Đại Kỷ Nguyên

Người cha vĩ đại dành cả cuộc đời chăm sóc hàng trăm đứa con nuôi mắc bệnh nan y

Cuộc sống là những sự lựa chọn khác nhau, có những người dành cả cuộc đời của mình để đuổi theo những giấc mơ và hoài bão cho riêng mình. Tuy nhiên, cũng có người lựa chọn dành trọn đời mình để sống vì người khác. Câu chuyện về người cha nhận nuôi những đứa trẻ mắc bệnh ở giai đoạn cuối thật sự đã cảm động đến trái tim của hàng triệu người dân thế giới. 

Ông Mohamed Bzeek, ​​một người Hồi giáo nhập cư 62 tuổi sống ở thành phố California, đã dành thời gian hai thập kỷ vừa qua để chăm sóc những đứa trẻ mắc bệnh nan y giai đoạn cuối. Những đứa trẻ này không được hệ thống chăm sóc nuôi dưỡng quan tâm đến, các bé thường trải qua toàn bộ thời gian sống ngắn ngủi của mình trong các bệnh viện nhà nước, và hiếm khi nhận được tình yêu thương, niềm hy vọng hay những tiếng cười đùa.

Khoa Dịch Vụ Gia Đình và Trẻ Em của quận Los Angeles quản lý khoảng 600 trong số 35.000 trẻ em, và chịu sự kiểm soát của Dịch Vụ Quản Lý Hồ Sơ Y Tế của Bộ Y Tế, nơi phục vụ những trường hợp có nhu cầu y tế nghiêm trọng nhất. Những nhu cầu về một mái nhà thân thương dành cho những đứa trẻ này là rất cấp thiết, nhưng chỉ có nhà ông Mohamed Bzeek là nhà nuôi dưỡng duy nhất được biết đến trong quận là sẽ nhận các trẻ em bất hạnh này.

Cô Melissa Testerman, điều phối viên tiếp nhận của Khoa Dịch Vụ Gia Đình và Trẻ Em, người tìm nơi ở cho trẻ em mắc bệnh chia sẻ rằng: “Nếu có ai đó gọi cho chúng tôi và nói rằng đứa trẻ nào đó cần được đưa về nhà để chăm sóc trong những ngày cuối đời, thì ông Mohamed Bzeek là người duy nhất có thể nhận một đứa trẻ không còn khả năng sống sót nữa”.

Năm 1978, khi đang còn là một sinh viên đại học, ông Bzeek đã chuyển từ Lybia tới California. Năm 1987, ông gặp người vợ hiện tại của mình là bà Dawn và hai người tiến tới kết hôn. Vào khoảng đầu những năm 1980, căn nhà nhỏ của bà Dawn từng là nơi trú ngụ khẩn cấp của những đứa trẻ trong tình trang cần nuôi dưỡng và bảo vệ hoặc là những người cần nơi ở. Năm 1989, sau khi kết hôn, vợ chồng ông bà Bzeek đã quyết định dành cả cuộc đời mình cho những em nhỏ bị tổn thương và cần tình yêu nhất trong thế giới này.

Gia đình ông Bzeek đã tiếp tục mở cửa chào đón hàng chục trẻ em trong suốt những năm qua. Họ dạy các lớp tại các trường cao đẳng cộng đồng dành cho cha mẹ nuôi về cách nuôi dưỡng con nuôi và làm thế nào để xử lý bệnh tật và sự tử vong của trẻ. Bà Dawn đã làm việc với các lực lượng đặc nhiệm trên toàn tiểu bang, cùng với các bác sỹ và các nhà hoạch định chính sách để cải thiện hệ thống chăm sóc nuôi dưỡng. Bà nổi tiếng là một trong những bà mẹ nuôi được đánh giá cao nhất của bang.

Có lẽ, kỷ niệm khó quên nhất đối với ông bà Bzeek đó là trải nghiệm khi họ phải nói lời vĩnh biệt một người con nuôi vào năm 1991, đó là sự mất mát đầu tiên trong tấm lòng của cha mẹ nuôi và nó đã ảnh hưởng đến ông bà mãi đến những năm về sau nữa. Vào giữa những năm 90, ông bà quyết định chỉ tập trung nhận nuôi dưỡng những bạn nhỏ mắc bệnh nan y vào giai đoạn cuối vì đã không ai có thể nhận nuôi những đứa trẻ đáng thương này.

Ông Bzeek chia sẻ:

Điều quan trọng là bạn cần yêu thương những đứa trẻ ấy như là con của chính bạn. Tôi biết các bé đang bị bệnh. Tôi biết rằng các bé sẽ ra đi. Vì thế, tôi cố gắng hết mức có thể trong khả năng của mình và để Chúa sắp đặt những điều còn lại.

Năm 1997, vợ chồng ông bà Bzeek sinh được người con trai duy nhất tên là Adam, nhưng cậu bé lại mắc chứng còi cọc và bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Thân thể cậu bé mong manh đến mức dù chỉ thay tã lót thôi cũng có thể làm gãy xương. Với sức mạnh kiên cường và nội tâm vững vàng, vợ chồng ông Bzeek đã cố gắng thích ứng với khuyết tật của con và chăm sóc cho con bằng tất cả tấm lòng yêu thương mà ông bà có được. Họ hiểu rằng, đây là điều họ cần chấp nhận và bao dung.

Ông Bzeek tâm sự: “Đó là cách Thiên Chúa đã tạo ra thằng bé, nhưng thằng bé là một chiến binh thật sự, cũng giống như những đứa trẻ đã đến sống với chúng tôi. Người ta hỏi tôi rằng tại sao tôi làm điều này, và câu trả lời rất đơn giản, bởi vì thậm chí ngay cả khi những đứa trẻ này không thể giao tiếp, không thể nhìn thấy hay nghe được gì, thì các bé vẫn có một linh hồn. Những đứa trẻ đáng thương cần ai đó để yêu thương. Tôi luôn nói với chúng rằng: ‘Sẽ ổn thôi mà, ba sẽ ở đây bên con. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi chuyện”.

Vào năm 2000, bà Dawn bị bệnh do bị một cơn động kinh nặng khiến bà mất khả năng vận động trong nhiều ngày. Nguyên nhân của cơn co giật là do bà bị chứng nghẽn mạch máu phổi. Vào năm 2015, bà đã không thể vượt qua căn bệnh của mình. Mặc dù chịu nhiều đau buồn và mất mát sau cái chết của vợ, ông ​​Bzeek nói rằng ông chỉ tự nhiên là phải tiếp tục công việc.

Giờ đây ông đang chăm sóc cho một bé gái 6 tuổi bị khuyết tật nặng, bị điếc, mù bẩm sinh và bị chứng đầu nhỏ, nghĩa là trong tình trạng não không phát triển đúng cách, và một phần não nhô ra từ hộp sọ của bé. Ông Bzeek nói: “Tôi biết con bé không thể nghe, không thể nhìn thấy, nhưng tôi luôn nói chuyện với bé. Tôi luôn ẵm, chơi và xoa nó. Con bé có cảm xúc, có một linh hồn. Con bé là một con người”.

Cô bé nhỏ, không thể xác định được danh tính, dành 22 giờ một ngày để ăn và thở ống. Cô bé đã ở nhà của ông Bzeek và được ông chăm sóc suốt ngày đêm kể từ khi cô bé được một tháng tuổi.

Cô Rosella Yousef, trợ lý quản lý khu vực các Dịch Vụ Quản Lý Hồ Sơ Y Tế, nói rằng: “Ông Mohamed là một bậc cha mẹ nuôi đặc biệt. Tình yêu thương và sự chăm sóc tuyệt vời của ông đã khiến cho đứa trẻ được ông chăm sóc khỏe mạnh hơn. Ban đầu, đứa bé được dự đoán chỉ sống trong vài tuần, nhưng ông ấy đã giữ đứa bé sống tốt hơn cả những gì các bác sĩ mong đợi”.

Hầu như tất cả trẻ em được ông Bzeek nhận về là các trẻ sơ sinh được ông đưa về trực tiếp từ các bệnh viện ở quận Los Angeles, khi chúng bị cha mẹ bỏ rơi.

Ông Bzeek giãi bày thêm: “Những đứa trẻ đến với tôi mang đủ thứ bệnh tật như tật nứt đốt sống, đến tổn thương não, hay không có hệ thống miễn dịch, và nhiều bé trong số đó thậm chí không có một cái tên. Vì vậy, tôi cho các bé một cái tên. Và đến thời khắc các bé phải vĩnh viễn ra đi, tôi chắc chắn rằng tên của các bé đã được ghi nhớ. Các sinh mệnh nhỏ bé đó sẽ không bao giờ bị quên lãng. Chắc chắn sẽ không như thế”.

Câu chuyện về những cống hiến của ông Mohamed dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, những đứa bé mà không ai khác muốn nhận lấy, đã chạm đến trái tim của hàng triệu người, nhiều người trong đó đã muốn đóng góp để giúp đỡ ông. Trong vòng khoảng 9 tháng, hàng nghìn người đã quyên góp để giúp cho công việc cao cả của ông thông qua trang GoFundMe, số tiền quyên góp lên tới hơn 500.000 USD.

Cho đi yêu thương chính là điều duy nhất mà chúng ta lưu lại được khi rời khỏi thế gian này. (Ảnh dẫn qua Twitter)

Có những người trong xã hội ngày nay làm những chuyện bại hoại như phá thai, bỏ rơi con cái, quan hệ trước hôn nhân,v.v.. nhưng cũng có những người đã hy sinh cả đời mình vì người khác. Thế giới nội tâm cao thượng của họ, tình yêu thương vô điều kiện đối với tất cả mọi người, thậm chí đối với cả những sinh mệnh không có khả năng tự chăm lo cho mình, bị xã hội chối bỏ như những đứa trẻ bệnh tật nan y mới thật đáng trân trọng. Chính tấm lòng quảng đại của ông Mohamed Bzeek đã đánh thức hàng triệu trái tim nhân hậu khác, và cho chúng ta hiểu rằng: Tình yêu thương con người chính là điều đáng quý nhất trên thế gian này.

Nguồn ảnh: LA Times
Quỳnh Như

Exit mobile version