Đại Kỷ Nguyên

Mũi giày người Trung Quốc cổ đại hơi vểnh lên một chút, hoá ra ẩn chứa 3 công dụng thông minh

Chúng ta biết rằng, lối sống của người cổ đại rất khác so với thời hiện đại, đặc biệt là về trang phục. Những đôi giày chúng ta đi hiện tại rất đa dạng, đầy đủ mẫu mã. Tuy nhiên vào thời cổ đại, hầu hết các đôi giày đều có đặc điểm chung, đó là mũi giày hơi hếch ngược lên trên, tại sao vậy?

Nhiều trong số những đôi giày này đã được khai quật từ khảo cổ học trong quá khứ. Trên thực tế, những đôi giày như thế đã xuất hiện ở Trung Quốc ngay từ thời kỳ thị tộc. Từ thời Xuân Thu, người Trung Quốc xưa đã rất coi trọng giày Lý Đầu, thậm chí có những ghi chép đặc biệt. Trong Nghi Lễ – Sĩ Táng Lễ có viết: “Chưng kết phụ liên huyết”, cái gọi là “huyết” là thứ trang trí trên mũi giày.

Trong triều đại Tần và Hán, sự phát triển của giày thịnh vượng nhất, đặc biệt là về thiết kế trên mũi giày xuất hiện đường viền phân cách hai bên giày với nhau, hai góc nhọn nhô ra giống như hai điểm phân tách, trở thành “Giày kỳ đầu”, hoặc “Giày song kỳ”. Trong các bức chân dung của nhiều người Trung Quốc cổ đại gần như ai cũng đi đôi giày này.

Đến triều Nguỵ, Tần, Nam Bắc triều, mũi giày để trang trí làm điểm nhấn cho giày. Càng ngày càng có nhiều phong cách, đến tên giày cũng trở nên rất thanh lịch trang nhã, ví dụ như giày phượng đầu, giày ngũ sắc vân hà, giày ngọc hóa phi đầu, giày tụ vân, giày ngũ tạp và các loại tên khác, thậm chí có thể phân biệt giày nam và nữ.

Những đôi giày có mũi hếch ngược lên trên cũng là kiểu giày chính trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Ngay cả sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhiều phụ nữ truyền thống ở vùng núi hoặc mặc trang phục truyền thống vẫn đi loại giày này.

Vậy tại sao loại giày mũi hếch lại phổ biến đến thế? 

Các chuyên gia đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Lý do đầu tiên là nhiều người tin tưởng rằng đi loại giày mũi hếch có thể mang lại cho mình một cuộc sống tốt. Nếu chú ý đến, bạn sẽ thấy rằng phần trước của đôi giày trông giống như mũi tàu, có nghĩa là “thuận buồm xuôi gió” tượng trưng cho một lời chúc tốt đẹp.

Tất nhiên đó cũng là một công cụ bảo vệ cho bàn chân, phần mũi giày hơi hếch lên thường liên kết với đế giày, như thế nếu đụng phải vật cứng có thể giảm tổn thương cho bàn chân, và với thiết kế này, đi đứng cũng đỡ đau chân hơn.

Nếu một người thích mặc quần áo truyền thống của người Hán thì chắc chắn sẽ đánh giá cao đôi giày này. Hán phục thường rất dài, khi mặc lên người dễ khiến cho người ta giẫm lên váy. Sự xuất hiện của loại giày mũi hếch giải quyết vấn đề đó một cách hiệu quả, khi mũi giày hếch lên có thể tránh giẫm đạp lên váy, thậm chí câu móc gấu váy vào giày.

Tất nhiên, ngoài ba công dụng chính, còn có nhiều công dụng cho thiết kế này. Một thay đổi nhỏ như vậy cũng đem đến rất nhiều lợi ích, điều đó càng khiến chúng ta ngưỡng mộ sự thông minh của người xưa. Tuy nhiên, ngày càng ít người mặc Hán phục vì thế loại giày này đang dần “ở lại” với lịch sử.

Nguồn, ảnh: Foyuan.family543

Video xem thêm: Tâm thuần tịnh thì từ trường tốt, vận mệnh cũng tốt

Exit mobile version