“Con trai à, bố cũng rụng hết tóc rồi! Bố cũng trọc đầu như con trai của bố rồi! Không sao đâu con, rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp, rồi con sẽ lại được về nhà với bố mẹ. Bàn tay bố mẹ sẽ nắm chắc bàn tay con, chúng ta cùng chiến đấu…”. Những dòng tâm sự trong “Nhật kí cùng con chiến đấu với ung thư” của anh Bùi Văn Thường (37 tuổi, Hà Nội) đã khiến bao người nhoè đi trong nước mắt.
Mới cách đây mấy tháng thôi, con trai anh Thường, bé Bùi Đức Huy (2015) bỗng kêu đau bụng, bỏ ăn và mệt mỏi. Hai vợ chồng anh Thường vội đưa con vào bệnh viện Nhi Trung Ương thăm khám. Cứ nghĩ con chỉ bị đau bụng do ăn phải thứ gì lạ hoặc do giun sán, ngờ đâu, tin như sét đánh ngang tai: Huy bị chẩn đoán ung thư nguyên bào thần kinh ác tính, khối u đã to bằng cái nắm đấm.
Với một đứa trẻ 3 tuổi có lẽ còn chưa biết ung thư là gì, nhưng anh Thường và vợ hiểu rất rõ, căn bệnh quái ác ấy chẳng khác nào một bản án tử hình. Cả thế giới như sụp đổ hoàn toàn, hai vợ chồng anh Thường xin nghỉ việc, vào ở hẳn nội trú để tiện chăm Huy. Đứa con thứ mới sinh được 5 tháng buộc phải cai sữa, gửi nhờ ông bà nội nuôi hộ.
Các bác sĩ bảo trước giờ chưa có bệnh nhân nào nặng như thế, họ đưa ra hai phác đồ điều trị: Một là điều trị giảm nhẹ, tức là làm cho bệnh tình của con bớt đau đớn. Hai là phải truyền hóa chất, với chi phí điều trị rất lớn. Vợ chồng anh Thường đã ngã khuỵ ngay tại phòng khám, không còn cách nào khác, họ buộc phải lựa chọn phương án truyền hoá chất vào cơ thể nhỏ bé của con, với niềm tin mong manh rằng cuộc sống có phép màu.
Trải qua nhiều đợt hóa trị truyền hóa chất tiêu diệt gần như hết các tế bào lành, Huy sụt cân, rụng tóc và được yêu cầu phải hạn chế tiếp xúc đám đông. Từ một cậu bé hoạt bát, đáng yêu, thích chơi đùa, những cơn đau hành hạ khiến Huy thay đổi cả tính tình. Mầm bệnh ung thư di căn vào xương, tủy và não khiến cậu bé trở nên không làm chủ được hành động. Huy hay tự cào cấu mặt mũi, đến nỗi bố mẹ không thể can thiệp, chỉ biết đứng nhìn con tự làm đau chính mình và ôm mặt khóc.
Mỗi ngày một mũi tiêm, hơn 80 lần cây kim nhỏ chọc vào da thịt. Mũi kim trước chưa tan, mũi sau đã đến, bàn tay bé nhỏ của đứa trẻ 3 tuổi chi chít “vết tích”. Chưa kể những lần lấy máu, chích ven mãi đến lần thứ 4, thứ 5 mới thành. Nhìn con khóc, một mình đơn độc chống chọi với tử thần mà không thể làm gì được, vợ chồng anh Thường “đau như ngàn mũi dao đâm”, chạy trốn ra đằng sau tòa nhà, ôm nhau khóc nức nở để con không nhìn thấy.
“Những cây kim to và dài hàng chục phân cắm thẳng vào xương tủy con, thật quá khủng khiếp với một đứa trẻ mới hơn 3 tuổi. Nhiều lần tôi phải nhìn con đau đớn, kêu gào gọi: “Bố ơi, cứu con với bố ơi” mà bất lực, không thể làm gì”, anh Thường kể lại trong nước mắt với các phóng viên Tri thức trẻ. Rồi anh quyết định cạo trọc đầu để con trai không cảm thấy tủi thân, đơn độc nữa.
Hy vọng vào phép màu
Trước đây, anh Thường làm nhân viên bán hàng thuê ở một cửa hàng salon, còn vợ là giáo viên. Thu nhập của hai vợ chồng không thấm tháp vào đâu khi mà chi phí cho một mũi tiêm liều nặng lên đến chục triệu đồng. Anh chị đã phải bán đất, bát hết tài sản có giá trị trong nhà, vay mượn anh em họ hàng vẫn không đủ sức gánh gồng. Các bác sĩ nói, để ghép tủy và thực hiện các đợt điều trị tiếp theo, gia đình phải chuẩn bị số tiền lớn có thể lên tới bạc tỷ.
Dù con số ấy vượt quá sức tưởng tượng và khả năng xoay sở của gia đình, nhưng người cha ấy vẫn kiên định: “Dù còn 0,1% cơ hội, tôi cũng sẽ cùng con cố gắng, hy vọng và chiến đấu đến cùng. Tôi chỉ có một mơ ước, mỗi buổi sáng thức dậy vẫn thấy con bình an bên mình”. Giờ đây, mong muốn lớn nhất của anh chỉ là có vay mượn đủ số tiền để lo cho con trong các đợt điều trị tiếp theo.
Trên trang cá nhân, người cha 37 tuổi nhiều lần viết những dòng nhật ký đẫm nước mắt dành cho con trai của mình:
7/5/2019
“Bố có lỗi với con, ngàn lần bố xin lỗi con vì bố không quan tâm nên con mới bị thế này. Giờ bố phải làm thế nào để cứu con đây. Nhưng bố sẽ làm tất cả để giành lại sự sống cho con, bố hứa!”.
….
31/5/2019
“Nhìn đôi bàn tay con mà bố không cầm lòng được, một ngày con phải chịu biết bao mũi kim đâm vào đôi bàn tay bé nhỏ. Biết là phải kìm nén nhưng bố không làm được. Bố không thể nào kìm lại được con trai ạ. Bố phải làm sao bây giờ”.
….
24/6/2019
“Bố không thể chợp mắt được. Cứ nhắm mắt là bố lại nghĩ đến con thôi. Bố không thể kìm nén được những giọt nước mắt. Con của bố còn bé bỏng quá. Bố thương con nhiều lắm, con có biết không.
Từ lúc sinh con ra với bao niềm vui khôn xiết, bế con trên tay với bao ước mơ hoài vọng mong con khôn lớn nên người. Bao kỷ niệm những buổi bố đón con từ trường học về rồi đưa con đi chơi. Những câu nói của con, hình bóng của con, làm sao bố có thể quên được hả con trai của bố.
Con đã từng nói với bố, là con muốn được làm bác sĩ chữa bệnh cho bố, chữa bệnh cho mọi người. Nhưng tại sao giờ con nằm đây? Căn bệnh quái ác ập đến với con, nó hành hạ con. Hằng đêm bố phải chứng kiến con đau đớn, nghe tiếng con kêu mà bố không làm được gì, ngoài việc ôm con vào lòng. Mỗi tiếng kêu của con như ngàn dao đâm vào tim bố.
Bố có lỗi với con, bố quá vô tâm không biết tình trạng của con để đưa con đi khám sớm. Bố ân hận quá. Và nỗi ân hận này sẽ theo bố đến hết cuộc đời. Nếu con có mệnh hệ gì, bố mẹ không thể sống nổi. Dù là một tia hy vọng bố cũng làm, kể cả đánh đổi tính mạng của mình để cứu được con.
Một ngày làm con của bố, thì mãi mãi sẽ là con của bố, dù kiếp này kiếp khác cũng không thay đổi được. Con phải cố gắng chiến đấu với căn bệnh quái ác, vì bố, vì mẹ, vì em của con. Mọi người sẽ luôn ở bên con, không rời xa. Rồi gia đình mình sẽ lại được đoàn tụ, bố sẽ lại đưa cả nhà đi chơi. Cố lên con trai của bố”.
Mong Trời cao sẽ ban phép màu chữa lành căn bệnh cho bé Huy. Chúc con sẽ mạnh mẽ vượt qua căn bệnh này để về với gia đình.
Mọi sự giúp đỡ, quý độc giả có thể liên hệ anh Bùi Văn Thường. SĐT: 0868911983
(Nguồn ảnh: Dân Trí)
Bạn đang đọc bài viết: “Nghẹn ngào ông bố cạo trọc đầu cùng con trai 3 tuổi chiến đấu với ung thư” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |