Đại Kỷ Nguyên

Lý do đặc biệt khiến 450 vạn người quyên góp để vực dậy một công ty đang bên bờ phá sản

Thất bại trong kinh doanh dẫn đến công ty phải đóng cửa, đây là một hiện tượng bình thường trong xã hội. Nhưng điểm nổi bật ở đây chính là khi một công ty ở New Zealand đứng trên bờ vực phá sản, 450 vạn người ở đất nước này đã đứng lên. Mỗi người một hai đồng để cứu sống và vực dậy nhà máy.

Sự báo ơn của 450 vạn người

Điều gì đã khiến cho những người dân ở New Zealand quan tâm đến công ty này như vậy? Là do sô-cô-la của công ty này quá ngon khiến cho họ không nỡ để cho công ty này dừng hoạt động? Hay là do một nguyên nhân đặc thù nào đó trong lịch sử mà người dân không bỏ được công ty này? Tất cả đều không phải, mà lý do thật ra rất đơn giản, chỉ vì một mục đích duy nhất: Muốn báo ân.

Mọi chuyện là như thế này:

Trong số nhiều kỷ lục Guinness thế giới, có một con đường vô cùng đặc biệt. Chiều dài của toàn bộ con đường chỉ có 350m, nhưng góc nghiêng đã lên đến 40 độ, khiến cho con người không thể đứng vững và toàn bộ nhà cửa trên đường đều bị nghiêng.

Sở hữu một con đường thú vị như vậy đối với trẻ con mà nói cũng giống như một món quà mà ông trời ban tặng. Kỳ nghỉ của học sinh chính là khoảng thời gian mà con đường này đông vui nhất. Vô số trẻ em đều tập trung ở đây, cưỡi trên những chiếc xe Go-Kart nho nhỏ và trải nghiệm sự kích thích thú vị của nó.

Hình ảnh này đã được nhà máy sô-cô-la Cadbury chú ý đến. Cadbury thời điểm đó là công ty có tiếng tăm, đã kinh doanh hơn mười mấy năm, luôn thuận bồm xuôi gió, kiếm được không ít tiền. Những nhân viên của nhà máy đề nghị nên dời đến một chỗ tốt hơn để phát triển. Nhưng người phụ trách nhà máy từ chối đề nghị này, bởi vì sự phát triển của nhà máy luôn gắn liền với sự hỗ trợ của người dân trong thị trấn. Lúc mới bắt đầu, nhà máy vốn dĩ chỉ là một xưởng sô-cô-la tư nhân nho nhỏ. Nhưng người dân ở đây luôn dẫn theo con cái của mình đến mua, bọn trẻ cũng rất thích nơi này.

Nhìn bọn trẻ hạnh phúc khi ăn những thanh sô-cô-la do chính tay mình làm, người phụ trách đã vô cùng mãn nguyện và vui vẻ. Cũng vì vậy mà ông tìm được nguồn động lực to lớn, sau đó xưởng sô-cô-la làm ăn ngày càng tốt hơn, quy mô cũng ngày càng lớn hơn. Ngoài ra, nhà máy cũng gần các điểm tham quan nổi tiếng, do đó công ty Cadbury đã đến để thảo luận về việc mua lại. Kể từ đó, từ một xưởng Sô-cô-la nhỏ bé đã biến thành một nhà máy lớn, và Cadbury đã trở thành điểm tiêu biểu thứ hai trong khu vực này.

Cùng với sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp, người phụ trách nhà máy sô-cô-la năm nào nay cũng trở thành một ông chủ có tiếng tăm. Nhưng ông từ chối đề nghị chuyển đến một nơi có điều kiện tốt hơn mà ngược lại quyết định tiếp tục ở tại nơi đó giúp đỡ cho quê nhà của mình. Ông hiểu rõ hơn ai hết rằng bản thân có ngày hôm nay đều nhờ bọn trẻ thích sô-cô-la của ông. Và bọn trẻ thích con đường dốc đứng ấy, vậy tại sao không thể để hai thứ này kết hợp lại với nhau? Trong suy nghĩ của ông, ngoài việc tạo ra Sô-cô-la thật ngon để bọn trẻ thưởng thức, còn phải làm chuyện gì đó giúp chúng, đền đáp lại xã hội mới là điều đúng đắn.

Vì vậy trong năm 2002, công ty Cadbury đã tổ chức một trò chơi trên con đường dốc ấy với tên gọi “Dunedin Cadbury Chocolate Carnival for Kids” (Lễ hội sô-cô-la Dunedin Cadbury dành cho trẻ em)

Quy tắc trò chơi vô cùng đơn giản, mỗi năm vào ngày 7/1, nhà máy Cadbury sẽ chuẩn bị trên vạn thỏi Sô-cô-la, sau đó đánh số trên đó, rồi bán cho thí sinh với giá 1 đồng đô la NZ.

Cuối cùng, số Sô-cô-la này được phân thành ba nhóm, 15 người tham gia đầu tiên chạy đến đích trước của mỗi nhóm sẽ nhận được quà thưởng. Và tất cả số tiền thu được từ việc bán Sô-cô-la sẽ được quyên tặng cho tổ chức từ thiện để điều trị cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, giúp trẻ em vô gia cư…

Tuy nhiên, lực hấp dẫn của trò chơi này đã vượt qua sức tưởng tượng của ông chủ nhà máy. Không chỉ người địa phương, mà ngay cả người dân của New Zealand, thậm chí là các nơi trên thế giới đều đến tham gia.

Năm đầu tiên “Dunedin Cadbury Chocolate Carnival for Kids” được tổ chức đã có hơn ngàn người tham gia. Về sau ngày càng nhiều người đến tham gia, cho tới năm ngoái số lượng thí sinh đã lên đến hơn 15.000 người. Số lượng Sô-cô-la cũng vượt qua 75.000 thỏi giống như một thác nước bay từ trên con đường này xuống. Điều đáng quý ở đây là những người tham gia đều là trẻ con, hơn nữa người phụ trách còn mời những đứa trẻ bệnh tật cùng đến tham gia.

Vị ngọt của Sô-cô-la đã giúp chúng tạm thời quên đi nỗi thống khổ của bệnh tật, khiến cho nụ cười trở lại trên môi. Cứ như vậy “Dunedin Cadbury Chocolate Carnival for Kids” đã được tổ chức suốt 15 năm. Một nhà máy Sô-cô-la nho nhỏ thế nhưng lại có thể tổ chức một cuộc thi đấu với quy mô lớn suốt 15 năm, huy động được hơn 1 triệu đô la NZ quyên góp cho trẻ em. 

Tuy nhiên, ngay khi cuộc thi “Dunedin Cadbury Chocolate Carnival for Kids” năm nay sắp bắt đầu, tin xấu đột nhiên xuất hiện. Nhà máy Cadbury bởi vì vấn đề tài chính mà đã tuyên bố phá sản, ngay lập tức phải đóng cửa. Tin tức này truyền ra đã khiến toàn bộ thị trấn chấn động, một công ty lớn như vậy sao có thể nói hết tiền là hết? Chắc chắn đã gặp phải vấn đề khó khăn nào đó.

Mọi người lập tức đi tìm người phụ trách mong muốn biết được sự thật đằng sau. Hóa ra, nguyên ngân dẫn đến nhà máy phá sản là do cuộc thi “Dunedin Cadbury Chocolate Carnival for Kids”.

Lúc đầu khi tổ chức cuộc thi “Dunedin Cadbury Chocolate Carnival for Kids”, công ty còn có khả năng chi trả, bởi vì lúc đó vật giá thấp nên nguồn vốn làm Sô-cô-la cũng không quá lớn. Nhưng những năm gần đây, nhiều công ty mới mọc lên, thị trường New Zealand bị ảnh hưởng bởi thị trường toàn cầu. Cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhà máy Sô-cô-la Cadbury đã không theo kịp thời đại. Lợi nhuận của họ đã giảm sút hơn nhiều so với nhiều năm trước, cho đến gần đây, nhà máy đã bắt đầu xuất hiện tình hình lỗ vốn. Đồng thời, chi phí cho cuộc thi “Dunedin Cadbury Chocolate Carnival for Kids” ngày càng cao. Mỗi một lần tổ chức là một sự thâm hụt lớn về tài chính.

Mặc dù nhà máy đã thực hiện một số thay đổi nhưng vẫn không có cách nào để đảo ngược tình trạng này. Vào thời điểm ấy, nhiều người đã đề nghị người phụ trách nhà máy không nên tổ chức cuộc thi “Dunedin Cadbury Chocolate Carnival for Kids”, hoặc giả thông qua cuộc thi này mà có thể kiếm tiền từ việc tăng giá! Tuy nhiên, tất cả những đề xuất này đã bị ông từ chối!

Ông nói với các nhân viên, cho dù khó khăn như thế nào, chúng ta cũng phải cố gắng kiên trì phần lương thiện này. Vì vậy thông qua thảo luận, cuối cùng nhà máy đưa ra quyết định cho dù có đối mặt với vấn đề phá sản họ cũng sẽ kiên trì tiếp tục tổ chức cuộc thi vì nụ cười của bọn trẻ, vì trẻ em bị ung thư và lang thang cần được giúp đỡ, và vì cả tương lai của chúng.

Tuy nhiên, thị trường vô cùng tàn khốc, vào đầu tháng 6 năm nay, nguồn vốn của nhà máy đã kiệt quệ, và tuyên bố phá sản. Người phụ trách nhà máy chỉ có thể thông báo bắt đầu từ lần thứ 15 của cuộc thi “Dunedin Cadbury Chocolate Carnival for Kids”, ông phải vĩnh viễn tạm biệt với mọi người rồi.

Câu chuyện đến đây vẫn chưa phải là kết thúc

Khi người dân trong thị trấn biết được sự thật, việc đầu tiên họ làm chính là tổ chức một cuộc quyên góp, mong rằng có thể tích lũy được một số tiền, giúp công ty Cadbury tiếp tục hoạt động bình thường và vượt qua được khó khăn trước mắt.

Tuy nhiên, điều mà mọi người không nghĩ đến chính là hoạt động này vừa tổ chức 24 tiếng đồng hồ, đã có hàng trăm ngàn người ủng hộ. Mặc dù số tiền quyên góp không nhiều, một đồng, hai đồng, nhiều nhất là năm đồng, nhưng nhờ vào số lượng người mà đã đạt đến con số 1,5 triệu đô la NZ. Và những điều tuyệt vời hơn nữa vẫn còn ở phía sau. Không đến hai ngày, số tiền thu được đã lên đến 3 triệu đô la NZ (Khoảng 50 tỷ VND).

Điều đáng nói ở đây chính là dân số của New Zealand chỉ khoảng 450 vạn người. Có nghĩa là mỗi một người sẽ tương ứng với một đồng đô la NZ. Người dân New Zealand thực sự phát động lực lượng của cả một quốc gia chỉ để giữ lại một công ty Sô-cô-la. Hiện tại việc quyên tiền vẫn đang được tiếp tục và con số ngày càng tăng cao, tình huống này đã khiến cho người phụ trách nhà máy ngỡ ngàng. Khi Jim O’Malley, thành viên của Quốc hội Dunedin báo cho ông biết chuyện này, ông đã bật khóc và không biết nói gì ngoài lời cảm ơn liên tục và chân thành.

Trong một cuộc phỏng vấn, vài người dân cho biết rằng, họ không hiểu thế nào là thị trường, và sự cạnh tranh đằng sau nhà máy Sô-cô-la. Nhưng họ biết được rằng nhà máy này đã luôn giúp đỡ cho trẻ em ở New Zealand và tương lai của chúng. “Tri ân cần phải báo đáp” là một việc hết sức bình thường.

Trước mắt, không chỉ những người dân của New Zealand ủng hộ tổ chức này, mà mọi người trên khắp thế giới đã từng đi qua thị trấn này, tham gia qua cuộc thi “Dunedin Cadbury Chocolate Carnival for Kids” đều tham gia quyên góp mà không hề do dự. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của mọi người, nhà máy Cadbury cũng cho biết, vì trẻ em ở New Zealand, vì sự mong đợi của người dân New Zealand, còn vì tất cả những người đã giúp họ, họ chắc chắn sẽ nỗ lực để đưa nhà máy trở lại hoạt động. Đồng thời, họ cũng công bố một tin vui khác. Tháng tới, cuộc thi “Dunedin Cadbury Chocolate Carnival for Kids” sẽ được tổ chức theo kế hoạch.

(Ảnh: iStock)

Tôi luôn nghĩ rằng, “thiện” là một thứ mềm mại nhất của bản chất con người. Đồng thời cũng là một thứ mạnh mẽ nhất. Nhà máy Cadbury suốt 15 năm hoạt động từ thiện, cuối cùng hôm nay đã nhận lại được sự hồi báo của cả nước. Sự lương thiện đã từng cho đi, có lẽ sẽ không lập tức nhận lại được hồi báo, nhưng mà chúng ta sẽ nhận được ở một không gian khác, một khoảng thời gian nào đó trong tương lai. Một người có ý nghĩ lương thiện nhất định sẽ được ông trời ban phúc.

Ảnh: kknews.cc

Thiên Thủy

Exit mobile version