Đại Kỷ Nguyên

Mẹ cháu mất, cha bệnh nặng, dì út 18 tuổi mồ côi lại nuôi thêm 3 đứa cháu… mồ côi

Nhìn cô bé xinh tươi, dễ thương như Hạnh, chẳng ai nghĩ rằng, em lại là bà mẹ trẻ của… 3 đứa cháu và là trụ cột của gia đình 5 người.

Cách đây 7 năm, chị gái của Hạnh mắc bệnh qua đời khi hai đứa con đang còn nhỏ, mẹ Hạnh đã đón các cháu về nuôi. Chẳng bao lâu sau, một người chị gái khác lại ly dị chồng rồi bỏ đi nơi khác làm ăn. Thương cháu, Hạnh lại xin mẹ đưa con chị về ở cùng.

Khó khăn thêm chồng chất khi Hạnh vào cấp 2 thì mẹ qua đời, vậy là em vào vai ‘người mẹ’ của 3 đứa cháu. Những tháng ngày đó, thật vô cùng khó khăn khi đêm về, các cháu nhớ mẹ không chịu ngủ mà quấy khóc. Có hôm chúng nó thi nhau khóc thét cả đêm làm 4 dì cháu ôm nhau khóc rồi mệt quá cùng nhau chìm vào giấc ngủ.

Ba Hạnh bị viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, không thể làm việc nặng. Với một con bò được chính quyền xã hỗ trợ, phụ thêm được vài đồng thuốc men cho ông. Lúc trái gió trở trời, nhìn người cha già thở hổn hển vớ vội ống thuốc trị hen hít lấy hít để vài hơi rồi mới thở đều trở lại, Hạnh lại toan nghỉ học, đi làm kiếm tiền để phụ giúp gia đình.

Hạnh xin phụ quán café kiếm tiền đi học và nuôi hai cháu nhỏ

Hàng ngày, Hạnh đi làm phục vụ ở quán cà phê tới tối mịt mới về. Vừa về tới nhà phải lo đốn thân chuối, cắt cho bò ăn rồi mới lật đật nhóm lửa thổi cơm. Gần 8h tối, bữa cơm cuối ngày được dọn ra với độc một món canh rau má nấu đậu phụ. Lo mọi người ăn mãi một món sinh chán, Hạnh cầm theo cái đĩa không, vớt những lát đậu phụ còn nguyên từ tô canh ra làm món đậu phụ chấm mắm tương ăn cho đỡ ngán.

Những tháng ngày vất vả đỡ hơn, khi mấy đứa cháu đã qua giai đoạn chăm dặm ẵm bồng. Cháu lớn nhất năm nay học lớp 10, cháu xin dì Út đi bộ đội để dì đỡ vất vả, cháu bé nhất năm nay vào lớp 6 rồi. Thật may, khi các cháu càng lớn càng ngoan nên Hạnh cũng phần nào được an ủi.

Tuy nhiên, khó khăn này vừa qua thì nỗi lo khác lại tìm đến. Từ khi nhận được giấy báo đỗ Khoa Báo chí trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Hạnh chỉ biết ôm mặt khóc, em buồn vì nghĩ rằng mình sẽ chẳng đủ khả năng tự lo cho bản thân đi học nữa. Ba Hạnh biết tin con đỗ đại học, vừa mừng vừa tủi, ba cũng mong muốn Hạnh được đi học nhưng biết sức mình chẳng thể giúp con, giờ đây gánh nặng của cả gia đình đều đổ trên vai của cô con gái nhỏ.

Một tay Hạnh quán xuyến mọi việc trong nhà

Sau nhiều đêm thức trắng, Hạnh nghĩ lại quãng thời gian 12 năm học của mình; đó là những tháng ngày chứa đựng bao mồ hôi và nước mắt. Hạnh nhớ về những năm học cấp 3, khi thầy cô biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình đã dạy em miễn phí những môn xã hội, năm lớp 12 Hạnh còn đạt giải Nhất môn Sử kỳ thi học sinh giỏi thành phố Đà Nẵng.

Hạnh nhớ lại quãng thời gian cùng gia đình vượt qua bao gian lao và thử thách, đói khổ thế nào thì bây giờ mấy đứa cháu cũng đã lớn. Chỉ nghĩ đến chừng đó thôi, Hạnh đã có thêm động lực mới. Hạnh biết rằng mình không thể vì lần khó khăn này lớn hơn một chút mà chịu bỏ cuộc. Nếu còn cố gắng được thì Hạnh vẫn tiếp tục; vậy là, Hạnh quyết tâm mình nhất định phải đi học đại học.

Cô học trò nghèo một mình đạp xe hàng chục cây số đến các quán gần trường Đại học để tìm phòng trọ giá rẻ, kiếm việc làm thêm trước ngày nhập học. Hạnh lên kế hoạch ngay khi vào năm học, em sẽ đi làm thêm một buổi, buổi còn lại đi học. Em cũng hỏi thăm để nhận thêm thú bông từ chỗ người quen giới thiệu, về làm thêm ban khuya. Chi tiêu thật tiết kiệm chắc cũng còn để gửi về nhà phụ ba nuôi các cháu ăn học.

Bữa cơm buồn trong nhà trước tin Hạnh đậu đại học

“Tương lai của mình là do mình quyết định. Cái khổ nào rồi cũng sẽ qua nếu mình cố gắng hết sức”, Hạnh nói. Em luôn tin sự kiên nhẫn đôi khi đắng chát nhưng kết quả sẽ là trái ngọt.

Nhiều người khi đối mặt với khó khăn cố gắng ôm giữ tâm lý chạy trốn, nhưng thực tế là không ai có thể thoát khỏi những khó khăn. Lựa chọn dũng cảm đối mặt với khó khăn mới thật sự là có trách nhiệm đối với cuộc đời của bản thân mình. Cuộc đời của mình sẽ đi về nơi nào, nên do bản thân mình quyết định. Khi chúng ta rơi vào thời điểm khó khăn, thường sẽ ôm giữ cảm giác bi quan và chán nản đối với tương lai. Nhưng nếu chúng ta có thể thay đổi một chút tâm thái đối ứng, xem khó khăn là ánh bình mình trước khi đến cửa hy vọng, chúng ta sẽ thấy mọi chuyện trên đời chẳng có gì là quá to tát, không thể vượt qua…

Nguồn ảnh: Đoàn Nhạn

Gia Viên – Hồng Tâm

Xem thêm:

Exit mobile version