Đại Kỷ Nguyên

Người họa sĩ già lặng lẽ vẽ hoa hướng dương lên tường vì một lý do khiến người xem cay khóe mắt…

Trong cuộc sống, liệu có ai còn đang đi tìm những con người làm tâm hồn mình rung động, còn ai chỉ vì một bức ảnh vô tình nhìn thấy mà đi tìm cho bằng được người trong ảnh, để rồi tìm ra một điều thật khác trong thành phố nơi anh sống?

Câu chuyện sẽ được cho là lạ lùng vào thời hiện đại dưới đây diễn ra ở Sài Gòn, một thành phố của nhịp sống tươi trẻ và sôi động.

Trong khi lướt Facebook, anh tình cờ xem được một bức ảnh chụp lại một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi cẩn thận tô từng cánh hoa hướng dương vàng ươm trên tường của một chung cư đã cũ. Bên cạnh là bông hoa đã vẽ xong rực rỡ như một mặt trời nhỏ, đầy sức sống.

Bức ảnh khởi đầu cho tất cả

Ông cụ ấy là ai? Tại sao lại ngồi vẽ ở nơi công cộng thế này? Và tại sao lại là những đóa hướng dương?

Những câu hỏi ấy cứ xoay vần trong đầu anh – xin được tạm gọi là “Người tìm kiếm”,  thôi thúc anh phải đi tìm người đang vẽ tranh. Ba tin nhắn Facebook rất dài đã được gửi đi. Anh muốn biết rõ hơn về người trong tấm hình. Nhưng người đăng hình cũng không cho anh nhiều thông tin. Họ đáp lại anh với vỏn vẹn vài từ “cư xá Thanh Đa, tới đó hỏi ai cũng biết”.

Câu trả lời như một mật mã và anh bắt đầu hành trình tìm kiếm của mình.

Cư xá Thanh Đa, một trong những cư xá đầu tiên tại Sài Gòn, với cái vẻ cũ kĩ im lìm đang hiện ra trước mắt anh. Đây là một trong những nơi hiếm hoi mà người ta có thể tìm thấy sự tĩnh lặng in trên những mảng rêu xanh và những mảng tường đã tróc.

Theo đúng chỉ dẫn của mật mã, anh đã hỏi và biết đường tới nơi mà người vẽ hoa hướng dương đang ở. Khi lần theo những bậc cầu thang cũ, sự tò mò và ngại ngần trong anh cùng nhau lớn lên. Đây liệu có phải là nhà cụ, liệu mình có nhầm và sẽ làm phiền ai đó, … những câu hỏi cứ thi nhau làm phiền, khiến anh lướt qua một bức tranh rất lớn, nơi bức tường của chiếu nghỉ cầu thang.

Bức tranh nơi chiếu nghỉ vễ một mùa xuân tươi mới và bình yên

Đứng trước cửa một ngôi nhà rất giản dị, không có điều gì đặc biệt so với những ngôi nhà khác, anh muốn bỏ cuộc vì vẫn chưa tìm được một lý do hợp lý để được làm quen, trò chuyện với người vẽ hoa.

Bức tranh ở ngay gần cửa ra vào, vẽ “những tán lá tàn úa cuối mùa” khiến anh lại thêm quyết tâm.

Nhấn chuông và hồi hộp chờ đợi.

“Cậu là ai?”

Một cụ bà nhỏ người, dè dặt hỏi anh.

“Con là một người học vẽ. Con có biết đến ông lão họa sĩ sống ở nhà này, con muốn gặp ông để trò chuyện” – Anh bất giác nhận ra lời nói dối của mình.

“Cậu biết ông nhà tôi à. Thế thì mời cậu vào nhà”.

Vậy là cánh cửa của căn nhà mở rộng, anh bước vào, và một thế giới hoàn toàn khác, vượt ngoài sức tưởng tượng mở ra trước mắt.

Một không gian tĩnh lặng và bình yên … giống với một nơi nào đó mà anh đã đi qua nhưng chưa thể định hình tên gọi.

Một không gian tĩnh lặng và bình yên …

Căn hộ nhỏ của “người vẽ hoa” tràn ngập những bức tranh. Phòng khách, góc làm việc, đầu giường, không góc nào là không có tranh. Căn nhà nơi khu tập thể tựa như một viện bảo tàng hay một gallery thu nhỏ vậy. Cảnh trí thật lạ và vô cùng thú vị.

Lặng lẽ chiêm ngưỡng cả căn phòng, người tìm kiếm nhận ra rằng, mỗi đồ vật trong căn nhà này đều có vị trí của nó, trông có vẻ lộn xộn nhưng không cái nào tạo ra cảm giác kệch cỡm hay thô thiển. Tất cả đều liên kết với nhau trong một sự sắp xếp hài hòa của chủ nhân, không thứ nào lấn át cái đẹp của thứ nào. 

Khắp không gian tràn ngập những bức tranh về Hà Nội

Đang lang thang trong những suy nghĩ và chiêm nghiệm của mình, người tìm kiếm bị tiếng hỏi điềm đạm của một giọng nói miền Bắc đặc trưng đưa trở lại hiện thực.

“Cậu tìm tôi có việc gì?”

Cảm thấy vô cùng bối rối, anh không biết sẽ tiếp tục nói dối, hay sẽ nói sự thật.

Cuối cùng, anh nghĩ một cuộc trò chuyện giữa hai con người xa lạ không thể bắt đầu bằng một điều không chân thật. Vì thế, anh bắt đầu kể về bức tranh hoa hướng dương trên Facebook và điều gì thôi thúc anh tìm đến ông.

Khuôn mặt của người vẽ hoa vẫn giữ sự tĩnh lặng

Khuôn mặt của người vẽ hoa vẫn giữ sự tĩnh lặng, như mặt hồ thu. Ông lắng nghe câu chuyện, nghe xong, ông từ tốn nói:

“Thế thì đứng lên, tôi dắt cậu đi xem tranh.”

Và thế là hai người bước đi trong căn phòng nhỏ, ngắm từng bức tranh. Nhiều góc nhỏ của Hà Nội hiện ra thật sống động trước mắt anh. Đôi lúc, đắm mình trong những kí ức của ông cụ, trong từng đường nét, từng màu sắc của tranh, người tìm kiếm thấy như mình đang bước đi trên những con phố cổ kính của thủ đô. 

Một Hà Nội quá đối bình yên hiện ra trong tranh ông

Người vẽ hoa đã già lắm rồi, tai ông nghe không còn rõ nữa, đã phải dùng đến chiếc máy trợ thính để kết nối với thế giới bên ngoài. Nhưng cách ông nói về những bức tranh khiến người tìm kiếm hiểu, trong ông, hình ảnh Hà Nội chưa bao giờ phai mờ.

Nhiều góc nhỏ của thành phố hiện ra trong thật sống động trong những bức tranh

“Tất cả tranh này hình như đều liên quan đến Hà Nội đúng không ông?”

“Đúng đấy, chúng tôi là người gốc Hà Nội, mới chuyển vào đây năm 2010 thôi”, giọng miền Bắc nhỏ nhẹ của bà – vợ người vẽ hoa trả lời anh. Ông thì chỉ lẳng lặng gật đầu.

Bà lão ngồi trên ghế, bên cạnh bức tranh mà ông đã vẽ tặng bà vào một năm nào đó rất xa về phía trước.

Người tìm kiếm hỏi sâu hơn về nguyên nhân ông bà chuyển vào Sài Gòn sinh sống thì được biết: Con cháu thương ông bà đã quá già, không chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết Hà Nội, nên đón ông bà vào đây.

Người ta hay nói, người già như cái cây cổ thụ, rễ đã bám sâu vào một mảnh đất, sống và vui buồn cùng với mảnh đất ấy.

Người tìm kiếm hỏi:

“Chắc hẳn ông bà nhớ Hà Nội lắm?”

Câu hỏi như chạm đúng vào nỗi đau của ông bà, nhất là ông. Ông bắt đầu kể cho anh nghe những gì làm ông nhớ Hà Nội da diết đến thế. Nhớ tới nỗi có kỉ vật gì liên quan tới Hà Nội ông cũng tìm cho kì được một góc nhỏ để bày nó ra, để lúc nào buồn, lúc nào nhớ ông bà lại tới đó, chạm vào kỉ vật, như được chạm vào một phần của thành phố đã gắn với họ suốt bao năm tháng đẹp nhất của cuộc đời.

Hà Nội không ồn ã mà tĩnh lặng, trong veo (Ảnh minh họa dẫn qua thotre.com)

Hóa ra đó là một Hà Nội không ồn ã mà tĩnh lặng, trong veo như khung cảnh hồ Gươm lúc sớm.

Đó là một Hà Nội lưu giữ cái gốc gác con người của ông, nơi quê cha đất tổ, nơi mà luôn có điều gì đó nhắc nhớ ông về cội nguồn của mình.

Dù đã xa Hà Nội gần 10 năm, ông bà vẫn giữ cho mình thói quen của những người con Hà Nội gốc.

Và đó cũng là một Hà Nội mà mọi thứ đều thật nhẹ nhàng, nhưng sâu lắng đến kì lạ. Cả tình yêu và sự quan tâm cũng mang nét âm thầm, kín đáo nhưng không mất đi chút nào sự ấm áp. Ông kể với người tìm kiếm rằng ông nhớ những ngày Hà Nội mùa đông, bà mua cho ông chiếc áo vải thật dày để sáng ra Hồ Gươm chạy bộ. Rồi cả những khi hè ông ngồi quạt cho bà ngủ.

Nơi ấy cuộc sống của con người nhẹ nhàng, kín đáo nhưng ý vị như vậy, đi rồi sẽ nhớ và sẽ còn nhớ mãi.

Người tìm kiếm khi đã hiểu ra, anh đang khiến mặt hồ trong người vẽ hoa già dao động. Anh có thể nhìn thấy những con sóng của nỗi niềm xưa đang dâng trong đôi mắt ông.

Kí ức về Hà Nội chưa bao giờ phai trong trí nhớ của người đàn ông 93 tuổi này

Anh không muốn làm phiền ông thêm nữa, cũng chưa kịp hỏi ông về những bông hướng dương, nhưng anh muốn xin phép rời đi, muốn cảm ơn ông vì sự tiếp đón chu đáo mà yên bình này. Anh không muốn khiến ông buồn thêm nữa.

Nhưng ông níu anh lại, ông muốn vẽ tặng anh một bức tranh.

Người tìm kiếm vì nghĩ tới lời ông cụ chia sẻ ban nãy, hạnh phúc của người cầm cọ là được vẽ cho thỏa đam mê của mình, nên anh đồng ý.

Ông ngồi trong cái góc quen thuộc

Ông ngồi trong góc quen thuộc và vẽ. Trong lúc chờ đợi, người tìm kiếm nhìn ra ngoài cửa sổ, thả tâm hồn mình trong tiếng nhạc về Hà Nội và để mắt mình bay theo những cánh phượng đỏ rơi nghiêng, rồi đáp xuống mặt đất thật nhẹ nhàng. Tâm hồn anh tựa như đang se sẽ một nỗi buồn, một nỗi nhớ, thấm từ không gian nhỏ đậm chất Hà Nội, ngay giữa lòng thành phố ồn ào và náo nhiệt này.

Ông lão vẽ hoa cẩn thận trao cho anh bức tranh và một tấm danh thiếp.

“Họa sĩ Nguyễn Minh Châu”. Đúng rồi, ông là một họa sĩ. 

Ông giục người tìm kiếm mở bức tranh ra xem. Trong ấy, anh đã thấy lại cái sức sống, và nét dung dị đầy nhẫn nại trong những bông hướng dương anh thấy hôm nào.

Bức tranh hoa hướng dương đã hoàn thành

Buổi gặp hôm ấy kết thúc nhẹ nhàng như thế, người tìm kiếm ra về khi trời đổ mưa to. Nhưng lòng anh lại cảm thấy một sự ấm áp, khi nhớ lại bức tranh tường hoa hướng dương đã hoàn thành và nhớ lại cái mùi trầm ấm trong căn nhà rất cũ, với những con người rất cũ ấy.

Nơi nét chì tắt đi, dừng lại có thứ năng lượng của cả một cuộc đời cầm cọ đang tỏa ra, mênh mông.

Anh bỗng chợt hiểu ra rằng, con người ai cũng có một cái gốc để quay về, … như người vẽ hoa hướng dương đặt trái tim mình nơi Hà Nội bình yên.

Nguồn ảnh: Afamily

Hải Lam tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version