Đại Kỷ Nguyên

Người đàn ông có ‘cánh tay vàng’: Hơn 60 năm với 1.173 lần hiến máu cứu sống 2,4 triệu trẻ em

Năm 1951, cậu bé James Harrison 14 tuổi người Úc đã may mắn tỉnh lại sau ca đại phẫu thuật lồng ngực. Các bác sỹ đã mất rất nhiều thời gian để cắt bỏ một bên phổi của James, sau đó cậu phải nằm lại bệnh viện 3 tháng liên tiếp. Trải qua cuộc phẫu thuật thập tử nhất sinh, James vẫn sống, đó là một kỳ tích nhờ vào lòng tốt của những người xa lạ.

Bố James nói rằng con trai của ông đã sống nhờ nguồn máu khổng lồ mà cậu nhận được từ những người khác. James Harrison nhớ lại khoảng thời gian khó khăn đó: “Bố nói, tôi đã được truyền 13 đơn vị máu và tôi đã được cứu bởi những người hoàn toàn xa lạ”.

Tỉnh lại sau kỳ tích, James phát nguyện rằng sẽ dùng máu của mình để cứu sống nhiều người gặp khó khăn khác. Tuy nhiên, theo luật pháp nước Úc, từ 18 tuổi trở lên công dân mới được hiến máu. Vậy là James đành hoãn lại mong nguyện của mình sau 4 năm.

Đúng như lời hứa, năm 18 tuổi, James đến Hội chữ Thập đỏ Úc và đăng ký hiến máu. Vì không thích tiêm, nên cậu thường quay đi mỗi khi nhân viên y tế lấy máu từ cơ thể mình.

Sau 60 năm, tính đến nay, ông James đã hiến máu tới 1.173 lần và cứu mạng 2,4 triệu đứa trẻ. Tờ The Sydney Morning Herald nhận xét về Harrison với một mỹ từ hết sức đẹp đẽ: “người đàn ông có cánh tay vàng”. Ông hiện cũng đang nắm giữ kỷ lục thế giới Guinness về số lần hiến máu.

(Ảnh dẫn qua Abcnewsgo)

“Tại Úc, năm 1967, có hàng ngàn trẻ em chết mỗi năm, các bác sỹ không tìm được nguyên nhân, điều đó thật kinh khủng”, Jemma Falkenmire thuộc Hội chữ Thập đỏ Úc nói với CNN. “Phụ nữ bị sẩy thai rất nhiều và trẻ em bị tổn thương não”.

Theo kết quả điều tra, những đứa trẻ này bị bệnh tan máu, gọi là HDN. Hiện tượng này thường xảy ra ở phụ nữ có nhóm máu Rh âm tính và đứa trẻ trong bụng lại mang nhóm máu Rh dương tính, sự không tương thích này sẽ khiến cơ thể người mẹ không tiếp nhận tế bào hồng cầu của thai nhi dẫn đến tình trạng “tan máu”.

Sau một thời gian nghiên cứu, các bác sỹ đã phát hiện ra cách chữa căn bệnh HDN bằng cách tiêm cho những phụ nữ mang thai huyết tương có kháng thể hiếm. Các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm kiếm nguồn máu thích hợp từ các ngân hàng máu và người mà họ phát hiện ra chính là một người hiến máu ở New South Wales: James Harrison.

Lúc đó, ông James đã tham gia hiến máu được hơn 10 năm. Khi được các nhà khoa học hỏi rằng, ông có tham gia vào chương trình phòng chống bệnh HDN hay không, ông James không hề lưỡng lự để trả lời câu hỏi này. “Họ đề xuất tôi trở thành người thử nghiệm, và từ đó tôi liên tục hiến máu”, ông Harison kể lại với CNN.

(Ảnh dẫn qua Pinterest)

Trước đó, các nhà khoa học đã phát triển một kiểu tiêm gọi là Andi-D, sử dụng huyết tương từ máu hiến của ông Harrison. Liều đầu tiên được truyền cho một phụ nữ mang thai ở bệnh viện Price Alffred năm 1967, kết quả của ca tiêm đầu tiên này nhận được thành công ngoài mong đợi.

Trong suốt hơn 60 năm, nguồn máu của ông Harrison đã cứu sống khoảng 2,4 triệu trẻ em nước Úc sinh ra từ những người mẹ có nhóm máu hiếm Rh. Ông Barlow, người điều phối chương trình Rh nói:

Mỗi mũi tiêm Anti – D được sản xuất tại Úc đều có máu của ông James ở trong đó. Ông ấy đã cứu hàng triệu trẻ em. Tôi ứa nước mắt mỗi khi nghĩ đến điều đó.

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân tại sao cơ thể ông Harrison lại sản xuất được những kháng thể hiếm, nhưng cho rằng nó có liên quan tới lượng máu ông được truyền từ hồi nhỏ.

Chia sẻ với CNN trong lần thứ 1.101 đi hiến máu, ông Harrison hài hước nói: “Có lẽ tài năng duy nhất của tôi là trở thành một người hiến máu”.

Tại trung tâm hiến máu, ông chào hỏi các y tá thân quen. Như thường lệ, ông ngoảnh mặt đi khi họ đâm kim tiêm vào, trong khi tay phải nắm chặt một quả bóng màu cam giúp giảm căng thẳng.

(Ảnh dẫn qua Abcnewsgo)

Khi một phóng viên hỏi liệu điều ông đang làm có phải là sự dũng cảm không, ông Harrison nhắm nghiền mắt và lắc đầu.

“Đó là điều khác thường của James. Ông ấy nghĩ việc ông ấy hiến máu cũng giống như những người khác. Ông không nghĩ rằng ông thật xuất sắc”, anh Falkenmire nói.

Năm 2013, ông James Harrison đã nhận danh hiệu “Người đàn ông với cánh tay vàng” được ghi vào sách Kỷ lục thế giới Guinness, cùng với những danh hiệu lớn nhỏ khác, từ Huân chương trao tặng người có thành quả xứng đáng được vinh danh đặc biệt của Úc năm 1999 đến hình trang bìa quyển sách vàng nơi ông ở năm 2013.

Nhưng trong các cuộc phỏng vấn, ông Harrison luôn nói phần trọn vẹn nhất trong cam kết hiến máu của ông là những đứa trẻ ông đã giúp cứu sống – gồm cả những đứa cháu của ông.

“Nói rằng tôi tự hào về James (bố tôi) là không đủ”, cô Tracey Mellowship, con gái ông Harrison viết trên Facebook tháng trước, nói rằng cô đã được tiêm Anti -D năm 1992 sau khi sinh con trai đầu lòng. “Để gửi lời cảm ơn tới bố sau đó tôi đã sinh một cậu bé khoẻ mạnh khác vào năm 1995… cảm ơn bố đã cho con cơ hội có được hai đứa trẻ khoẻ mạnh – các cháu của bố.”

Ở tuổi 81, ông đã qua ngưỡng tuổi cho phép được hiến máu, và trung tâm truyền máu đã quyết định ông Harrison phải ngừng hiến máu để bảo vệ sức khoẻ, tờ The Sydney Morning Herald đưa tin.

Khi ông Harrison ngồi trong ghế hiến máu, bốn quả bóng bay màu bạc lấp lánh những con số 1 1 7 3 –  phía trên, thể hiện 1.173 lần ông hiến máu. Nhiều bậc cha mẹ đã đến bệnh viện tham dự buổi lễ – bế theo những em bé ông từng cứu sống.

Ông Barlow nói với tờ The Sydney Morning Herald: “Chúng ta sẽ không bao giờ được thấy lòng tốt của ông nữa, ông luôn khoẻ mạnh và sẵn sàng và dòng máu của ông đủ mạnh mẽ để liên tục hiến trong cả một quãng thời gian dài như thế là rất, rất hiếm có”.

Các nhân viên hội truyền máu nói họ hy vọng sẽ có thêm nhiều người hiến máu khác; có lẽ sẽ có một James Harrison khác trong số đó. Hiện thời có khoảng 200 người hiến máu cho chương trình Anti-D. Hội nhóm hiến máu Australian Red Cross Blood Service trực thuộc Hội chữ thập đỏ Úc từng nói: “Lòng tốt của ông đáng được để lại thành di sản và đặt ra thách thức cho cả cộng đồng nếu muốn đánh bại kỷ lục đó”. Ông Harrison nói với Hội chữ Thập đỏ là ông hy vọng rằng di sản 1.173 lần hiến máu của ông sẽ được phá vỡ.

(Ảnh dẫn qua timeanddate)

Đúng như người ta vẫn thường nói, lòng tốt trên đời là một vòng tuần hoàn, người cứ cho đi rồi người lại nhận lại. Chúng ta đem yêu thương gửi tặng một người, rồi yêu thương đó lại được nhân mầm tới biết bao người khác. Chỉ cần trên thế giới này, trong lòng mỗi người ươm một hạt giống lòng tốt, như thế chẳng phải thiên nhiên của tình người sẽ lại tươi xanh và xum xuê trở lại, sẽ không còn những đau khổ và thương tổn ngoài kia. Xin hãy yêu thương khi còn có thể…

Xuân Dung

Exit mobile version