Đại Kỷ Nguyên

Ngắm Việt Nam đẹp thanh bình qua bộ ảnh của hai chàng ‘phượt thủ’ Tây

Du lịch luôn là trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời mỗi người. Mỗi vùng đất ta đặt chân đến, mỗi “vị khách” ta gặp trong chuyến đi đều mang một ý nghĩa nào đó. Hai anh em ngoại quốc dưới đây đã thêm sắc màu cho cuộc sống của mình bằng một chuyến thăm vùng sâu vùng xa ở miền Bắc Việt Nam. Đây thực sự là kỉ niệm họ không thể nào quên…  

Vào một ngày đẹp trời, tôi cùng anh trai quyết định “cưỡi” chiếc xe máy quen thuộc, bắt đầu cuộc hành trình đến vùng núi phía Bắc Việt Nam. Chuyến đi này hứa hẹn mang lại cho chúng tôi nhiều điều thú vị, bởi thế chúng tôi dùng chiếc máy ảnh của mình ghi lại những con người chúng tôi gặp suốt dọc đường.

Tôi gặp người phụ nữ đáng mến này khi đặt chân vào ngôi làng. Chị khá tốt bụng khi đồng ý đứng cho chúng tôi chụp ảnh trước nhà chị, thậm chí còn ra dấu hiệu cho chúng tôi biết là chị cảm thấy mình ăn mặc tuềnh toàng quá. Nhưng chị vẫn thể hiện sự hãnh diện về ngôi nhà của mình, và chúng tôi có thể hiểu được tại sao. Có lẽ, đó là cơ ngơi mà cả cuộc đời chị cố gắng phấn đấu đạt được, dù nó không xa hoa như những tòa nhà cao tầng hiện đại, nhưng nó gắn bó cả tuổi thơ và cuộc đời chân chất của chị – nơi chị cảm thấy yên bình và dành trọn cuộc đời mình để sống.  

Và rồi chúng tôi bị thu hút vào cửa hàng ở bên đường của một người đàn ông thân thiện. Ông tươi cười chào đón chúng tôi với hai chai nước lạnh, chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn sau một quãng đường dài. Ông còn hào hứng mời chúng tôi thử chiếc điếu cày bằng tre quý báu của ông. Chúng tôi lịch sự từ chối, và điều này khiến ông cười lớn tiếng hơn. Dáng vẻ và con người ông làm chúng tôi liên tưởng tới nhân vật Tom Bombadil trong phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, từ gương mặt hồng hào có những nếp nhăn và bộ râu rậm màu nâu đến nụ cười tươi rạng ngời vô tư lự…

Một hôm chúng tôi tiến sâu vào rừng rậm và đi ngang qua một gia đình bộ lạc vùng đồi núi. Người con gái trong gia đình ấy đã trao tặng một món quà cho anh trai tôi. Cô gái ấy còn chụp ảnh cùng anh với sự chân thành nhất.

Khi nhìn người mẹ, chúng tôi cảm thấy khá buồn cười, có lẽ vì chúng tôi quá ngạc nhiên về hàm răng đen của bà… Tôi chưa từng biết đến nét văn hóa này của người dân nơi đây. Hóa ra, nhuộm răng đen là một tập tục lâu đời, nhưng những người phụ nữ H’mong ở những vùng núi phía Bắc Việt Nam gần như đã lãng quên nó. Thật là một phong tục thú vị!

Sau đó, chúng tôi đã chứng kiến một số chàng trai đang dựng khung cho một ngôi nhà… mà không hề dùng đến một chiếc đinh nào.

Chúng tôi đi tiếp thì bắt gặp cặp vợ chồng thân thiện này. Chúng tôi không biết tiếng Việt và họ thì không thể nói được tiếng Anh, vì thế, tôi nảy ra ý định sử dụng phần mềm dịch của Google để giao tiếp với họ. Nhưng có lẽ, nó đã không hiệu quả như chúng tôi mong đợi vì sau đó, qua một người địa phương có thể nói tiếng Anh, chúng tôi phát hiện ra là họ mời chúng tôi tới thăm nhà và gặp gỡ những đứa con của họ. Thật tai hại là chúng tôi đã vuột mất cơ hội do ứng dụng chuyển ngữ. Chúng tôi thực sự muốn nhận lời mời ân cần đó của họ.

Và khi thông tin về hai người nước ngoài da trắng lang thang quanh cái làng H’mong nhỏ bé lúc 6h30 để tìm cái ăn sáng lan truyền ra ngoài thì gã trai mới lớn này (21 tuổi) đã lại gần chào hỏi chúng tôi và nhân tiện thực hành nói tiếng Anh trong khi cô vợ anh (16 tuổi) nhìn chồng chằm chằm và có vẻ bị thu hút bởi cuộc đối thoại. Những người dân nơi đây rất dễ vui mừng vì một điều giản dị nào đó…

Buổi tối, trong khi chúng tôi yên lặng dùng bữa, vài người bản địa quyết định chào đón chúng tôi tới Việt Nam bằng một cách hết sức trịnh trọng. Họ rót cho chúng tôi một ly rượu, và nâng chén với một câu quen thuộc: “1…2…3… Dzô!!!”. Điều này xảy ra hầu như mỗi tối với con người nơi đây…

Chúng tôi tới đây vào giữa tháng chín, và thời điểm này là lúc bắt đầu mùa gặt. Con người vùng núi chịu thương chịu khó, làm việc rất chăm chỉ. Hãy nhìn người phụ nữ này, chị bất chấp trời nắng gắt lao động hết sức mình, dù vất vả nhưng chị vẫn cười rất vui vẻ khi chúng tôi tỏ ý muốn chụp một bức ảnh lưu giữ lại kỉ niệm.

Nhiều bậc cha mẹ ở miền Bắc thuê gia sư dạy tiếng Anh cho con cái họ, và đứa trẻ vui vẻ dưới đây là một trong số những em bé may mắn đó. Em đóng vai trò như một phiên dịch viên của chúng tôi khi chúng tôi ăn tối tại nhà hàng và ngủ lại nơi ở của họ vì cha mẹ em không biết một từ tiếng Anh nào. Cậu bé cười suốt cả buổi và rất hạnh phúc.

Vào một buổi chiều, chúng tôi tới gặp vài giáo viên tiếng Anh dạy phổ thông ở một ngôi làng nhỏ và có uống một chút ít với họ. Một lúc sau họ mời chúng tôi đi thăm quan trường học. Thật bất ngờ khi tại đó đang có một tiết học tiếng Việt cấp tốc từ giáo viên tiếng Anh. Thấy vậy, tôi chăm chú tham dự tiết học như thể đang ở trong một cảnh dàn dựng của bộ phim Billy Madison.

Thầy giáo dạy tiếng Anh trường phổ thông trong bức ảnh đã làm một công việc tuyệt vời và vĩ đại. Anh mang tiếng Anh tới cho thế hệ trẻ nhỏ của vùng miền núi xa xôi…

Sau đó, chúng tôi đi gặp các em học sinh trong trường học. Vẻ mặt tràn đầy sức sống và hứng khởi của các em truyền cho chúng tôi một nguồn năng lượng tích cực. Và tôi nghiễm nhiên trở thành một thầy giáo tiếng Anh cho các em, cùng đếm số, hỏi tên và tuổi các em… Những đứa trẻ thơ hồn nhiên, tinh nghịch này đều trả lời những câu hỏi tôi đặt ra. Nếu một ngày tôi có cơ hội dạy tiếng Anh ở nước ngoài, tôi sẽ tình nguyện dạy ở Hà Giang.

Đến giờ, mỗi lần nghĩ đến những tiếng cười và sự hiếu học của bọn trẻ, tôi vẫn có thể mỉm cười…

Trải nghiệm của hai chàng trai trong suốt chuyến đi tuy không ồn ào hay dữ dội nhưng để lại trong tâm hồn họ những dư vị sâu lắng. Con người miền núi phía Bắc Việt Nam thật thà, chất phác, hiếu khách và giản dị đã đi vào lòng họ bởi những cử chỉ quan tâm chân thành. Tâm hồn họ được giao thoa với một nền văn hóa khác, làm phong phú hơn vốn sống cũng như cảm xúc. Có lẽ, khung cảnh và con người nơi đây đã cho họ một cảm giác rất khác nơi họ sinh ra, để cuối cùng, kết thúc chuyến đi, điều họ nhớ mãi vẫn là những nụ cười, và những bức ảnh kỉ niệm đơn giản mà tràn ngập thương yêu…

Tham khảo Sunnyskyz

Xuân Dung

Xem thêm:

Exit mobile version