà tặng và chương trình rút thăm trúng thưởng. Vào các ngày cận Tết các doanh nghiệp sẽ thực hiện giảm giá sâu một số mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt gia súc, gia cầm.

Đồng thời, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa Tết các siêu thị tham gia bình ổn thị trường sẽ kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng tại các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, Big C và một số hệ thống phân phối khác. Cụ thể, từ ngày 20 đến ngày 26 Tết sẽ mở cửa từ 7 giờ sáng đến 23 giờ đêm, từ ngày 27 đến ngày 29 Tết mở cửa từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm, riêng ngày 30 Tết mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa; cho đến ngày Mùng 2 Tết mở cửa từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa và từ ngày Mùng 5 Tết các siêu thị mở cửa hoạt động bình thường trở lại.

Với giá cả và thời tiết như hiện nay, người tiêu dùng TP.HCM và người dân trên cả nước hy vọng sẽ có một mùa xuân ấm áp và cuộc sống thật yên bình.

Lê Châu

Exit mobile version