Đại Kỷ Nguyên

Người đàn ông suốt 40 năm âm thầm cứu gần 200 người khỏi tay tử thần trên sông Cẩm Lệ

Mưu sinh bằng nghề sông nước dưới chân cầu Cẩm Lệ, trong 40 năm qua ông Sáu Léo trú ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng đã đưa gần 200 người thoát khỏi lưỡi hái tử thần để trở về với gia đình.

Men theo bờ sông dưới chân cầu Cẩm Lệ, nếu chúng ta hỏi từ già tới trẻ, không một ai là không biết tên ông Sáu Léo. Mọi người yêu mến nên gọi ông với cái tên như vậy còn tên khai sinh của ông đầy đủ là Ngô Văn Léo.

Ông Sáu Léo trên chiếc ghe nhỏ dùng để cứu người của gia đình. (Ảnh: Tuoitre)

Hơn 40 năm qua, ông mưu sinh bằng hai chiếc thuyền neo đậu bên sông, và đã làm một công việc rất đỗi quen thuộc của mình đó là cứu vớt những mảnh đời bất hạnh, trong những lúc túng quẫn đã đánh liều mạng sống của mình. 

Bất kể ngày nắng đêm mưa, cứ nghe thấy tiếng “ùm” là ông Léo lại lao thuyền tới điểm có người nhảy xuống để trục vớt họ lên. Mỗi lần như vậy cũng không đơn giản, ông cũng phải ngụp lặn đủ kiểu mới có thể lôi được họ lên để thoát khỏi cái chết.

Cũng từ những lần cứu vớt đó, có nhiều người đã gắn bó với ông Léo như con đẻ, có người muốn ông nhận làm con nuôi, rồi tình huynh đệ… ông trở thành người có rất nhiều người thân.

Trong số người thân gọi ông Léo bằng cha có anh Quang, làm nghề tài xế xe tải.Vào đầu năm 2015, chỉ vì một lần cãi nhau với vợ, Quang nghĩ quẫn nên 12 giờ khuya ra cầu Cẩm Lệ tự vẫn.

Lúc đó ông Léo đang ngủ, nghe một tiếng ầm, nghi có người nhảy cầu, ông liền nhìn ra xem thì phát hiện nạn nhân đang sắp chìm. Cởi vội chiếc quần dài, ông Léo nhảy xuống sông lôi người thanh niên vào bờ, đưa áo quần của mình cho anh Quang mặc.

Đêm đó ông đã cùng anh Quang thức trắng, chia sẻ nhiều câu chuyện cuộc đời, giúp anh Quang thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Cũng nhờ những câu nói thấm thía của ông Léo mà anh Quang không còn ý định tự tử nữa, từ đó anh thường xuyên qua lại và coi ông Léo như cha mình.

Từ khi chưa có cây cầu này ông Léo đã cùng với cha mình làm nghề lái đò đưa khách qua sông. Trên mình vẫn còn những thương tích do chiến tranh để lại, khi cha mất, rồi cây cầu mới được xây, ông Léo cùng vợ vay mượn tiền để mua một chiếc thuyền, làm nghề thực hiện nghi lễ phóng sinh dưới gầm cầu.

Tuy vậy, cuộc sống gia đình phập phù nơi con nước vẫn không khá hơn là mấy. Ông chia sẻ: “Hai chiếc thuyền tôi sắm giờ phải neo một chỗ, thỉnh thoảng có người đến thuê để thả hoa đăng, phóng sinh rồi họ cho đồng nào thì cho, không thì thôi…”

Bình sinh với thực tại, ngày xưa khi cha dạy bơi cho ông đã căn dặn sau này phải noi gương cha cứu người. Vì vậy, khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh ông Léo không thể làm ngơ.

Ông còn nhớ như in câu chuyện cha con ông cứu vớt 3 thiếu niên đi câu cá bị trượt chân ngã xuống sông. Từ đời cha đến đời con đều gắn liền với việc cứu vớt các sinh mệnh trôi sông.

Năm 2006, trong lúc đang cùng con trai là Ngô Văn Phương quăng chài thì thấy có 2 chiếc mũ nổi trên sông. Linh tính mách bảo, ông cùng con trai trèo ghe lại gần thì thấy một cánh tay đang đưa lên mặt nước.

Lập tức, ông nhảy xuống sông lặn tìm và lần lượt kéo được 2 cháu bé đưa lên thuyền để anh Phương hô hấp nhân tạo. Đến đứa thứ 3, ông Sáu thấm mệt nên trôi theo. Thấy cha đuối sức, anh Phương nhảy xuống phụ cha dìu cậu thiếu niên còn lại vào bờ.

Năm này qua năm khác, hàng trăm số phận được cứu sống, có gia đình sau đó đã mang lễ vật, tiền vàng đến để hậu tạ nhưng ông đều không nhận. Ông đáp lại bằng những câu chuyện vui vẻ và không bao giờ nhận của ai thứ gì, bởi ông quan niệm rằng:

“Thấy người chết mà không cứu sao được! Cứu được mạng người là vui rồi. Chứ người ta có chuyện bất hạnh mới đi tự tử mà mình nhận tiền của họ sao đành lòng…”

“Thấy người chết mà không cứu sao được! Cứu được mạng người là vui rồi”. (Ảnh: Kenh14)

Cũng có những câu chuyện trái ngang, khi có lần cứu được một cô gái thoát chết. Cô ấy không những không cảm ơn mà còn cho rằng ông bị điên, sao không để cô ấy chết đi cho xong. Rồi ông Léo lại chia sẻ nhẹ nhàng, sau mới hiểu cô gái vì bị bạn trai phản bội khi có mang nên uất hận tính đến chuyện tự vẫn.

Có hôm đang ngồi ăn cơm trên thuyền dưới chân cầu, cả nhà ông nghe có tiếng kêu cứu. Bỏ vội chén cơm đang ăn dở, ông Léo hối vợ tháo dây neo thuyền, chèo ra giữa sông. Phát hiện có bóng đen nhô lên mặt nước, không chần chừ, ông lao xuống, nắm cánh tay và kéo được nạn nhân chỉ mới 20 tuổi lên bờ.

Ông lại tiếp tục lao ra giữa sông vớt tiếp người bạn trai của cô gái, sau mới biết họ nắm tay nhau nhảy cầu vì gia đình cấm chuyện yêu đương.

Hơn 40 năm qua ông Léo cũng không còn nhớ nổi mình đã cứu được bao nhiêu người, mặc dù vậy trong lòng ông vẫn còn nhiều những nỗi suy nghĩ riêng tư, ân hận vì những lần không kịp cứu người. Có lúc không ở bến sông, nghe có tiếng hô kêu cứu ông vội vã chạy ra, nhưng dòng nước đã cuốn người đi mất.

Có người biết chuyện hỏi ông Léo cứu được nhiều người chưa, ông khẽ cười nhìn ra xa thăm thẳm phía dòng sông, ông nói: “Không thể nhớ nổi, nhưng tính từ thời tôi sống cùng cha đến giờ chắc cũng gần 200 rồi ấy chứ”.

(Ảnh: Kenh14)

Ông Sáu đã làm việc cứu người này hơn 40 năm qua. Ông không phải là một bác sỹ, một người lính cứu hỏa… ông chỉ là một người dân chài. Ông làm điều ấy không cần ai lưu danh, cũng không cần ai tưởng thưởng. Ông chỉ mong những con người trong bất hạnh và lầm lạc vẫn còn cơ hội nhận ra rằng, cái chết không phải là sự kết thúc tất cả. Mà chỉ có mạnh mẽ vươn lên, học cách sống tốt giữa những khó khăn mới là cách bắt đầu một cuộc đời mới.

Gia Viên

Exit mobile version