Đại Kỷ Nguyên

Người đàn ông 15 năm hút đinh dọc đường, giữ an toàn cho người tham gia giao thông

Kẻ xấu rải đinh, anh đi hút sạch. Hôm sau chúng lại rải, anh lại hút. Cuộc đấu sức, đấu trí của anh với chúng kéo dài 15 năm qua.

Đó là anh Đinh Minh Cảnh (50 tuổi, ngụ tại ấp 3, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh), kiếm sống bằng nghề lái xe ôm.

Cuộc sống gia đình không mấy khá giả nhưng bằng tình thương, sự đồng cảm nỗi khổ và hiểm nguy của những người đi đường khi lỡ cán nhầm đinh, sáng nào anh cũng chạy xe trên quốc lộ 1, làm công việc dọn dẹp sạch đinh một cách tự nguyện. Do bọn xấu thường rải đinh vào ban đêm nên ngày nào anh Cảnh cũng phải dậy từ lúc 3 giờ sáng đi dọn đinh, tranh thủ hoàn thành trước 6h, để kịp cho mọi người đi lại được an toàn.

Chuyện bắt đầu từ tháng 10/2004. Một sáng đi chạy xe ôm trên quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Bình Chánh, anh Cảnh thấy hàng chục người dắt xe đi bộ vì thủng lốp. Vài ngày sau chính anh cũng là nạn nhân. Nhìn kỹ, anh thấy có đinh dính vào lốp xe mình. Nghi bất thường, anh gửi xe, đi bộ dọc đường và phát hiện nhiều đinh sắt hình thoi cùng cỡ chi chít trên mặt đường. Đi thêm 3km, anh nhặt được bọc đinh nặng gần 1kg. “Tôi phát hoảng với số đinh này. Những người tay lái yếu, bể bánh họ té ngay, đường này xe tải chạy nhiều nên rất nguy hiểm”, anh kể lại với báo VnExpress

Từ ngày đó, hằng ngày vừa chở khách, anh Cảnh vừa quan sát mặt đường, nếu có đinh rải, anh lập tức đi nhặt ngay. Bàn tay nhiều lần rướm máu vì trúng đinh nhọn, mùa mưa đến, nước rỉ sắt làm hư 10 đầu ngón tay. Những lúc cao điểm, đinh rải ra đến 10km, anh đi bộ nhặt không xuể. “Mình không thể nhặt từng cây hoài như vậy được”, anh trăn trở.

Vậy là ý tưởng về một chiếc cần hút đinh giống chiếc cần câu ra đời. Tối tối, người ta thấy một người đàn ông gắn chiếc đèn pin nhỏ trên đầu, đi rà rà sát mép đường, chốc chốc lại cúi xuống nhặt. 

5 năm nay, đinh được rải lấn cả sang làn đường ôtô. Đi bộ giữa quốc lộ quá nguy hiểm, anh quyết định “nâng cấp” chiếc cần câu cơm thành xe hút đinh. Một cái khung chế ra đời, móc vào đuôi xe máy, phía sau gắn thanh nam châm lớn. 

Chiếc xe hút đinh tự chế của anh Cảnh có kết cấu rất đơn giản: kéo sau xe máy một khung sắt gắn nam châm, có 2 bánh xe và có đèn chớp nháy để cảnh báo người tham gia giao thông cùng chiều. Khi chạy qua những đoạn đường bị rải đinh, nam châm sẽ tự động hút vào dưới gầm khung sắt. Phía sau xe máy, anh Cảnh còn cẩn thận treo cờ và một tấm bảng ghi các dòng chữ “Xe hút đinh tự nguyện”, “Đoạn đường có nhiều đinh, giảm tốc độ”, “Xin lỗi đã làm phiền khi di chuyển chậm”.

Chiếc xe hút đinh của anh Đinh Minh Cảnh (ảnh: Sài Gòn Giải Phóng).

Anh chia sẻ: “Xe tui chạy chậm lại cồng kềnh, làm nhiều người không vượt lên được, họ chửi tui khùng, làm chuyện tào lao…”. Mỗi ngày anh chạy xe hút 2-3 lần. Những chiếc đinh hình thoi sắc nhọn và được cắt đều răm rắp bằng máy, xe cán vào là thủng ngay, không thể chạy tiếp.

Năm 2006, sau nhiều lần theo dõi, anh Cảnh bắt quả tang 2 kẻ giấu đinh trong túi quần rải xuống đường, giao cho công an xử lý. Nhưng càng ngày, ‘đinh tặc’ càng hoạt động tinh vi hơn. Anh nói: “Chúng thường thuê người khác địa bàn đến rải. Đinh được giấu dưới gót giày, trong bao thuốc lá, rải mọi thời điểm, khiến khó phát hiện được”.

Năm 2014, anh Cảnh chứng kiến một vụ tai nạn thương tâm, chiếc xe máy ngã xuống, 2 mẹ con nằm bất tỉnh giữa đường. Nhìn xuống thấy lốp xe bị thủng, anh dằn vặt “giá như hôm nay mình ra sớm hơn một chút”. Vậy là từ đó, hễ có đinh là anh đi, bất kể sáng sớm hay tối khuya, lễ tết. “3 ngày Tết, bà con đưa nhau về quê chứ tui thì quanh quẩn ở đoạn đường này hút đinh thôi”, anh chia sẻ.

Bao đinh này là thành quả hơn 3 năm đi nhặt của anh Cảnh, cần 3 người đàn ông khỏe mạnh mới nhấc nổi (ảnh: Hữu Khoa/VnExpress).

Anh Cảnh chia sẻ trên báo Sài Gòn Giải Phóng: “Nhiều lúc gia đình tôi bị các đối tượng rải đinh đe dọa, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ, vì tôi nghĩ đây là việc thiện nên làm để giữ an toàn cho người đi đường. Không hiểu nổi sao lại có những kẻ mưu lợi bằng cách rải đinh bẫy đồng loại, gây hiểm nguy cho những người đi đường. Có hôm mưa gió, muốn ngưng chạy xe đi hút đinh một buổi sớm, nhưng lại nghĩ sẽ có những người rủi ro cán phải đinh nhọn, có khi nguy hiểm đến tính mạng, là tôi lại ra đường.

Hôm nào phát hiện nhiều đinh trên đường, tôi chịu khó chạy xe tới lui rà soát nhiều lần, đảm bảo hút hết đinh mới đi, vậy mới an lòng không còn mối nguy hại nào cho người đi đường. Gắn bó với việc thiện nguyện này mấy chục năm, vui cũng có mà buồn cũng có. Nhiều khi mình đang chạy xe hút đinh trên đường thì có người bình phẩm là làm việc tào lao, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Có người còn nghi ngờ về mục đích công việc này, cho rằng tôi làm nổi, hay làm vì được địa phương trả lương, thậm chí hút đinh chỉ nhằm… thu nhặt sắt vụn. Bù lại, cũng có nhiều người ân cần động viên, cảm kích. Nhiều khi thấy tôi đang rà hút đinh, có một số bạn trẻ ghé lại tặng vài chai nước, gửi lời cảm ơn chân thành. Chính sự ân cần, thấu hiểu ấy đã cho tôi có thêm động lực để làm việc tự nguyện hút đinh cho đến ngày hôm nay”.

Tối ngày 21/11, lần thứ ba đi rà đinh trong ngày, anh Cảnh vẫn hút được rất nhiều đinh đủ loại (ảnh: Hữu Khoa/VnExpress).

Anh Cảnh nói: “Tôi rất bức xúc với nạn rải đinh bẫy người đi đường, nên tôi chỉ mong sao toàn xã hội cùng chung tay ngăn chặn hiệu quả để không ai làm việc xấu này nữa. Mong rằng một ngày gần nhất, tôi sẽ không còn phải chạy xe hút đinh khi những cung đường chúng ta đi đều không bị rải đinh, mọi người tham gia giao thông được an toàn hơn”.

“Đây là đường chính từ Sài Gòn về Long An, người dân khu vực ai cũng biết do bọn đinh tặc làm, nhưng chỉ duy nhất Cảnh dám hút đinh trước mặt chúng, có lần ổng bị đánh phải nằm viện, nhưng ra viện lại thấy ông hút đinh rồi”, bà Nguyễn Thị Thu, 52 tuổi, hàng xóm anh Cảnh chia sẻ. 

Thu nhập từ xe ôm 150 nghìn đồng mỗi ngày chưa giúp cuộc sống của anh dư dả nhưng anh luôn tâm niệm: “Người ta có tiền thì giúp nhiều, tui không có tiền thì giúp công, ăn mấy cũng hết, mình nhịn lại một ít đổ xăng chạy hút đinh”.

Video xem thêm: Lắng đọng đêm về số 403: Lựa chọn của sinh mệnh: Làm người thiện lương hay tiếp tay kẻ ác?

Exit mobile version