Đại Kỷ Nguyên

Ngắm nhìn vẻ đẹp trang phục truyền thống trong lễ cưới tại 19 quốc gia

Ở một vài nền văn hóa, đặc biệt là châu Á và châu Phi, các cặp vợ chồng trẻ vẫn thích mặc trang phục cưới truyền thống hơn là những bộ váy trắng phổ biến hiện nay.

Dưới đây là bộ sưu tập những bức ảnh cô dâu và chú rể trong trang phục cưới truyền thống do trang báo mạng Brightside tổng hợp. 

1. Nhật Bản

Tại các đám cưới Nhật Bản, các cô dâu thường mặc hai hoặc nhiều bộ váy trong suốt buổi lễ, có thể trắng và đỏ. Còn chú rể mặc Kimono màu đen có gắn gia huy và quần chùng.

2. Ghana

Trang phục cưới truyền thống của người Ghana có màu sắc khá sặc sỡ. Những bộ đồ được thiết kế với màu sắc và hoa văn khác nhau. Mỗi gia đình đều có mẫu vải riêng của mình.

3. Rumani

Ngày nay, đại đa số thanh niên Rumani thích những đám cưới với phong cách hiện đại. Tuy nhiên, các nghi lễ trong đám cưới truyền thống vẫn có thể được nhìn thấy ở các khu vực xa xôi thành phố. 

Mặc dù không phải là quốc gia lớn nhưng mỗi vùng ở Romania đều có trang phục cưới truyền thống khác nhau. Trang phục cưới truyền thống của Romania là váy tay xòe thêu họa tiết thổ cẩm, cô dâu đội một chiếc vòng kết bằng hoa lá đơn giản nhưng khá đẹp và tinh tế.

4. Sami, Bắc Âu

Dân tộc Sami là những người dân bản địa sống ở Lapland, Phần Lan. Trang phục truyền thống của họ có thể tiết lộ cho bạn biết nhiều điều về người đang mặc nó. Ví dụ, các nút vuông có nghĩa là người đó đã kết hôn, trong khi những người độc thân sẽ đeo thắt lưng với các nút tròn.

5. Sri Lanka

Cô dâu thường là trung tâm của sự chú ý trong ngày cưới. Tuy nhiên, tại các đám cưới truyền thống của Sri Lanka, chú rể mới là người nhận được nhiều sự chú ý nhất.

Chú rể trong trang phục cưới truyền thống rạng rỡ và nổi bật với tông màu đỏ cùng họa tiết trang trí bắt mắt, kèm theo đó là chiếc mũ có hoa văn và màu sắc tương tự với áo khoác ngoài. Còn cô dâu sẽ mặc sari lụa, đeo trang sức theo số lẻ vì theo quan niệm của đất nước này, số lẻ tượng trưng cho may mắn, bình an và hạnh phúc.

6. Ấn Độ

Sari – chiếc khăn dài từ 4-9m được quấn quanh người cô dâu là trang phục cưới truyền thống của người Ấn Độ. Người Ấn Độ thường chọn Sari có màu đỏ hoặc hồng để tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc của cô dâu và chú rể.

Tùy theo gia cảnh từng nhà mà bộ váy cưới sẽ được đính thêm ít hay nhiều kim sa và đá quý để chiếc váy thêm phần lộng lẫy. Đi kèm với chiếc váy là bộ trang sức 16 món tên là “Solah shrinngar“. Ở vùng Bắc Ấn, những phụ nữ đã lập gia đình sẽ phân biệt bởi một dấu chấm đỏ “Bindi” ở giữa trán.

7. Scotland

Được mệnh danh là “đất nước của những người đàn ông mặc váy” nên trong ngày lễ trọng đại của cuộc đời, chú rể sẽ mặc trang phục cưới truyền thống của gia tộc là váy họa tiết ca-rô cùng sơ mi và áo vest. Không quy định cụ thể họa tiết ca-rô mà tùy thuộc vào các gia tộc trên đất nước, bởi mỗi gia tộc khác nhau sẽ có những mẫu họa tiết riêng biệt. Sau lễ thành hôn, cô dâu sẽ khoác chiếc khăn choàng có họa tiết giống chiếc “váy” của chàng rể để chứng tỏ rằng mình đã là một thành viên mới trong gia đình.

8. Pakistan

Pakistan là một quốc gia Hồi giáo nhưng trang phục cưới truyền thống của họ có nhiều điểm tương đồng với phong tục ở Ấn Độ. Trong ngày cưới, cô dâu sẽ được vẽ henna trên tay và mặc một chiếc váy cưới màu đỏ.

9. Ethiopia

Ethiopia là quốc gia duy nhất ở châu Phi, nơi đạo Cơ Đốc giáo là tôn giáo chính thức. Đa số người Ethiopia thuộc Giáo hội Chính thống Ethiopia. Đó là lý do tại sao lễ cưới ở đây giống với lễ cưới của người Hy Lạp hay người Nga.

10. Indonesia

Sở hữu hàng nghìn đảo lớn nhỏ với 6 tôn giáo lớn cùng 300 nhóm sắc tộc, Indonesia có nền văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú. Cũng chính vì lý do đó mà đám cưới truyền thống của người Indonesia có nhiều khác biệt. Trong ngày lễ trọng đại này, cô dâu và chú rể thường đội vương miện vàng.

11. Causasus

Trang phục cưới truyền thống của đất nước Causasus mang đậm chất sử thi với gam màu trắng thanh lịch. Chú rể thường mặc áo Cáp-ca có gắn một thanh gươm vào thắt lưng, còn cô dâu luôn chọn cho mình chiếc váy cưới ren có màu trắng.

12. Trung Quốc

Áo cưới truyền thống Trung Quốc mang màu đỏ và được thêu nhiều họa tiết trên áo. Trong đó rồng phượng được xem là hai linh vật của châu Á. Sau khi đám cưới kết thúc, chú rể sẽ gỡ tấm màn che màu đỏ trên đầu cô dâu xuống.

13. Hawaii

Trong đám cưới truyền thống của người Hawaii, chú rể thường mặc đồ màu trắng, còn cô dâu tô điểm cho mái tóc của mình bằng những bông hoa tươi.

14. Malaysia

Ở Malaysia, hầu hết các nghi lễ đám cưới được tổ chức theo truyền thống Hồi giáo. Các cô dâu thường chọn một chiếc váy cưới có màu tím hoặc màu kem.

15. Người Do Thái xứ Yemen

Trong đám cưới, các cô gái ở đây thường khoác trên mình bộ trang phục đặc biệt, được thừa hưởng từ tổ tiên của họ.

Bộ trang phục này được đính kết rất nhiều bông hoa màu đỏ, trắng và vải thổ cẩm đặc trưng của dân tộc.

16. Hàn Quốc

Đám cưới truyền thống đang ngày càng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc và Hanbok là trang phục không thể thiếu trong đám cưới của các cặp đôi. Theo truyền thống cổ xưa ở đây, chú rể nên cõng vợ mình trên lưng đi vòng quanh bàn để thể hiện rằng cô dâu có thể dựa vào chồng mình cả đời.

17. Na Uy

Ở Na Uy, người ta thường mặc Bunad – một bộ trang phục truyền thống của người Na Uy dành cho những dịp đặc biệt như đám cưới và lễ rửa tội.

Đến nay, Bunad đã có đến hàng trăm kiểu dáng khác nhau cho cả nam và nữ. Tất cả đều sử dụng kỹ thuật may rất cầu kỳ, hoa văn lãng mạn với chất liệu khác nhau.

18. Bali

Đám cưới của người Bali chắc chắn sẽ làm bạn cảm thấy ngạc nhiên với sự phong phú và lộng lẫy. Trang phục cưới truyền thống của họ gồm rất nhiều chi tiết phức tạp. Hơn nữa, trong buổi lễ cả chú rể lẫn cô dâu thường đội vương miện vàng trên đầu.

19. Nigeria

Nigeria là một đất nước rộng lớn với hơn 250 nhóm dân tộc và 500 ngôn ngữ. Do đó, phong tục cưới xin tại Nigeria khá đa dạng giữa các vùng miền, phụ thuộc vào vùng địa lý, tôn giáo, sắc tộc. Tuy nhiên, cô dâu Nigeria thường mặc trang phục có màu sáng và quấn khăn Gele trên đầu.

Hoàng Quân (TH)

Video xem thêm: “Tướng đi, tướng đứng, tướng ngồi” trong lễ nghi truyền thống

Exit mobile version