Đại Kỷ Nguyên

Người đàn ông sống không-tiền-bạc trong 7 năm giữa xã hội phương Tây, viết sách và trở nên nổi tiếng

Hơn 7 năm trước đây, Mark Boyle từng là một người đàn ông thành đạt trong xã hội. Cuộc sống của ông, khi đó, có lẽ cũng là mục tiêu của rất nhiều bạn trẻ nước Anh: có được một công việc tốt, kiếm nhiều tiền, và mua sắm những vật dụng xa hoa để chứng tỏ với mọi người rằng mình “thành công”…

Và quả thực, Mark đã làm được điều đó. Ông là nhà quản lý của một công ty thực phẩm lớn tại Anh quốc, sở hữu chiếc du thuyền đắt tiền, và tận hưởng cuộc sống của một người không-thiếu-thứ-gì.

Thế nhưng, từ một người đang có trong tay tất cả, Mark lại quyết định từ bỏ cuộc sống tiện nghi để bắt đầu lối sống không-tiền-bạc. Tại sao ngay giữa xã hội phương Tây coi trọng tiện nghi và vật chất, ông lại có quyết định như vậy?

Mark Boyle bên chiếc bếp tự chế giữa thiên nhiên (Ảnh: Mark Boyle, Facebook)

Câu chuyện bắt đầu từ năm cuối đại học khi Mark đang theo học ngành kinh doanh tại Viện Công nghệ Galway-Mayo (GMIT) ở Mountbellew, Ireland. Tình cờ được xem bộ phim về Mahatma Gandhi, nhà lãnh đạo phong trào độc lập không bao lực của Ấn Độ, Mark đã luôn ghi nhớ trong lòng câu nói của Gandhi rằng: “Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này”.

Nhiều năm sau đó, trong một buổi tối đàm đạo với người bạn, Mark chợt nhận ra rằng: những vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt ngày nay, như chiến tranh, suy thoái kinh tế, hay hủy hoại môi trường,… mỗi một trong số đó chỉ giống như hạt nước nhỏ bé giữa cả một đại dương đã bị ô nhiễm, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ một gốc rễ sâu xa. Gốc rễ ấy, có thể nói, là lối sống thực dụng, vị kỷ, và hưởng thụ vô độ của con người. Và tiền bạc chính là công cụ để thực hiện điều ấy.

Vì vậy, vào 11/2008, thay vì cố ép bản thân làm một nhà môi trường hay một nhà hoạt động xã hội, Mark lại trở thành người đàn ông không-tiền-bạc. Mặc dù gặp phải nhiều lời phản đối và chỉ trích lúc đầu, nhưng quyết định ấy không chỉ mở ra cho Mark một chân trời mới, mà còn truyền cảm hứng cho hàng nghìn người trên thế giới.

Mark Boyle diễn thuyết tại chương trình TEDxTalks (Ảnh: Mark Boyle, Facebook)

Có người cho rằng: Nếu không có tiền thì sẽ sống ra sao? Ăn uống như thế nào? Mark chia sẻ: “Thức ăn là miễn phí, và đúng là như vậy. Cây táo sẽ không hỏi xem bạn có đủ tiền hay không khi hái quả của nó. Chúng ta là loài duy nhất, trong số hàng triệu loài trên hành tinh này, bị lừa dối đủ để nghĩ rằng người ta cần phải có tiền để ăn. Và điều tồi tệ hơn là, tôi thường thấy mọi người đi ngang qua ‘cây thức ăn miễn phí’ trên chính con đường họ mua thức ăn, được nhập khẩu tới siêu thị từ mọi nơi trên thế giới”.

“Chúng ta là loài duy nhất, trong số hàng triệu loài trên hành tinh này, bị lừa dối đủ để nghĩ rằng người ta cần phải có tiền để ăn”

Cây cối sẽ không hỏi xem bạn có đủ tiền hay không khi hái quả của nó… (Ảnh: Mark Boyle, Facebook)

Rời xa những gì là “tiêu xài” và “hưởng thụ”, Mark Boyle luôn hướng đến một cuộc sống hài hòa và trân trọng tự nhiên: “Nếu chúng ta nuôi trồng thực phẩm của chính mình, chúng ta sẽ không lãng phí một phần ba số đó giống như những gì ta đang làm hiện nay. Nếu chúng ta tự làm bàn và ghế, chúng ta sẽ không thẳng tay ném chúng ra ngoài mỗi khi thay đổi cách trang trí nội thất. Và nếu chúng ta phải tự làm sạch nước uống, có lẽ chúng ta sẽ không sử dụng nước sạch để dội xuống nhà vệ sinh”…

“Nếu chúng ta nuôi trồng thực phẩm của chính mình, chúng ta sẽ không lãng phí một phần ba số đó giống như những gì ta đang làm hiện nay…” (Ảnh: Mark Boyle, Facebook)

Và sau rất nhiều chiêm nghiệm, Mark nhận ra rằng ngay cả cái gọi là “kinh doanh có đạo đức” cũng vẫn là chưa đủ để sửa chữa sai lầm của con người. Ngành công nghiệp thực phẩm hữu cơ mặc dù giúp chúng ta có được một cuộc sống mang tính sinh thái hơn, nhưng vẫn gây tổn hại đến môi trường tự nhiên. Quá nhiều rác thải từ bao bì bằng nhựa, thức ăn dư thừa, và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chỉ là một vài trong số rất nhiều hệ quả đang xảy ra.

“Nếu không khí tràn đầy hai lá phổi của tôi bị ô nhiễm, nếu các chất dinh dưỡng trong đất sản xuất thực phẩm cho tôi trở nên cạn kiệt, hay nếu như các mạch nước tạo nên 60% cơ thể tôi cũng bị nhiễm độc, thì sức khỏe của tôi sẽ theo đó mà tàn hoại”, Mark Boyle viết. Có lẽ ai cũng biết điều ấy, nhưng chỉ khi tạm lắng lại để quan sát cách chúng ta vẫn đối xử với tự nhiên, bạn sẽ nhận ra rằng:

Mỗi chúng ta cũng là một mắt xích trong hàng chuỗi hành động đang trực tiếp hay gián tiếp hủy hoại môi trường sống của chính mình.

Khi nhận ra mối quan hệ khăng khít giữa con người và tạo vật, Mark Boyle đã thiết kế cho mình một lối sống lành mạnh, chan hòa với tự nhiên. Vậy ông đã làm điều ấy như thế nào?

Cuộc sống của “người đàn ông không tiền bạc”

Để giải quyết nhu cầu thiết yếu nhất của con người, đó là thực phẩm, Mark cho biết ông tự tay trồng các loại cây trái, từ khoai tây, đậu, cà rốt, cho đến rau củ, bí, hành tây, và xà lách. Đôi khi ông cũng ra ngoài tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên, như quả mọng, nấm, và nhiều loại hạt. Đối với ông, đây là nguồn thực phẩm tuyệt vời, vừa an toàn, vừa giàu chất dinh dưỡng, lại đặc biệt thân thiện với môi trường.

Trồng trọt và tự nấu ăn đem lại cho Mark những niềm vui bình dị mà trước đây ông không ngờ tới (Ảnh: Mark Boyle, Facebook)

Trồng trọt và tự nấu ăn đem lại cho Mark những niềm vui bình dị mà trước đây ông không ngờ tới. Mark kể rằng ông có thể ngắm Mặt Trăng mọc vào mùa đông và Mặt Trời lặn mỗi dịp hè. Những chú chim hòa ca trên cây xung quanh khu bếp của Mark cũng chính là bản nhạc tự nhiên tuyệt diệu. Quan sát và làm bạn với thiên nhiên giúp ông học hỏi nhiều điều hơn bất cứ bộ phim tài liệu nào trên ti-vi.

Mặc dù không có tiền, nhưng Mark vẫn có thể tận hưởng mọi tiện nghi vật chất: ông tắm nhờ nước sông, và nếu vào một ngày hè thì đó sẽ là dòng “suối nóng” thư thái. Kem đánh răng được làm từ xương của một loài cá kết hợp với các hạt cây trong tự nhiên. Mark gần như không bao giờ dùng đến xà phòng, nhưng nếu cần thiết, ông có thể tự tạo xà phòng từ loài cây có tên tiếng Anh là soapwort. Để di chuyển, Mark sử dụng xe đạp. Những chuyến đi xa, với ông, lại trở thành cơ hội rèn luyện thể lực quý giá. Và khi cần đến ánh sáng, ông lại sử dụng nến làm từ sáp ong.

Ngôi nhà tái chế từ ô tô tải cũ, bếp tự làm, vườn cây tự nhiên, v.v – tất cả đã tạo nên cuộc sống của Mark Boyle (Ảnh: Mark Boyle, Facebook)

Mặc dù vậy, trong “cơ ngơi” của Mark vẫn có những vật dụng hiện đại, như laptop và điện thoại. Mark cho biết, trước khi chính thức bắt đầu cuộc sống không có tiền, ông đã mua một tấm pin mặt trời. Nhờ vậy ông vẫn có đủ điện năng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Thật khó có thể tưởng tượng rằng Mark Boyle đã duy trì cuộc sống không bạc tiền suốt gần 10 năm qua. Bạn có thể cho rằng Mark phải trải qua cảnh cơ hàn và thiếu thốn. Nhưng sự thật là, những gì ông có được đều thật tuyệt vời.

“…tôi phát hiện rằng hai năm qua là đầy đủ nhất cuộc đời tôi. Tôi có nhiều bạn bè trong cộng đồng hơn bao giờ hết; tôi không hề ốm đau kể từ khi bắt đầu việc này; và tôi chưa bao giờ cảm thấy mạnh khỏe hơn. Tôi đã nhận ra rằng, tình bạn, chứ không phải tiền bạc, mới là an toàn thật sự. Hầu hết đói nghèo ở Tây phương đều chỉ là vấn đề tâm lý”, Mark viết.

Hai cuốn sách nổi tiếng của Mark Boyle đã truyền cảm hứng cho hàng ngàn người. Bạn có thể đọc cuốn “Moneyless Manifesto” miễn phí trên website moneylessmanifesto.org

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng việc xa rời tiện nghi khiến Mark phải dành nhiều thời gian và công sức hơn cho sinh hoạt thường nhật. Nhưng hơn tất cả, ông đã tìm được niềm vui chân chính, và hạnh phúc khi thấy rằng nỗ lực của mình đã làm lay động trái tim của hàng ngàn người.

Bài học

Sau nhiều năm sống không tiền bạc, Mark đã rút ra bài học gì? Ông chia sẻ:

“Hơn bất cứ điều gì khác, tôi khám phá ra rằng sự an toàn của mình không nằm ở tài khoản ngân hàng, mà là ở sức mạnh của mối quan hệ với mọi người, với cây cối, và với động vật xung quanh. Tính cách của tôi thế chỗ cho những đồng sterling như tiền bạc. Nếu tôi hành động ích kỷ hoặc không quan tâm đến mọi thứ quanh mình, vậy thì trong một thời gian, khả năng đáp ứng các nhu cầu kinh tế của tôi cũng giảm sút. Nền kinh tế không tiền bạc của tôi lại chính là thứ mà ở đó, sự hữu ích, hào phóng, và đoàn kết được tưởng thưởng”…

“Tuy vậy, bài học lớn nhất của tôi lại là, trong tất cả mọi thời điểm khi tôi ở ngoài kia làm những điều bé nhỏ, thì hết loài này đến loài khác lại rơi vào tuyệt chủng nhanh hơn bao giờ hết; rừng, đại dương, sông ngòi đều bị cạn kiệt ở mức độ không thể chấp nhận được; bất công trong xã hội tăng theo cấp số nhân, để rồi đặt tiền bạc vào tay những kẻ có thể sẽ không sử dụng nó cho lợi ích chung”…

Đó là những trải nghiệm và suy nghĩ rất riêng của Mark Boyle. Còn bạn thì sao? Hãy chia sẻ với chúng tôi trong phần bình luận bên dưới.

Hồng Liên

Xem thêm:

Exit mobile version