Đại Kỷ Nguyên

Người phụ nữ suốt 15 năm dành tiền nuôi ‘đàn con’ chim trời, thú hoang ở Thảo Cầm Viên

Buổi trưa nắng gắt ở Sài Gòn, người đàn bà tóc bạc đi khắp Cầm Thảo Viên, tay xách túi đồ ăn, miệng kêu to “Già ơi!”, ngay lập tức đàn chim sà xuống vây quanh. Bà nói mặc kệ ai bảo mình “điên”, bởi đó là niềm vui, hạnh phúc mỗi ngày.

Bà Hồng Tuyết Mai, (64 tuổi, ở Quận 3, Tp. HCM), hay còn gọi là bà Năm “khùng”, ngồi bán đồ chơi ở góc cổng Thảo Cầm Viên, (Quận 1), nhưng phút chốc bà lại đi trộn cơm, gạo, ngô, thóc… cho chim và thú hoang ăn. 15 năm nay, bà cần mẫn rải thức ăn, chăm sóc đủ loại chim, thú, ở công viên này và dọc đường trở về nhà.

Ngày nào cũng vậy, mưa hay nắng, cứ đúng giờ bà đi khắp công viên cho “đàn con” của mình ăn ba lần. Tay xách túi đồ, miệng kêu to “Già ơi! Già ơi!” – tên của một con sáo. Lập tức đàn chim trời với đủ các loại: sẻ, sáo sậu, chim cu, bồ câu… sà xuống mổ thóc vây quanh bà. Ngoài nuôi chim, bà còn nuôi 2 chú sóc, đến bữa lấy từng thìa sữa thừa xin được đổ vào chiếc bình nhỏ, đút miệng cho chúng bú.

Bà Mai xách túi thức ăn đi cho chim trời, thú hoang ăn suốt 15 năm qua. (Ảnh: VnExpress)

Bà Mai tâm sự trên Thanh Niên, khoảng 10h là mấy con sáo già, chim sâu xuống đất kiếm ăn nên trễ chút chắc chúng xỉu hết. Còn phần bánh mì, bà để dành cho mấy con sóc ăn vào lúc 11h. Kể cả ngày lễ tết bà vẫn bán nước đều đặn, dù bán được hay không thì 5h chiều cũng nghỉ vì dọc đường về còn cho mấy “đứa con” đang đợi bà cho ăn.

Ngày trước, khi cậu con trai mang cặp sáo bị thương về nuôi. Khi các chú chim này khỏe mạnh thì con bà thả chúng bay về với thiên nhiên. Bà thấy yêu quý chúng nên nảy ra ý tưởng sẽ cho những chú chim trời, con thú hoang ăn.

Chú sóc nhỏ xíu nên bà phải bơm sữa vào bình tí hon cho chúng bú. (Ảnh: Thanh Niên)

Năm 2003, trong một lần dọn hàng ở cổng công viên, bà nhìn thấy 3 chú chim sẻ mới sinh kêu chíp chíp đói ăn. Bà nghĩ bụng, tụi nó còn nhỏ xíu, để vậy nhỡ bị xe cán hoặc người ta bắt mất. Bà liền mang thức ăn mớm cho chúng, chim non được chăm sóc lớn nhanh, cất tiếng hót líu lo cả ngày rất vui tai. Ban đầu vài con, sau chim cứ thi nhau kéo đến từng bầy ăn ké. Vậy là cơ duyên đưa bà đến làm bạn với lũ chim từ đó và bận chẳng khác nào “con mọn”.

Hằng ngày, bà dậy từ 4h sáng đạp xe đến Quận 5 mua dế, châu chấu, sâu, chuối, bánh mì, bắp, gạo… phân loại cho phù hợp với khẩu vị từng loài. Về nhà bà ăn vội bát cơm nguội rồi ra công viên cho chúng ăn sáng. Sau đó, bà mới dọn hàng ra bán.

Trên xe của bà lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một túi đồ ăn để trên đường đi bà rải cho chim trời, thú hoang ăn. Người ta còn thấy bà đạp xe từ Quận 5, qua ngã bảy Lý Thái Tổ, công viên Tao Đàn. Đến điểm quen gọi “Già ơi! Già! Già ơi! Ời Ời!”, bốc một nắm gạo thóc chìa ra. Bà vừa dứt lời, tay chưa kịp rải xuống đất, hàng chục con chim trên cây đã sà xuống mổ thức ăn. Chiều về, bà rảo bước dọc đường Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, quẹo sang Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu… cho chim ăn rồi mới về nhà.

Ai gặp bà cũng nói: “Chim trời, cá biển thì nuôi làm gì?”. Có người bảo “điên”, nhưng bà chỉ cười rồi đáp lại: “Điên mà tôi biết đi bán hàng kiếm tiền”.

Một người bán hàng nước ở công viên chia sẻ, bà Mai bỏ tiền túi ra mua đồ ăn cho chim, cho thú ăn như một thú vui “điền viên”. Thi thoảng, bà đi xin ít sữa cho sóc con. Thấy việc làm của bà cũng vui vẻ nên mọi người hay giúp. Nhiều người đến cho tiền để bà nuôi “con” nhưng phải đưa cho khéo bà mới nhận.

Tính cách của bà Mai cũng thân thiện, vui tính và yêu đời hết cỡ. (Ảnh: Thanh Niên)

Đàn chim ở Thảo Cầm Viên được bà cho ăn nên rất quấn, bà đi đâu chúng theo đấy. Du khách đến đây cũng thấy thú vị nên xin chụp hình lưu niệm. Thậm chí, có người ngỏ lời mua nhưng bà quyết không bán, sợ họ không biết chăm sóc hoặc có mục đích không tốt. Bà muốn được chăm sóc chúng mỗi ngày, cho ăn no rồi bay đi đâu tùy thích.

Bán hàng nhưng không được bao nhiêu tiền lãi, nhiều khi tiền vốn cạn, bà lại đi vay để mua thức ăn cho chim và đi lấy hàng về bán vực lại. Mỗi ngày, chi phí nuôi bầy chim tốn của bà đến 100-200 nghìn đồng.

Bà Mai nói về “đàn con” của mình một cách thân thương: “Tụi nó khôn lắm, đồ cũ là bỏ mứa, phải đồ mới cơ. Nhưng kệ, tôi ở một mình, nhà cửa đủ rồi, ăn uống, chi tiêu tiết kiệm một chút lo cho chúng. Đó cũng là cách bảo vệ thiên nhiên, giúp môi trường trong lành hơn”, theo VnExpress.

Mỹ Duyên

Exit mobile version