Nếu có dịp về với vùng sông nước Hậu Giang, ghé thăm sông Ngã Bảy, bạn có thể dành thời gian tới thăm một “người nổi tiếng”, ông “Tân què rái cá”. Đó là cái biệt danh mà những người dân hiền hòa ở vùng sông nước này tặng cho ông. Cái tên ngắn mà đủ để khắc họa gần như trọn vẹn một con người.
Thân phận nổi trôi
Ông Tân, tên đầy đủ là Hồ Văn Tân. Ông là người gốc Huế nhưng đã gắn bó với khúc sông này đã hơn 40 năm nay. Không có nhà trên mặt đất, với ông Tân ghe chính là nhà. Nhiều năm nay, ông sống bằng nghề “trục vớt mướn”. Ai bị lật ghe, chìm ghe, mất đồ đạc, trẻ nhỏ bị chìm, đều đến mướn ông Tân tới ứng cứu.
Ông bị tật, chỉ còn một bên chân, đi lại phải nhờ đến chiếc nạng gỗ. Nhưng ông lại được trời phú cho cái biệt tài: bơi giỏi, lặn sâu. Ông có thể lặn xuống tận đáy sông Hậu, có những khúc sâu đến 11 mét. Quanh năm sống trên sông, nên 7 lối vào của con sông này, ông Tân thuộc như lòng bàn tay: chỗ nào sâu, chỗ nào cạn, chỗ nào có hàm ếch ông đều biết. Phải chăng vì vậy mà những lúc cần ứng cứu hay lặn xuống tìm người, tìm đồ, ông không chút nao núng, sợ hãi. Và cũng vì thế, “lặn mướn” trở thành cái nghiệp của ông.
Ông Tân kể cái chân của ông bị tật từ thuở lên 5. Sau một lần sốt cao, chân ông cứ dần teo lại. Hồi đó cuộc sống khó khăn, ông theo gia đình dạt vào miền Tây sông nước để kiếm ăn. Ban đầu, gia đình ông cũng làm ruộng, nhưng rồi vẫn không đủ ăn. Mọi người phải chia nhau ra mỗi người một nơi mà kiếm miếng cơm nuôi mình. Gia đình ông cũng chia ly từ đó, nay ông Tân cũng không còn biết người thân của ông ở nơi nào, còn sống hay không.
Bản thân bị tật, nhưng ông Tân từ nhỏ đã không muốn sống dựa vào người khác. Ông tự mình tập đi. Sau bao cố gắng, ông cũng tìm cách đi lại như một người bình thường. Ông nhớ lại ngày xưa, đã có thời ông đi bán bánh lá dừa ở khúc ven sông để kiếm cơm qua ngày trên đôi chân chỉ còn một bên ấy.
Nhưng rồi, cuộc sống ở vùng sông nước đưa đến cho ông ý tưởng: Ở sông mà không biết bơi, thiệt kỳ. Vậy là người đàn ông một chân lại học bơi. Lạ thay, quyết tâm học hỏi của con người tàn tật được đền đáp bằng một kết quả ít ai ngờ: Ông Tân trở thành một người bơi giỏi, cũng là một thợ lặn kỳ tài.
Mình khổ, người còn khổ hơn
Kể từ cái bận biết bơi ấy, ông cũng bắt đầu với nghiệp giúp người của mình. Mỗi lần xuồng, ghe lật, chìm, mọi người lại tìm đến ông. Cái nghiệp lặn sông cứu người, cứu đồ cũng theo ông từ đó.
Công việc trục vớt đồ đạc, ghe xuồng cho bà con không có giờ giấc. Cứ có ai kêu là dù đang đêm lạnh hay khi nấu dở nồi cơm, ông cũng bỏ đó mà đi. Với ông, công việc này có ý nghĩa lắm. Dù lạnh hay đói, ông đều vẫn sẽ làm, vẫn sẽ có mặt ngay lúc người khác cần.
Cách sống này của ông Tân bắt nguồn từ suy nghĩ chân thật mà ấm áp “Mình đã khổ, người ta còn khổ hơn”. Bởi ông biết rõ hơn ai hết, với những người dân ở đây, chiếc ghe là tài sản lớn nhất, mà đồ đạc của những người cùng phận nghèo với ông cũng không nhiều nhặn gì. Nên thứ nào với cuộc sống của họ cũng đều đáng quý, đều được giữ gìn.
Gọi là làm mướn, nhưng chỉ khi người ta trả tiền ông mới nhận. Có nhiều lúc, ông cứu được những đứa nhỏ, thế là mấy mẹ con ôm nhau khóc quá trời, ông lại lặng lẽ đi, không lấy một đồng. Ông kể, nhiều lúc gặp người khó hơn mình, vớt được ghe cho họ rồi, còn phải lấy tiền mình cho họ mua xăng đi về. Những chuyện đó ông gặp thường xuyên, nhưng chúng không làm ông bận lòng. Bởi điều quý nhất là ông giúp được người ta. Cũng nhiều lần, những người được ông cứu còn lặn lội từ nơi xa, mang gạo về để cảm tạ tấm lòng của ông. Những lời ân nghĩa ấy đủ để ông cảm thấy ấm lòng.
Miền sông nước ôm trọn một tấm lòng
Khi nhiều người hỏi, ông cứ sống mãi với cái nghề này? Ông Tân quả quyết, sẽ theo nghề cho đến khi không còn làm được nữa thì thôi. Cái lạnh lẽo của dòng nước đêm, những áp lực mà cơ thể gầy nhỏ của ông phải chịu mỗi lần lặn sâu vào lòng sông Hậu không làm người đàn ông nhỏ thó, kiên cường này bỏ cuộc. Đơn giản vì cuộc sống trên con ghe, với bộ dụng cụ thô sơ và tinh thần lúc nào cũng sẵn sàng ứng cứu ấy đã trở thành cuộc sống của ông.
Ông Tân không chỉ trục vớt ghe, xuồng hay cứu người, mà ông còn làm công việc vớt những xác người dưới làn nước lạnh lẽo. Ông tả, những người đã khuất ấy nặng lắm, nặng như cục sắt lớn. Nhưng vì bản thân họ, vì những người thân của họ ông vẫn làm. Và vẫn là triết lý của riêng ông “mình khổ mình thôi, họ khổ cả gia đình”, ông không ngại làm công việc mà ít người dám nghĩ. Có lần, gặp một thân người trôi dạt mà mặt mũi không còn nguyên vẹn, không ai nhận, cũng không ai nhờ tới ông, nhưng ông vẫn vớt. Vớt được người ta rồi, ông kiếm manh chiếu bó lại rồi đưa người ấy ra nghĩa trang, chôn cất đàng hoàng. Nhờ có ông mà một linh hồn bớt được phần tủi nhục.
Cuộc đời ông Tân cứ thế trôi đi, dập dềnh theo nhịp những con sóng nơi lòng sông. Mọi người có thể thấy ông nghèo, khi cả cái ghe, cũng là cái nhà của ông không có một đồ vật giá trị. Giá trị nhất có lẽ chỉ có bộ đồ nghề cấp oxi, theo ông trong cái nghiệp giúp người.
Mọi người cũng có thể thấy ông khổ, khi cứ lênh đênh mãi một mình, bữa cơm nhiều khi chỉ độc món mì tôm hay cơm trắng. Nhưng dáng hình nhanh nhẹn, đôi mắt sáng ngời và khuôn mặt khắc khổ nhưng yên bình của ông lại cho người ta cảm nhận: Ông Tân không hề khổ, bởi ông sống đúng với sự lựa chọn của mình, với tiếng nói từ lương tâm.
Và sông nước Hậu Giang sẽ không bao giờ bạc đãi những tâm hồn hiền và đẹp ấy. Cách đây đã nhiều năm, bà con xung quanh đã hùn nhau tiền cho ông Tân mượn, để sắm một chiếc ghe tam bản. Nó vừa giúp ông ôn định được cuộc sống, vừa thuận tiện hơn trong công việc.
Nhà mọi người có thể giúp ông lo, những bữa cơm cũng có thể giúp. Ông giúp người sống, sẽ có những bà con sẵn lòng cho ông ăn thiếu, để giúp ông được ăn chút gì đó nóng sốt mỗi ngày. Đã bao năm nay, ông Tân là khách hàng quen thuộc ở một quán ăn, mà chủ quán luôn vui lòng để ông trả tiền khi kiếm được việc làm.
Cuộc sống là như vậy, nếu bạn vô tư mà trao đi những điều tốt lành, cuộc sống sẽ vô tư mà trả về cho bạn những điều xứng đáng.
Sông nước Hậu Giang vẫn vậy khi hiền hòa, đôi lúc khó khăn. Và cuộc đời ông Tân vẫn vậy, vẫn lênh đênh. Lênh đênh để giúp những phận người…
Hy Văn