Đại Kỷ Nguyên

Nếu người lớn giống trẻ con hơn một chút, cuộc sống của họ có thể sẽ rất tốt đẹp…

Chúng ta thường nghĩ rằng trẻ con rất ngây thơ, chúng cần phải học hỏi nhiều điều từ người lớn thì mới có thể trưởng thành được. Thực tế thì, nếu người lớn giống trẻ con hơn một chút, cuộc sống của họ sẽ rất khác, theo một cách vô cùng tích cực…

Vào những năm 1990 của thế kỷ 20, nhà từ thiện Kenneth Belling đi ngang qua khu vịnh San Francisco. Đột nhiên, ông phát hiện mình đánh rơi chiếc ví khi nào không hay.

Trợ lý lo lắng nói:

– Có lẽ chúng ta đã đánh rơi chiếc ví vào sáng nay, lúc đi qua các khu nhà ổ chuột ở Berkeley. Bây giờ chúng ta phải làm gì đây?

Belling ôn tồn nói:

– Chỉ có thể chờ người nhặt được ví gọi lại thôi.

Đã mấy tiếng trôi qua, ông Kenneth Belling vẫn không nhận được bất cứ cuộc gọi nào. Người trợ lý thất vọng nói:

– Thôi, chúng ta đừng chờ nữa, đừng hy vọng gì ở những người sống trong khu nhà ổ chuột.

Ông Belling lặng lẽ nói:

– Không, tôi vẫn muốn chờ đợi xem thế nào.

Người trợ lý tỏ vẻ nghi hoặc:

– Trong ví có danh thiếp của ngài, nếu muốn trả lại thì họ đã gọi từ lâu rồi, chỉ mất vài phút thôi. Chúng ta đã đợi cả buổi chiều mà vẫn không thấy tin tức gì. Chắc chắn người nhặt được đã giữ lại chiếc ví rồi. Khu nhà ổ chuột ở Berkeley toàn là người nghèo, họ sẽ không trả lại cho ngài một món tiền lớn như vậy đâu.

Nhà từ thiện Kenneth Belling (ảnh: Tamaractalk).

Belling vẫn khăng khăng chờ đợi. Trời bắt đầu tối và điện thoại vang lên. Cuộc điện thoại này là của người nhặt được chiếc ví, nói là đợi ông trên đường Kata.

Người trợ lý vội hét lên:

– Hãy cẩn thận! Đây có thể là một cái bẫy không? Hay là họ muốn tống tiền?

Belling bỏ qua lời cảnh báo và đến địa điểm được hẹn. Ông tới nơi thì thấy một cậu bé gầy còm, mặc chiếc áo rách, trên tay cậu cầm chiếc ví tiến lại gần. Người trợ lý vội cầm lấy chiếc ví và kiểm tra, anh thấy bên trong vẫn còn nguyên số tiền. Cậu bé ấp úng nói:

– Cháu có một lời cầu xin, các ngài có thể cho cháu một ít tiền được không ạ?

Người trợ lý cười lớn:

– Biết ngay mà…

Belling vội ngắt lời trợ lý rồi mỉm cười với cậu bé và hỏi cậu muốn bao nhiêu.

– Cháu chỉ xin 1 đô la thôi ạ

Ngập ngừng một lát, cậu bé ngượng ngùng nói tiếp:

– Cháu đã tìm kiếm rất lâu để đến được bốt điện thoại công cộng nhưng cháu không có tiền. Sau đó cháu đã vay 1 đô la để gọi cho ngài.

Người trợ lý cúi đầu xấu hổ. Còn Belling vội ngồi xuống ôm cậu bé vào lòng.

Belling quyết định thay đổi kế hoạch từ thiện: Ông bắt đầu cho xây dựng các trường học ở Berkeley để những trẻ em nghèo không có tiền đi học trong vùng được đến trường.

Trong ngày khai giảng, Kenneth Belling xúc động nói: “Chúng ta không nên tự phán xét về người khác. Chúng ta cần tạo ra không gian và cơ hội để đón tiếp học sinh có tâm hồn thuần khiết và tốt bụng. Điều này rất đáng để chúng ta đầu tư”.

***

Trong thế giới của người lớn, chín chắn mới được coi là tốt, sâu sắc mới đáng để tự hào, lý trí mạnh mẽ mới đáng để kiêu ngạo. Nhưng chúng ta lại quên mất rằng, chính sự ngây thơ mới làm cho chúng ta được yêu mến; chính sự thuần khiết mới giúp chúng ta giảm nhẹ những rối ren và đen tối của cuộc đời, và chính trái tim hồn nhiên, thánh thiện mới cho chúng ta sống một cuộc đời chân thành, ý nghĩa nhất.

Ảnh: Collaction

Lương thiện nhất, chân thành nhất, thuần khiết nhất, đó chính là tâm hồn trẻ thơ. Một nụ cười trong sáng, hồn nhiên của chúng cũng đủ để xua tan những bộn bề, muộn phiền trong lòng những con người phức tạp nhất.

Vậy mới nói, dẫu có lớn khôn thế nào chăng nữa, mong bạn cũng hãy giữ lại đứa trẻ trong tâm hồn mình, như một mỏ neo, để có thể luôn đối với nhau chân thành trong cuộc sống vốn đã quá bon chen này.

Trong thế giới bề bộn này, xin hãy giữ lấy trái tim thuần khiết như trẻ thơ, khi bờ vai của bạn không nặng nề nữa, bạn sẽ có được nụ cười tươi sáng rạng ngời.

(Trích sách “Bạn có phải cá hồi chum không?” – Tác giả An Nhã Ninh)

Bạn đang đọc bài viết: “Nếu người lớn giống trẻ con hơn một chút, cuộc sống của họ có thể sẽ rất tốt đẹp…” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version