Con người vẫn luôn tự xem mình vĩ đại, cho rằng mình khôn ngoan nhất, sở hữu những kỹ năng tuyệt vời, có thể sáng tạo ra những giá trị lớn lao, có thể duy trì sự thịnh vượng cho hành tinh hay thậm chí thống trị cả vũ trụ này. Tuy nhiên, hãy xem một nghịch lý của thời hiện đại: Máy móc thông minh và con người ngu ngốc.
Cách đây không lâu, có vụ kiện tụng thú vị giữa một hãng sản xuất xe ô tô điện và người mua xe. Hãng xe này tung ra sản phẩm mới là loại ô tô tự lái, chiếc xe được đảm bảo có khả năng nhận diện các chướng ngại vật và khả năng tự động đỗ xe. Nguyên đơn là người mua chiếc xe đời mới, anh ấy đã ở trong chiếc xe khi nó lao thẳng vào gara nhà anh đâm xuyên qua bức tường và chỉ chịu dừng lại khi đã tông thẳng vào phòng khách nhà anh. Vụ tai nạn đã phá hỏng mấy chiếc cột của nhà anh. Đó thật sự là một tổn thất nghiêm trọng, người chủ sở hữu xe muốn hãng sản xuất phải trả phí tổn cho vụ tai nạn đó. Bạn nghĩ xem, thẩm phán sẽ giải quyết vụ kiện tụng này như thế nào?
Đó chắc chắn là một vụ kiện đơn giản để đưa ra quyết định phán xử, theo như những gì người chủ sở hữu báo cáo thì hãng xe này phải bồi thường. Tuy nhiên, hãng xe đã không phải trả bất kỳ một khoản phí nào nhờ một manh mối. Mỗi chiếc xe của hãng này có một bản ghi nội bộ – tương tự như một hộp đen có khả năng quay lại các cảnh đã xảy ra. Khi người ta xem lại nhật ký của chiếc xe, vụ tai nạn này không hề liên quan đến công nghệ tự lái tuyệt vời của hãng. Đó là vì người chủ xe dường như đã tăng tốc và chiếc xe đời mới đáp ứng. Về mặt công nghệ, nó giống như việc tăng tốc sai thời điểm một chiếc xe cũ đời 1995. Vậy nhưng, người chủ xe lập luận rằng, tính năng tự động lái xe cần phải biết can thiệp đúng lúc. Anh cho rằng một chiếc xe hơi ưu việt như vậy nên nhận lỗi lầm về mình và phải hành động gì đó để ngăn chặn tai nạn xảy ra.
Trong thời đại của máy móc thông minh này, chúng ta có thể phải trung thực hơn. Thật dễ dàng khi chúng ta nhìn vào một chiếc xe bị phá hủy, một căn nhà bị đập đổ, một hạnh phúc gia đình bị phá vỡ,… và rồi chúng ta đổ lỗi chuyện này là tại máy móc? Hãy thử nghĩ xem, liệu chúng có thể đưa ra quan điểm hay có thể bị tòa án xét xử hay không? Ngay cả khi người chủ sở hữu xe đã đệ đơn tố cáo, thì hộp đen của chiếc xe vẫn có thể cho người ta thấy anh ấy đã bấm nút nào và làm gì. Sự thật là máy móc trung thực hơn con người, và vụ kiện kết thúc.
Khi chúng ta ngày càng gia tăng việc tương tác với các thiết bị thông minh, chúng liệu có thể chịu trách nhiệm cho những sai phạm hay thất bại của chúng ta? Dù khả năng của máy móc thông minh đến cỡ nào đi nữa, chúng ta cũng không nên từ bỏ quyền kiểm soát của mình.
Thực tế cho thấy con người đang quay về với những sai lầm nguyên thủy của chính mình. Khi Chúa trời hỏi tội về việc ai đã ăn trái cấm trong vườn Địa Đàng, thì đó không phải là lỗi của Adam, đó là lỗi của Eve, nhưng đó cũng không là lỗi của cô ấy, đó là do con rắn xúi giục. Có phải loài người vẫn luôn phát triển như vậy không, cho đến tận bây giờ đối với máy móc chúng ta sáng tạo ra và sử dụng?
Chúng ta luôn nói về sự tinh khôn của mình như là niềm hy vọng lớn nhất của nhân loại. Chúng ta tự tin rằng, nếu con người có thể làm việc cùng nhau thì những vấn đề tồi tệ nhất của xã hội đều có thể được giải quyết, thậm chí cả những vấn đề của hành tinh này. Và rồi, khi mọi chuyện xảy ra đi quá xa so với suy nghĩ của chúng ta, chúng ta lại cho rằng, Đấng Sáng Thế đáng lẽ đã phải làm gì đó. Nếu thế giới kết thúc tốt đẹp, đó là công trạng của loài người, còn nếu nó đang bị hủy hoại, thì đó là do lỗi của Ngài.
Đặc biệt là khi Ngài đã cho chúng ta biết điều gì là tuyệt vời. Đấng Sáng Thế đã cho con người biết cuộc sống hoạt động như thế nào. Ngài ban cho chúng ta những nguyên tắc, quy tắc và chỉ đường. Nếu chúng ta chỉ thích hành xử theo lối suy nghĩ và cách riêng của mình, cuộc sống sẽ trở nên lộn xộn với hầu hết mọi người. Một xã hội mà tất cả cùng đồng ý với nhau để “phá vỡ các quy tắc” sẽ phải nhận kết quả của sự lựa chọn đó và nhân loại từ xưa đến nay vẫn tồn tại như vậy. Một chiếc xe bị hỏng, một ngôi nhà bị hư và một gia đình bị phá vỡ, những bạo loạn trong xã hội là một phần hậu quả khi tự trị của loài người được giải phóng.
Một chiếc xe gây ra thiệt hại không ngờ là một chiếc xe đẳng cấp và đẹp. Thực tế, nó có khả năng đưa ra quyết định và hành động theo cách riêng của mình. Điều này gợi nhắc chúng ta đến một sự tương tự, các vị Thần đã sáng tạo ra con người dựa vào hình ảnh của chính họ. Nếu con người có thể biết khiêm tốn, hướng về Thần và sống theo lời dạy của Đáng Sáng Thế, chúng ta mới được trải nghiệm một cuộc sống đúng nghĩa.
Nhưng đối với tất cả những ai công khai thừa nhận những sai lầm và thất bại của họ, sống chân thành và trung thực, thì sẽ có được niềm vui lớn lao, thuần khiết và vô tư.
Vậy rồi, xã hội loài người rồi sẽ ra sao?
Một nhà tiên tri từng nói:
Những kẻ ngủ trong bụi đất sẽ tỉnh thức, một số người sống đời mãi mãi, và một số người phải xấu hổ và hổ thẹn. Những người sáng suốt sẽ tỏa sáng như bầu trời chói lọi; và những người đem đến cho nhiều người khác sự công bình và đạo đức ngay thẳng sẽ như những ngôi sao mãi mãi trường tồn.
Quỳnh Như