Văn hóa phương Đông và phương Tây có khá nhiều khác biệt, nhưng dù ở Đông hay Tây, lương thiện vẫn là giá trị phổ quát của toàn nhân loại.
Bài viết dưới đây xin được kể những câu chuyện về lòng tốt của người Mỹ, hy vọng sẽ đem đến những giá trị tích cực trong lòng độc giả Việt.
“Xin cô vui lòng chấp nhận điều này. Đó là hoa của mẹ tôi”
Có một lần, tôi đi mua hàng ở siêu thị, đến lúc tính tiền tôi mới phát hiện ra mình bị thiếu mất 12 đô la. Lúc này, tôi bắt đầu lấy bớt đồ ra khỏi túi. Bỗng có một người lạ xuất hiện đưa cho tôi một tờ 20 đô la. Tôi lập tức từ chối:
– Ồ, cảm ơn. Xin ông đừng bận tâm!
Ông ấy ôn tồn nói:
– Hãy để tôi kể với cô điều này, mẹ tôi đang điều trị ung thư ở trong bệnh viện. Tôi đến thăm và mang hoa cho bà mỗi ngày. Nhưng sáng nay, mẹ đã nổi giận vì tôi đã tiêu tiền vô ích vào những bó hoa. Mẹ yêu cầu tôi làm điều gì đó có ý nghĩa hơn với số tiền đó. Thế nên, xin cô vui lòng chấp nhận. Đó là hoa của mẹ tôi.
– Leslie Wagner, Peel, tiểu bang Arkansas, Mỹ.
Chỉ là tình cờ mà thôi
Một lần, tôi và một người bạn bị thương trong một vụ tai nạn xe hơi. Một gia đình ở tiểu bang khác tình cờ lái xe qua và đã dừng lại để giúp đỡ. Họ chở chúng tôi đến bệnh viện và chờ ở đó cho đến khi chúng tôi được xuất viện. Sau đó, họ đưa chúng tôi về nhà, chuẩn bị thức ăn và sắp xếp chỗ cho chúng tôi nghỉ ngơi cho đến khi ổn định tâm lý.
Điều đáng ngạc nhiên và cảm động nhất là, họ đã tạm hoãn kỳ nghỉ của mình để giúp đỡ chúng tôi – những con người hoàn toàn xa lạ, cứ như đó là việc của chính họ vậy.
– EarCindy Earls, Ada, bang Oklahoma, Mỹ.
“Từ nay tất cả trẻ em California sẽ là con cái của chúng ta”
Viện Đại học Leland Stanford Junior, còn gọi là Viện Đại học Stanford được thành lập bởi Leland Stanford, trùm tư bản về đường xe lửa, Thống đốc California, và vợ ông, Jane Stanford. Viện đại học được đặt theo tên người con duy nhất của hai vợ chồng, Leland Stanford, Jr., người đã ra đi bởi căn bệnh thương hàn từ khi còn rất trẻ.
Vào năm 1884, ông bà Stanford đã thức trắng nhiều đêm bên giường bệnh của con trai. Và chính vào buổi sáng mà cậu trút hơi thở cuối cùng, vì quá mệt mỏi, ông bà đã thiếp đi. Khi ông bà tỉnh giấc vì được đánh thức thì đã quá muộn. Cậu con trai duy nhất của họ đã ra đi mãi mãi. Leland Stanford lặng lẽ quay sang nói với vợ:
– Từ nay tất cả trẻ em California sẽ là con cái của chúng ta.
Ngay trong năm đó, ông bà Stanford đã tới thăm các trường đại học có tên tuổi khắp nước Mỹ như Cornell, Yale, Harvard và Học viện công nghệ Massachusetts để thảo luận về việc hiến tặng đất để mở rộng các ngôi trường này. Tuy nhiên, sau cuộc thảo luận với Ngài Charles William Eliot – Chủ tịch đại học Harvard, ông bà Stanford đã quyết định tự xây dựng một trường đại học mới.
Hiện nay, Viện Đại học Stanford là một trong những trường đại học danh giá bậc nhất thế giới. Ngôi trường vẫn “kiên trì” dẫn đầu trong bảng xếp hạng top 10 đại học danh tiếng nhất thế giới của Times Higher Education (THE) – Tạp chí về tin tức và các vấn đề giáo dục bậc cao, có trụ sở ở London (Anh).
Bạn đang đọc bài viết: “Người Mỹ làm việc tốt như thế nào?” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |