Đại Kỷ Nguyên

Cách xử sự của người mẹ khi nhận được tin con trai lấy trộm tiền ở trường

Sau khi nghe tin con trai mình lấy trộm tiền ở trường học, người mẹ đã có cách xử sự khiến mọi người kinh ngạc. Bất kể lúc nào, cha mẹ cũng đều là chỗ dựa vững chắc của con, khi cha mẹ không còn tin tưởng con thì có thể đó chính là một nỗi bất hạnh của gia đình.

“Con trai của cô ở trường đã lấy trộm của cô giáo Vương 1.000 tệ đấy, nó đã thừa nhận rồi, cảnh sát cũng đã đến trường rồi…”. Cô đang làm việc ở công ty và nhận được điện thoại của thầy giáo nói như vậy, điều này khiến cô không thể tin được.

“Bất luận là thằng bé đã làm sai điều gì, xin thầy đừng đánh mắng con trai tôi, hãy đợi tôi đến!”. Sau đó cô đã nhờ thầy giáo đưa điện thoại cho con trai cô. Cậu bé vừa khóc vừa gọi: “Mẹ ơi!”, người mẹ nói: “Con à, đừng sợ, cho dù có việc gì xảy ra thì mẹ cũng là chỗ dựa của con, mẹ sẽ đến chỗ con ngay bây giờ!”.

Khi cô phóng xe đạp điện tới phòng làm việc của thầy giáo, cô phát hiện trước cửa phòng thầy có một chiếc xe cảnh sát đang đỗ ở đó, bên trong phòng là hai người cảnh sát sắc mặt nghiêm nghị, một thầy giáo, một cô giáo và một người lớn tuổi là bên phòng giáo dục. Cô giáo nghiêm giọng nói với người mẹ: “Con trai của cô sáng sớm nay đã mở ngăn kéo của tôi lấy đi 1.000 tệ, cậu bé đã thừa nhận rồi, cô xem xử lý thế nào đi!”.

Người mẹ nhìn quanh, thấy con trai đang ngồi dưới đất, toàn thân run rẩy, quần áo bẩn thỉu, nước mắt quện với đất dính đầy hai má, cô tiến lại ôm lấy cậu con trai.

– Mẹ ơi, họ muốn bắt con đi tù, con rất sợ… Mẹ ơi…!

– Con trai, hãy nói thật cho mẹ biết nhé, mẹ rất tin tưởng con!

Cậu bé vừa lắc đầu vừa nói: “Không có, con không lấy!”.

Ảnh minh họa (nguồn: Pixabay).

Sau khi trấn an con trai xong, người mẹ này đứng lên nói: “Tôi tin tưởng con trai tôi, nó đã nói không lấy trộm là không lấy trộm!”. Cậu bé nhìn mẹ với ánh mắt vô cùng cảm kích.

Cô giáo nói: “Mẹ nuông chiều thì con hư đấy chị! Thằng bé tự thừa nhận rồi đấy!”.

“Vậy phiền chị cho tôi biết, con trai tôi đã thừa nhận như thế nào? Và lấy trộm tiền ở chỗ nào? Chứng cứ buộc con trai tôi lấy trộm tiền đâu? Không có chứng cứ lại bắt thằng bé thế, cảnh sát cũng không làm như vậy đâu!”.

Một người cảnh sát nhún vai nói: “Đúng thật là không tìm được chứng cứ, nhưng thằng bé đã tự thừa nhận rồi”.

Cô giáo không kiên nhẫn được liền đưa bản tường trình ra. Người mẹ quay đầu về phía con trai hỏi: “Cô giáo nói có đúng không con?”.

Cậu bé lắc đầu: “Cô giáo từ sáng sớm đã không cho con lên lớp, họ còn gọi cảnh sát đến, con rất sợ hãi, cô giáo còn nói nếu thừa nhận thì còn có thể được về nhà…”.

Vẻ mặt cô giáo đột nhiên biến sắc, không lên tiếng nữa.

“Vừa uy hiếp, vừa dụ dỗ, thế này mà cô gọi là tường trình sao?”.

Người mẹ nghèo khó đi xe đạp điện với dáng người nhỏ bé gầy gò không biết dũng khí từ đâu tới, cô mặc kệ mọi người mà dẫn cậu con trai đi về. Có lẽ mỗi lời nói và cử chỉ của người mẹ trước mặt cậu con trai đều rất thuyết phục nên trên đường về nhà cậu bé cảm kích và ôm chặt mẹ nói: “Mẹ ơi! Con cảm ơn mẹ đã cho con sức mạnh!”.

Vừa về đến nhà không bao lâu, thầy hiệu trưởng gọi điện tới nói rằng cô giáo kia đã tìm lại được tiền rồi, là do trong lúc vô tình cô ấy đã đem đồng tiền đó bỏ vào một ngăn kéo khác, sau đó lại quên mất.

Chuyện này đã khiến cậu bé thấy sợ hãi, nhưng cách xử lý của người mẹ lại khiến cậu hãnh diện, bởi vì người mẹ đã cho cậu dũng khí và cảm giác an toàn. 

Có người hỏi, tại sao con của họ lại có thói quen lấy trộm tiền, mà càng đánh thì càng lấy trộm, mà lại càng lấy trộm nhiều? Câu trả lời là ở hai từ “tin tưởng”.

Rất nhiều trẻ lúc còn nhỏ đã có hành vi lấy trộm tiền, đại đa số trẻ không biết đó là “trộm”, cũng không biết đó là hành vi sai trái. Nhưng lúc cha mẹ phát hiện ra trẻ có hành vi đó mà đánh mắng, trừng phạt, dán lên con hai chữ “kẻ trộm” thì sẽ khiến trẻ có một tâm lý và cảm giác u ám. Chúng sẽ vì sự trừng phạt của cha mẹ mà phẫn nộ, lòng tự trọng bị tổn thương, sự tin tưởng giữa cha mẹ và con cái cũng bị sụp đổ, càng có thể kích thích tâm lý nghịch phản của trẻ: “Bố mẹ đã nói con là kẻ trộm, con sẽ cứ ăn trộm cho bố mẹ xem!”.

Gần đây, tôi có chứng kiến một sự tình lại khiến cho mọi người phải suy nghĩ.

Cậu bé này rất nghịch ngợm và thích gây sự, cũng thường xuyên bị thầy giáo phê bình. Thầy giáo sau mỗi lần phê bình xong đều có thông báo cho bố của cậu bé biết. Người bố này vô cùng tức giận, sau mỗi lần thầy giáo thông báo, anh ta đều áp dụng các biện pháp trừng phạt khi cậu bé trở về nhà, ví dụ như không cho uống sữa, không được chơi đồ chơi, không được xem ti-vi và còn phạt đứng ở góc tường. Một hôm, sau khi cậu bé bị ngất xỉu, các bác sĩ bệnh viện đã chẩn đoán cậu bị bệnh máu trắng, cậu còn nói ở trường thường xuyên thấy ngủ không thoải mái… Người bố trách cứ rằng sao không nói sớm cho bố mẹ biết, câu trả lời của cậu bé khiến người bố xấu hổ: “Bố với thầy giáo là cùng một hội!”.

Liệu với tư cách làm cha làm mẹ, chúng ta có đang khiến con cái dần dần thất vọng về chúng ta?

Trên thực tế, không phải trẻ từ khi sinh ra đã không tin tưởng bố mẹ, mà là khi trẻ đem một trái tim thuần khiết phó thác cho cha mẹ và thầy cô giáo nhưng lại bị làm cho tổn thương. Trẻ con sẽ ở trong những lời nói trêu trọc, trách mắng, giáo huấn, thiếu tôn trọng, không tin tưởng… khiến chúng dần dần mất đi sự tin tưởng vào bố mẹ. Dần dần trẻ cũng khép lại lòng mình với cha mẹ, thậm chí đối kháng với cha mẹ. 

Các bậc cha mẹ, xin hãy lựa chọn tin tưởng con mình từ lúc con còn nhỏ. Một khi đã có sự tin tưởng rồi, con cái sẽ thổ lộ mọi chuyện cho bố mẹ giống như với một người bạn vậy, trẻ mới hướng về cha mẹ đầu tiên để cầu xin sự giúp đỡ khi cần thiết, đã có tôn trọng rồi, trẻ sẽ ghi nhớ thật sâu sự tin tưởng và mong chờ của cha mẹ. Tin tưởng không đồng nghĩa với nuông chiều vô căn cứ. Niềm tin ấy vốn có nền tảng từ một sự giáo dục nhân cách tốt cho con.

Mai Trà (BD)

Theo NTDTV

Video xem thêm: Phía sau người con thành công là bóng dáng của người mẹ vĩ đại

Exit mobile version