Đại Kỷ Nguyên

Không nhận mẹ đẻ 10 năm xa cách vì hiểu lầm rồi hối hận trong đau đớn

Tình mẹ bất diệt! Trên đời này có gì sánh được cao cả hơn tình mẹ. Người mẹ sinh ra ta, cho ta sự sống trên cõi đời này, ấy mà chỉ vì một lý do chưa phân minh mà lỡ chối từ để rồi hối hận trong nước mắt.

“Chi chi giành giành… cái đanh thổi lửa”. Hai bà cháu cứ ngồi say sưa cái trò chơi dân gian vui vẻ với nhau như thế ngay cổng nhà. Bất chợt chiếc xe con từ đâu xuất hiện, một người đàn ông và một phụ nữ bước ra khỏi xe và lao thẳng về phía hai bà cháu:

– Bà này, bà định làm gì con trai tôi thế, bà định bắt cóc con trai tôi à?

Người đàn ông trẻ quát lên. Sau đó bà già với chiếc nón cũ che mặt xua tay:

-Không, không phải như thế.

Đứa trẻ đang vui đùa nghe bố quát bỗng bênh một tiếng:

-Bố ơi. Bà ấy không làm gì con đau ạ, bà chỉ sờ vào cái vòng cổ của con thôi.

Trong không khí dường như căng thẳng của đôi vợ chồng đang lo lắng cho đứa con trai mình, thằng bé lưu luyến người đàn bà có tuổi tốt bụng. Bởi trước đó bà hay gõ cổng và cho đứa cháu rất nhiều thứ quà và cho cháu chơi rất nhiều trò con trẻ.

Dù chỉ là một người đàn bà lạ lẫm nhưng với biết bao hành động và cử chỉ thân thiện hình như thằng bé đã trở thành bà nội thực của đứa bé. Nói rồi đôi vợ chồng dắt đứa con vào nhà và đuổi người đàn bà đó đi mặc cho bà có với lại gọi một tiếng : “Tuấn ơi! Đúng là con thật rồi!”.

Giật mình khi nghe thấy tiếng gọi, cậu quay lại rồi bảo rằng cậu không phải tên Tuấn, cậu không phải con của bà và bảo bà đừng đến làm phiền con trai anh ta nữa.

Ảnh minh họa

Cánh cổng khép tròn lại chỉ có văng vẳng âm thanh của tiếng sắt, còn người đàn bà vẫn đứng đấy trong nước mắt rơi đầy.

Trước khi đến đây, bà đã phải nhọc công đi tìm khắp các nơi, lần mò dấu vết của đứa con trai mất tích bao năm nay. Chiếc vòng cổ mà thằng bé kia đeo đúng là chiếc vòng có mặt chiếc nhẫn bạc mà bà đã từng đeo cho cậu con trai mình xưa kia.

Cho nên cái thằng bé kia sao mà giống con trai bà hồi còn bé y đúc và giữa bà với thằng bé dù mới có nói chuyện đôi lần nhưng dường như tình bà cháu- cái thứ lưu luyến của tình thân ruột thịt đã ngấm xuôi dòng máu đào.

Cái thứ lưu luyến của tình thân ruột thịt đã ngấm xuôi dòng máu đào. 

Bà vẫn đứng yên nơi ấy, sau một trận ho dài rồi bà bước chân đi…

Sau ngày ấy, không thấy người đàn bà quay lại, chỉ thấy dàn hoa giấy nơi cổng nở rồi tàn và thi thoảng thằng bé lại ra ngóng trông người phụ nữ mà nó đã gọi là “bà”.

Bỗng rồi một hôm, khi thằng bé đang chơi bóng một mình trong sân, có một âm thanh gọi “Bin ơi, Bin ơi” làm thằng bé bất giác. Thì ra chính người đàn bà mà thằng bé vẫn mong chờ ngóng trông nơi có chùm hoa giấy tím ngây ngất.. Thằng bé chạy ra cổng gọi “ bà ơi, bà ơi”…

Trong hương thơm của chùm giấy mỏng, ngăn cách bởi cánh cửa sắt dày, hai bà cháu nắm tay nhau lưu luyến ấm nồng.

Tối đến, màn đêm lại bao phủ bầu trời, gió thu se se lạnh, chỉ có ánh trăng là sáng tỏ, thằng bé ngồi bên mẹ đòi chơi “chi chi giành giành…”. Vậy là hai mẹ con lại hòa vào dòng trò chơi dân gian ấy, cậu bé như nhớ người đàn bà kia và kể những câu chuyện về bà ấy. Đúng lúc người cha đi làm về, thấy cậu bé vẫn còn chưa ngủ mà lại kể chuyện người phụ nữ kia, người cha bèn quát lớn:

– Đi ngủ đi!

Thằng bé không giấu nổi nỗi niềm:

– Con không ngủ, con muốn chơi trò chơi như chơi với bà. Bố mẹ cả ngày chẳng thèm quan tâm đến con gì cả, chỉ biết quát và mắng. Con thích chơi với bà cơ….

Nói rồi thằng bé ôm mặt khóc như mưa, ông bố lại càng tức giận.

Đêm khuya, ánh trăng càng sáng tỏ, hai vợ chồng cùng đứng ngoài lan can cửa sổ. Người chồng thở dài suy tư, người vợ nhẹ nhàng đặt bàn tay lên vai vỗ nhẹ:

– Hay mình đi tìm bà nội cho cu Bin đi anh.

Anh không nói gì nhưng lòng anh như bùi ngùi, tìm bà nội cho cháu Bin, tìm mẹ cho chính mình- người mẹ mà anh cho rằng đã nhẫn tâm bỏ rơi anh mà đi khiến anh phải phiêu bạt, chịu biết bao tủi nhục. Để rồi tự dưng giờ đây khi anh có nhà cửa, có xe hơi, có một gia đình hoàn mỹ…thì bà lại xuất hiện. Phải chăng là mục đích gì đây?

Câu hỏi ấy day dứt trong anh làm anh không thể tin vào người phụ nữ đó mặc dù đương nhiên anh cũng muốn có mẹ chứ, muốn con mình có bà để gọi, để chơi lắm chứ.

Và rồi anh tự cho mình một sự lựa chọn của chính bản thân – tìm mẹ!

Nhưng đâu có gì là dễ dàng. Anh cũng đi xe tìm bà nhưng có  người  nói rằng bà đã trả lại căn nhà thuê và về quê rồi. Lần này, anh còn bị bàng hoàng hơn nữa khi nghe người ta kể câu chuyện tìm người con trai của bà cách đây 10 năm trời.

Thì ra bà đã đi tìm anh chừng ấy năm trời, bao nhiêu năm xa con, thất lạc con là từng ấy năm đi tìm và hy vọng, có cả những khi mừng hụt vui thầm rồi lại bồi hồi chìm trong thất vọng.

Còn lần này bà đã tìm được con, đứa trẻ mà 10 năm trước đây đã vô tình lỡ vận phải cách xa bà nhưng lại giờ đây không nhận bà là mẹ…

Bà buồn, buồn lắm nhưng dù sao ông trời cũng thương bà và cho bà nhìn mặt đứa con trai duy nhất , hơn nữa lại còn được âu yếm cả đứa cháu nội trong tay quý giá bởi đó là điều mà bà chưa hề nghĩ đến.

Hóa ra ngày ấy bà đã đi tìm con trai mình nhưng không thấy, hoàn toàn không phải bà bỏ rơi anh – không phải như anh vẫn cho là như vậy. Anh đã hiểu nhầm mẹ mình…

Cô chủ nhà trọ đã kể cho anh nghe những chuyện như thế.

Ký ức về người mẹ năm nao bỗng nhiên ồ ạt tràn về cùng niềm thương nỗi nhớ. Một chữ “mẹ” yêu thương như muốn ôm trọn lòng.

Thế rồi cả gia đình cu Bin về quê tìm bà nội, tìm về với miền quê tưởng chừng như xa thẳm ngút ngàn, nơi chôn rau cắt rốn thủa nào. Cứ thế bao nhiêu hoài niệm cùng người mẹ tràn về, khiến đứa con thấy nhớ mẹ da diết.

Anh con trai bà vừa hân hoan vui sướng vừa đắm chìm trong suy tư nỗi nhớ.

Nhưng tất cả đã muộn màng, chân anh sụp xuống trước bức ảnh thờ người mẹ, trong màu khăn trắng dải đầy nơi căn nhà nhỏ. Mẹ anh đã mất vì bị bệnh, lại còn quá nhớ thương và đau buồn khi chính con đẻ lại không nhận mình là mẹ.

Ảnh minh họa

Đến lượt anh vỡ òa trong tiếng đau xé lòng, anh lấy tay đập mạnh trước quả tim mình và thốt lên đầy chua xót : “Mẹ ơi, con xin lỗi!”

Cuộc đời con người cũng giống như một bức tranh đầy màu sắc, có vui có buồn, có yêu thương có tủi hờn, có hạnh phúc có cả những đau đớn tận cùng. Điều quan trọng là chúng ta khi cầm cây bút để vẽ nên nó chúng ta có suy nghĩ và hành động ra sao.

Đứa con trong câu chuyện này chỉ vì một sự hiểu lầm chưa rõ ngọn ngành mà gieo hận trong người suốt bao nhiêu năm, để tự mình đánh mất đi tình yêu thương đối với người mẹ thực sự của mình. Và rồi khi ngận ra lỗi lầm ấy, bức tranh đã khép lại, hối hận cũng đã muộn.

Bao nhiêu giọt nước mắt cùng nỗi đau xé tâm can anh liệu có khiến anh được gặp lại mẹ. Nếu như cái ngày ấy, anh tìm hiểu kỹ hơn đầu đuôi câu chuyện hay sẵn sàng tha thứ thì có lẽ giờ đây anh đã không phải như bây giờ!

Nguyệt Hà

Xem thêm:

Exit mobile version