Đại Kỷ Nguyên

Một đời ngược xuôi vất vả, tuổi già của mẹ ai trông?

Năm tháng trôi đi, vất vả một mình nuôi các con khôn lớn, cũng đến lúc bà Lan không thể tự chăm sóc cho bản thân mình. Hàng xóm khuyên bà nên về ở với các con lúc tuổi già cho có người đỡ đần lúc ốm đau bệnh tật. Nhưng bà nên về ở với đứa nào bây giờ?

Từ ngày chồng mất, bà Lan quyết định ở vậy, tần tảo sớm hôm nuôi 3 đứa con khôn lớn, xong rồi dựng vợ gả chồng cho chúng. Sau khi lập gia đình, mấy đứa con của bà đều dọn ra ở riêng. 

Vài năm gần đây, sức khỏe của bà Lan ngày một xấu đi. Hàng xóm khuyên bà nên dọn đến ở với các con để có người chăm sóc nhỡ may lúc trái gió trở trời. Nhưng bà Lan vẫn ngập ngừng, bà không muốn tấm thân già phiền hà đến các con, nên vẫn cố gắng niềm nở tươi cười với mọi người xung quanh như thể sức khỏe mình vẫn ổn định. Nhân lúc sức khỏe vẫn còn tốt, đôi chân vẫn có thể tự đi lại, bà Lan quyết định đến thăm nom cuộc sống của các con. 

Trong số ba người con, gia đình cậu con cả có gia cảnh khá nhất và luôn khiến bà Lan cảm thấy an tâm. Khi bà đến nhà người con cả vào đúng bữa trưa, cô con dâu đã đi lấy một bát cháo, một đĩa dưa muối mời bà ăn trưa kèm theo lời xin lỗi vì gia đình không ăn ở nhà nên trong tủ lạnh chỉ còn lại 2 món đó. 

(Ảnh dẫn qua quangduc)

Bà Lan vui vẻ nhận lời, bỗng cậu cháu trai từ đâu thấy bà chạy vào: “Bà ơi, bà ở lại ăn cơm cùng nhà con. Hôm nay mẹ con dặn sẽ làm món thịt heo ngon lắm”. Nghe đứa cháu nói, bà Lan ngỡ ngàng không nói nên lời, nhưng vẫn cố làm vẻ mặt hóm hỉnh đùa rằng bà không thích ăn thịt heo, sau rồi ăn hết tô cháo rồi vui vẻ nói bà cần về sớm.

Gia đình cậu con thứ 2 cũng là một gia đình khá giả. Khi bà Lan đến thăm cậu con trai thứ, cô con dâu biểu hiện vẻ mặt không vui nhưng vẫn đi lấy bánh mời mẹ: “Sao mẹ đến không báo trước cho chúng con? Vợ chồng con định về qua nhà thăm mẹ nên trưa nay không chuẩn bị cơm. Mẹ ăn đỡ mấy cái bánh này vậy”. Bà Lan nhận lấy tấm bánh từ cô con dâu lòng không khỏi buồn bã. 

Một ngày, bà Lan quyết định đi thăm cậu con trai út, là người ở xa bà nhất nhưng gia cảnh cũng khó khăn nhất. Trước đây, bà Lan thường ít lui tới nhà cậu con út, một phần vì xa cũng một phần vì kinh tế gia đình. Nhưng khi bà vừa đến nơi, cô con dâu út đã lấy ghế ra mời bà ngồi. Sau đó, cô xin phép bà rồi vội vã chạy ra ngoài. Bà Lan ngồi chờ một mình trong căn nhà khá lâu, cảm thấy thất vọng và định rời đi, nhưng bất chợt, bà thấy cả hai vợ chồng con trai út cùng nhau đi về.

Bà đã vất vả cả đời mong các con hạnh phúc, giàu sang. (Ảnh dẫn qua hoacai2012.blogspot.comi)

Con dâu của bà nói: “Mẹ ơi, mẹ đừng đi vội ạ. Con vừa ra chợ mua được ít thịt ngon, hôm nay con sẽ làm món bánh bao thịt đặc biệt cho cả nhà ta. Con cũng vừa mới ra đồng gọi chồng con về nhà. Giờ mẹ ngồi đây trò chuyện với chồng con, con sẽ đi chuẩn bị bữa tối ạ”. Nghe xong, bà Lan cảm thấy rất ấm lòng. Rồi bà nắm lấy tay con trai út và hàn huyên đến tận giờ ăn tối.

Trong bữa cơm, người con út nói: “Mẹ à, chúng con rất mong mẹ đến ở cùng chúng con, nhưng hiềm một nỗi, gia đình chúng con nghèo, nên sợ mẹ không được thoải mái khi ở đây. Nhưng thật tâm, chúng con rất mong mẹ chuyển đến ở cùng vợ chồng chúng con”.

Trong căn nhà nhỏ, nước mắt người mẹ bắt đầu lăn dài, bà đã sống cả đời vất vả nuôi những đứa con khôn lớn, bà đâu mong mỏi điều gì ngoài việc những đứa con mình có thể hạnh phúc, đủ đầy, không phải khổ như cuộc đời của ba mẹ chúng. Nhưng hình như hạnh phúc đâu nhất thiết phải giàu sang…

Trao đi yêu thương, trao niềm hạnh phúc tuổi già. (Ảnh: Unplash)

Một năm sau, bà Lan mắc phải một căn bệnh nan y. Khi biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, bà đã đưa cho con trai út của mình một chiếc vòng tay gia truyền, được truyền lại từ mẹ của bà, và dặn người con út hãy bán nó lấy tiền làm vốn, mở một cửa hàng nhỏ để cải thiện cuộc sống.

Theo ước nguyện của mẹ, cậu con út đã dùng số tiền bán chiếc vòng làm vốn để mở một cửa hàng nhỏ. Từ đó, gia đình người con út đã có một cuộc sống khấm khá, thoát hỏi cảnh bần hàn năm xưa…

Theo Visiontimes,

Nguyên An biên dịch

Exit mobile version