Đại Kỷ Nguyên

Nếu một mai lạc lối, nhớ nhìn hướng chòm sao Bắc Đẩu để về nhà nghe con…

Có được hạnh phúc là có được bình yên? Vậy bình yên thật sự là gì? Tại sao người ta lại mất cả đời để kiếm tìm ngay khi đã có được?

Tết này, người nông dân nghèo dựng một căn nhà khang trang, ông lợp những tấm ngói bền đẹp chỉ mong mái đừng dột khi trời mưa bão, chỉ mong những bức tường sẽ không bị hất tung khi lũ quét tràn về… Ngôi nhà đối với ông là hạnh phúc. Ông đang tìm kiếm sự bình yên cho gia đình mình.

Tết này, một doanh nhân trẻ có chuyến công tác ở nước ngoài, anh cố lo thêm mấy dự án quốc tế, xong chuyện này sẽ là một bước đột phá lớn đối với công ty nên anh không thể bỏ lỡ. Anh không muốn thất bại vì thành công đối với anh là hạnh phúc. Anh đang tìm kiếm bình yên cho cuộc đời mình.

Tết này, cô ca sĩ trẻ nổi tiếng quyết định không đặt vé máy bay về nhà, cô sẽ nhận diễn thêm vài chương trình quan trọng. Cô ngày ngày đến spa chăm sóc sắc đẹp, cô sợ già, sợ phai tàn và xấu xí. Cô sợ mình không được khán giả yêu mến, cô sợ mình không được nhận nhiều suất diễn nữa. Xem ra, cô có nhiều nỗi sợ hơn với những người có cuộc sống giản đơn. Hạnh phúc của cô là duy trì được nhan sắc, phong độ diễn, sự hài lòng của khán giả và hưởng thụ những chuyến du lịch đây đó. Cô cho rằng đó là hạnh phúc và bình yên thật sự nên cố gắng làm tất cả để bảo vệ.

Tết này, một cậu bé cuối cấp quyết định không chơi Tết, cậu học ngày học đêm chuẩn bị cho kỳ thi lên đại học. Cậu miệt mài với mấy bài Toán tích phân và những công thức hình học. Cậu cố học thuộc thêm mấy bài thơ bên môn Văn của thầy Quang. Thầy dặn cậu mấy bài thơ này quan trọng, nhưng cậu chẳng hiểu nó quan trọng ở chỗ nào nếu nó không có mặt trong kỳ thi tốt nghiệp. Cậu bé nghĩ rằng chỉ cần đỗ đại học, tương lai của cậu sẽ là một màu tươi sáng và chẳng còn điều gì có thể làm cậu lo lắng, sợ hãi nữa… Giờ đây, với cậu hạnh phúc là được học hành. Cậu bé đang tìm kiếm sự bình yên cho cuộc đời mình.

Tết này, cụ bà 70 tuổi cũng như bao mùa Tết trước. Mỗi sớm bình minh thức giấc, cụ và một vài người bạn của mình lại ra khoảnh sân nhỏ trước khu chung cư cũ kỹ, dưới mấy tán dương liễu xanh rờn cùng tập dưỡng sinh, tốt cho sức khỏe và giúp tinh thần tỉnh táo. Cụ có bạn bè, cháu con và sức khỏe. Cụ nghĩ chỉ cần không cô đơn, không bệnh tật, cụ chẳng sợ hãi điều gì. Đối với cụ, luyện tập cùng hội cao tuổi là niềm hạnh phúc. Cụ cho rằng đó là bình yên của cuộc đời mình.

Tết này, một phượt thủ sẽ không về nhà, anh quyết định tới châu Phi, anh muốn chinh phục mọi ngóc ngách của thế giới. Anh đợi chờ cảm giác hạnh phúc khi được làm chủ những cung đường trắc trở và nguy hiểm. Hạnh phúc của anh là được sống và trải nghiệm những điều mới mẻ, thách thức sự gai góc. Anh không có nhiều nỗi sợ như người bình thường, anh không sợ chết, anh không sợ cô đơn, anh không sợ khổ nhưng anh sợ nhàm chán. Vậy là vì anh đam mê hay vì anh sợ hãi nên anh mới quyết định đi phượt? Thật ra, anh cũng đang kiếm tìm sự bình yên cho nội tâm của mình.

Tết này, cô gái trẻ lại học nấu thêm một món ăn mới. Mẹ dặn, con gái lớn phải biết lo chuyện bếp núc thì mới có người hỏi. Từ bé đến lớn, cô đã nghe bà và mấy bác nhắc đi nhắc lại phải học cái này phải học cái kia đến thuộc lòng luôn. Vậy là cả đời cô cũng sống với quan niệm đấy. Trong suy nghĩ của cô, người chồng là bến đỗ của bình yên. 

Tết đến, những người lớn lại muốn mua vé trở về tuổi thơ? Tại sao tất cả đều muốn quay về tuổi thơ, về những ngày xưa cũ kỹ? Có phải vì quá khứ ấy từng rất bình yên? Hay vì quá khứ đó không có nỗi sợ?

Con người ta càng lớn lại càng có thêm nhiều nỗi sợ?

Vậy rốt cuộc, cả đời người ta sống vì điều gì? 

***

Ảnh minh họa (nguồn: Maze Việt Nam).

Cốc cốc… Tiếng gõ bàn làm Hạ Mi giật mình, bước ra khỏi dòng suy tư mải miết trên trang nhật ký. Tách cà phê đã vơi đi một nửa.

– Ôi, chào cậu!

– Tớ lỡ hẹn hay là cậu đến sớm nhỉ?

– Hì, hôm nay đẹp trời nên tớ muốn ra ngoài sớm chút. Cậu lúc nào cũng đúng giờ mà, hì hì.

– Hì, lâu rồi không gặp, cậu vẫn như ngày nào. 

Ting ting ting… (Chuông điện thoại reo)

– Ôi, tớ xin lỗi, tớ có điện thoại – Hạ Mi cuống quýt.

– Dạ con nghe ba… Dạ con xin lỗi ba, ba ơi chắc con không về được ạ. Con được nghỉ ít ngày quá mà, ra ngoài Tết chúng con có kỳ thi kiểm tra ngay nên con muốn ở lại chuẩn bị… Vâng có dịp con sẽ về thăm nhà… Vâng… Dạ… Dạ… Con chào ba ạ!

– Tết này, cậu không về quê à Hạ Mi?

Hạ Mi ngập ngừng e ngại:

– À ừ, tớ… tớ… bận bài vở quá mà lại được nghỉ ít nên tớ tính ở lại.

– Humzzz, Hạ Mi à, đừng giấu tớ, nhìn cậu tớ biết đó không phải lý do rồi. Nhớ hồi còn học đại học, cả năm chẳng phải cậu chỉ chờ Tết đến nhất, có chuyện gì có thể kể tớ nghe được không?

Hạ Mi khẽ thở dài, đôi hàng mi cụp xuống, giọng đượm buồn:

– Vậy là không giấu cậu được rồi. Năm nay quê tớ bão lũ, mùa màng mất hết, mới đây mẹ tớ lại bệnh nặng, việc trong nhà chỉ có mình ba lo…

Hạ Mi ngưng lại, quay khuôn mặt đã sạm đi vì mất ngủ nhiều ngày ghé xuống con phố đông người qua lại đang chọn mai đào mà lòng thắt lại… 

– Tớ đang nghĩ mình có nên tiếp tục việc học cao học trong khi gia đình lại quá khó khăn như vậy hay không, tớ gần như mất phương hướng, tớ không biết nên làm gì nữa… Có lẽ, tớ nên xin đỡ một công việc để phụ giúp gia đình, nhưng tớ không muốn để ba biết. Ba sẽ rất lo lắng…

– Chuyện này… Thùy Nhiên ngập ngừng như muốn nói gì đó…

Thấy bạn lo lắng, Hạ Mi thở dài cái sượt như muốn rũ bỏ hết mọi chuyện đã qua, mỉm cười nhẹ, đôi mắt sáng lên tia hy vọng tự động viên chính mình:

–  Humzzz, thôi đừng để ý chuyện của tớ, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi đúng không? Haizza, ước gì nhà tớ cũng gần như nhà cậu để mỗi dịp Tết đến chẳng phải lo nghĩ nhiều.

– Ai bảo thế, tớ cũng có quê để về mà.

– Vậy sao? Nhà cậu ở đây mà? – Hạ Mi ngạc nhiên hỏi.

– Hì hì. Có thể sau này cậu sẽ hiểu – Thùy Nhiên đáp bằng cái giọng bí hiểm và đôi mắt lém lỉnh – Ừm… Hạ Mi à, tặng cậu cuốn tạp chí này.

– Tạp chí? Đại Kỷ Nguyên?

– Ừ, cậu biết báo này chứ?

– À, tớ… tớ… không biết.

– Chắc cậu tối ngày làm bạn với mấy phòng thí nghiệm trên trường không dứt ra được đúng không? Vậy cậu nên đọc đi, tớ thường đọc mấy bài trên trang điện tử của báo này, ý nghĩa lắm cậu ạ!

– Vậy à…“Tại sao Phật lại nói điều ý nghĩa nhất của sinh mệnh chính là quay trở về?”, quay trở về?

– Ừ, là quay trở về. Cậu đọc đi, đọc để tìm câu trả lời cho cuộc đời mình. Đọc để trả lời câu mà ngày trước cậu vẫn thường hỏi “Chúng mình đến Trái Đất này để làm gì?” đó.

– Vậy sao?

Hạ Mi say sưa đọc, đọc như quên cả thời gian, quên cả nhịp chùng chình góc phố đang dần nghiêng ngả. Thế giới nội tâm của cô như được tách ra khỏi tiếng còi xe náo nhiệt, của những tiếng bước chân đang vội vã ngoài kia…

***

… Reeeeeeeengggggggg… “Xin thông báo! Tàu Thống Nhất SE5 chuẩn bị khởi hành!”…

Trên chuyến tàu nối liền những miền trù phú của dải đất nước hình chữ S duyên dáng, ôm trên tay sấp báo mới, Hạ Mi cảm thấy hồ hởi trong lòng, cảnh đẹp phía bờ biển ngoài khơi làm cô nao lòng đến lạ. Cô sắp về, về với miền biển yêu dấu, với nắng vàng và gió cát hanh hao, hương sắc hoa vàng bên thềm mấy căn nhà bé xinh.

Trong căn bếp nhỏ, ông Bảy đang chất thêm củi vào bếp, phải đến đêm nay mấy đòn bánh tét mới vớt được.

Thằng Tí khói quá chạy mải ra ngoài, trong cái mờ ảo của nước mắt cay xè khóe mắt nó thấy cái dáng quen thuộc, mái tóc đen óng ngang sườn trên nền chiếc áo xanh sẫm màu.

– Aaaaaaaaaaaa… Chị Hai về, ba ơi, chị Hai về, chị Hai về rồi ba ơiiiiiiiiiiiii… – Thằng Tí ngân cái giọng phấn khích đến chói tai của nó như không dừng lại được, chạy mải đến ôm chầm vào chị Hai nó.

Ông Bảy nghe tiếng thằng Tí kêu la, lụi cụi bước ra: “Về đấy rồi hả Mi?”.

Nhoẻn cái miệng cười tươi rói, Hạ Mi đáp:

– Vâng thưa ba, con mới về ạ!

***

Nhiều người đã lên nhiều chuyến tàu để trở về nhưng cho đến tận cuối đời họ vẫn chưa hiểu được ý nghĩa thật sự của sự trở về là gì. Hạ Mi đã tìm được câu trả lời cho mình, tìm được bình yên thật sự của hạnh phúc. Tết này, cô đã có một món quà ý nghĩa dành cho những người thân yêu, câu trả lời cho những đói nghèo của miền Trung, cho căn bệnh đang hành hạ thân thể mẹ và mục đích của cuộc đời mình.

Đón bình minh đang vươn lên từ mặt biển phía xa, trong tiếng nhạc êm dịu, tĩnh lặng, không gian trở nên an định bình yên đến khó tả. Hạ Mi thấy bản ngã của chính mình, to lớn như thời không của vũ trụ, cô cảm thấy dường như mình đang chạm được tới cả bình minh, chạm tới cả chiếc bánh xe hồng rực phía góc trời xa và những đám mây vàng. Lần đầu tiên cô cảm nhận được mình to lớn và mênh mông đến vậy, giờ mới thấm “tâm rộng lớn thì đất trời bao la”.

Ngày xưa được dặn rằng, dù đi bất cứ nơi đâu nếu lạc đường nhớ nhìn về hướng chòm sao Bắc Đẩu. Ngày đó, Hạ Mi tưởng rằng nhà mình ở hướng Bắc nên theo sao Bắc Đẩu thì có thể về nhà. Giờ cô mờ mờ hiểu ra thêm một tầng nghĩa mới, đó là ở một chốn xa xôi, nơi những vì tinh tú ngự trị, có một ngôi nhà thật sự, nơi sinh mệnh chân thực của cô được sinh ra, nơi có căn nhà không bị gió bão và mưa giông dọa dẫm. Hóa ra, con người ước thành Tiên, mong trở thành bất tử là vì con người đã phát hiện ra trong vũ trụ có một chốn bình yên vĩnh hằng.

***

– Ba ơi, ba lại kể con nghe về các vì sao đi ạ? 

– Con nhớ tên chòm sao bên này rồi chứ?

– Dạ, chòm sao Thần Nông ạ. Ông bà thường xem để biết việc mùa màng cấy hái.

– Tốt lắm, vậy con có nhìn thấy những ngôi sao sáng đậm bên này nối lại thành hình chiếc gầu nước không?

– Đâu ạ, sao con trông nhiều ngôi sao quá zậy ba!

– Nhìn theo hướng chỉ của tay ba nè, con thấy chưa?

– A, con thấy rồi ba! Đây đúng không ạ? (Hạ Mi vẽ một vòng tay zigzag)

– Đó là chòm sao Bắc Đẩu. Nếu mai mốt có lạc đường, nhớ nhìn theo hướng chòm sao này để tìm đường về nhà nha Mi.

– Vậy hả ba? Cứ nhìn về hướng sao Bắc Đẩu là có thể tìm được đường về nhà ạ?

– Ừ cứ nhìn về hướng sao Bắc Đẩu là có thể về…

Hồng Tâm

Video xem thêm: Câu chuyện nhà tâm linh phương Đông và cuộc hành trình tìm kiếm kì lạ

Exit mobile version