Đại Kỷ Nguyên

Một chiều Hội An: ‘Bị mắng… rồi đốn ngộ’

Đôi nét về tác giả: Tác giả Phạm Hoàng Hải sinh năm 1948 tại Hà Nội, còn có bút danh là Hoàng Đại Dương. Ông từng công tác tại NXB Thế giới và là thư ký tòa soạn tạp chí Vietnam Cultural Window.

Những tác phẩm đã xuất bản của ông như: “Sa Pa giữa trời mây trắng”, “Tam Đảo – Miền du lịch Đất tâm linh”, “Hội An người bạn đường du lịch văn hóa”, “Hạ Long Thiên đường giữa hạ giới”, “Nghệ thuật rối nước Việt Nam”, “Đà Nẵng trên con đường di sản”, “Hà Nội di sản văn hiến”… được dịch ra nhiều thứ tiếng và là những cuốn cẩm nang du lịch không thể thiếu đối với mỗi hành trình của du khách. Với văn phong đẹp đẽ, cuốn hút đầy chất thơ, các tác phẩm của ông rất có vị thế, được độc giả trong nước và quốc tế đánh giá cao.

***

Chiều nay, trời Hội An đổi gió… Cái nóng ong ong kéo dài suốt cả mấy ngày bỗng dịu đi khi những cơn gió ràn rạt trên mặt sông Hội mang mùi nước biển từ mãi tận Cửa Đại cùng làn hơi ẩm trùm lên lớp lớp hàng mái ngói âm dương.

Cho đến bây giờ, tôi và Hội An đã trở nên thân thiết lắm rồi. Bà cụ già bán bánh xèo nơi đầu ngõ móm mém đưa mắt nhìn tôi như thể người quen đã lâu, cô con gái ngồi bên, má thoáng ửng hồng khi thấy tôi hớn hở từ bên kia đường nhìn sang.

(Ảnh dẫn qua Vietnam-Trip)

Rồi mấy ông bà tây da dẻ đỏ au vì nóng, đang ngả lưng trên ghế mềm từ tít trên ban công của một quán rượu cũng vẫy tay ra hiệu. Sáng nay, chúng tôi đã bô lô ba la với nhau khá lâu bên trong Hội quán Phúc Kiến, dưới chân bức tượng của hai vị Thần Thiên Lý Nhãn và Địa Lý Nhĩ, có tai và mắt thấu tỏ huyền cơ của cả Đất Trời.

Còn mấy ông chủ khách sạn, những cô chủ hiệu thợ may, cửa hàng gallery và đồ lưu niệm thì hầu như đều biết tôi đã lê la ở đây cả mấy tháng trời để viết sách về Hội An. Tính tôi thích bắt chuyện, nên chẳng can cớ gì cũng sán sán lại làm quen như thể là đã thân lắm.

(Ảnh dẫn qua picssr.com)

Tôi chẳng có ngại. Tôi đang thật lòng yêu quý Hội An của họ nên nếu có hơi vồ vập một chút chắc cũng không ai coi là vô duyên đâu mà sợ. Cũng bởi vậy mà tôi nghe được rõ nhiều chuyện hay. Đôi khi hứng lên, tôi lại kể cho người Hội An nghe câu chuyện của chính họ. Thế là thân thiết, quý hóa nhau liền.

Cái nghề của tôi là vậy. Nghe chán vạn những câu chuyện linh tinh vụn vặt. Vo viên gói ghém, xào xáo lại thành ra một cuốn sách mà cả tây cả ta đều thấy thích. Ông già, thiếu nữ, công chức, nghệ sĩ và cả quan chức khệnh khạng đọc cũng đều thấy mê, thấy yêu Hội An quá chừng. Thế rồi cũng khăn gói quả mướp lên đường tìm đến Hội An.

(Ảnh dẫn qua Beautyscenery)

Bởi thế cho nên chiều nay, tôi đang khoan khoái trong lòng. Thế là tôi đi, tung tăng bên bờ sông Hội. Sát ngay mép nước, chiếc thuyền cổ xẫm đen đang dập dềnh lắc lư, vui đùa cùng với mặt sông dưới cơn gió chiều lồng lộng.

Ngay gần cái cọc sắt bóng nhẵn buộc chắc dây neo, một anh chàng tây đang ngồi trên ghế đá, gục đầu đọc sách. Tốt rồi, lại có một chú cừu non lạc đàn ngồi rỗi một mình để tôi phỏng vấn đây.

(Ảnh dẫn qua: foody)

Ngồi xuống đầu ghế bên kia, chờ cho cậu ta ngẩng đầu lên là tôi toét miệng ra cười, ý muốn làm quen. Đặt cuốn sách lên đùi, anh chàng ngẩn ngờ chờ tôi hỏi chuyện.

Chàng này trên dưới ba mươi, thuộc kiểu ít lời. Hỏi câu gì trả lời câu ấy, ngắn gọn rồi thôi. Cậu ta mới đến Việt Nam được dăm ngày. Trước khi sang đây, đã đi dọc ngang đất nước Trung Hoa, mệt ơi là mệt.

Thấy thế, tôi liền hỏi luôn một câu mà tôi vẫn thường ấm ách trong lòng:

– Chắc hẳn khi ở Trung Quốc, anh đã đi thăm thành cổ Lệ Giang. Hôm nay, anh lại đang ở phố cổ Hội An. Anh thử so sánh 2 đô thị cổ ấy, xem nó hơn kém thế nào?

Thành cổ Lệ Giang, Trung Quốc. (Ảnh dẫn qua Veganplayer)

Tôi rất lăn tăn với câu hỏi này. Thành cổ Lệ Giang cũng có các dãy phố cổ mái ngói âm dương nhưng lớn hơn rất nhiều. Lại có những dòng kênh ngang dọc như ở Venice. Lúc này, thật lòng tôi muốn được biết, nếu một du khách đã đi một nơi cổ kính và tuyệt đẹp như Lệ Giang thì khi đến Hội An họ có coi thường nơi này hay không. Vừa hỏi tôi vừa nhói buồn.

Hội An (ảnh dẫn qua : vietnamadventuretour)

Và rồi, các bạn biết không. Thở hắt ra một hơi dài, gấp cuốn sách đang mở trên đùi, đưa mắt liếc chếch thật nhanh. Rồi anh ta thủng thẳng nhấn nhá từng câu:

– Đã – đi – du – lịch – là – không – có – so – sánh – cao – thấp!

Nhìn từ trên cao của Hội An (Ảnh dẫn qua: wanderlust.co.uk)

Tiếp theo câu nói, anh chàng khẽ nhún bờ vai như muốn nói thêm rằng: Nếu mà để so sánh thì tôi đã chẳng đến đây. Choáng váng vì câu trả lời lạnh lùng chắc nịch của anh chàng tây trẻ. Như bị một gáo nước hắt ngay vào mặt. Đầu óc tôi tối sầm cả lại, rồi bỗng nhiên tôi chợt bừng tỉnh.

Đúng rồi!

Nếu đi để so sánh hơn thua thì người ta chỉ cần đến Kim Tự Tháp, đến Vạn Lý Trường Thành và Tháp Eiffel rồi thôi, chả cần đi đâu thêm nữa. Đã xách balô, đi ra thế giới thì không để tính chuyện cao thấp hơn thua, mà là xem nó có lạ, có khác hay không mà thôi. Bởi thế người ta mới đi vào rừng sâu, trèo lên núi cao hoang vu, thăm bản làng nghèo.

Ánh bình minh- Hội An (ảnh dẫn qua : wanderlust.co.uk)

Vì thế người ta mới đến đây để được ngồi thuyền tam bản, được cưỡi xe trâu, được bị kẹt cứng giữa các đường phố chen chúc hàng ngàn xe máy. Để được vào thăm các ngôi đền chùa bé tý bé tẹo phải cúi thấp đầu mới chui vào được. Bởi vì chỉ có ở Việt Nam chứ không đâu khác.

Thế thôi. Mà đơn giản, như thế thì mới được gọi là đi du lịch theo đúng nghĩa đen của nó.

Đêm ở Hội An (Ảnh dẫn qua : orbitz.com)

Và thế là đột ngột, bao nhiêu mắc mớ rải rác bấy lâu đây đó trong đầu óc tôi bỗng thành sáng rõ. Tôi chợt nhận ra những điều mà mình vốn đã lờ mờ nhưng chưa kết lại cho được thành lời, thành chữ. Hệt như ông sư trầm ngâm hít thở thiền tịnh, bỗng bị Sư phụ ném giầy vào gáy, thế là thốt nhiên đốn ngộ. Tâm sáng như sao.

Đêm ở Hội An ( Ảnh dẫn qua : anakpintar.web)

Hoàng Đại Dương

Nhà văn, nguyên Thư ký toà soạn báo Vietnam Cultural Window

Exit mobile version