Đại Kỷ Nguyên

Lương y dành cả tuổi già để chữa bệnh miễn phí: Y đức là cái đạo của người bác sỹ

Suốt 15 năm qua, vị bác sỹ già nay đã gần 85 tuổi vẫn ngày ngày bắt xe ôm đến phòng khám tư của mình để chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho những bệnh nhân cần đến bà…

Vì cái tình với nghề và cũng vì mong ước được giúp đỡ những người khó khăn, ngay sau khi nghỉ hưu, bác sỹ Trương Thị Hội Tố quyết định mở một phòng khám miễn phí cho những người già cao tuổi trong phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội). Phòng khám được đặt tại nơi từng là UBND phường Giáp Bát, đây cũng là điểm thứ 7 mà bà Hội Tố đặt làm phòng khám cho các bệnh nhân của mình.

Suốt bao nhiêu năm qua, ngày nào cũng như ngày nào, cứ đến sáng thứ 2 đầu tuần, bà Tố bắt xe ôm đến phòng khám, nơi có rất nhiều người đang đợi được gặp bà.

Nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng, thứ Hai là ngày mà họ luôn mong đợi. Phòng khám của bà Tố khiến họ cảm thấy thân quen và gần gũi, vì chẳng đi đến đâu mà họ lại có cơ hội được gặp những bác sỹ và y tá ngồi hàn huyên và hỏi han bệnh nhân từng chút một, sau đó khám bệnh và phát thuốc miễn phí như nơi này.

Thứ hai mỗi tuần, trong căn phòng nhỏ, những tiếng cười nói vui vẻ của tuổi già, những tiếng gọi tên bà Tố tràn ngập khắp xung quanh, ai đến đây cũng cảm thấy thoải mái và hạnh phúc khi có một niềm vui an ủi thật rất riêng.

Bà Tố vui vẻ chia sẻ về những hoạt động của hội khám bệnh miễn phí từ những ngày đầu: “Ban đầu, tôi cùng 6 bác sĩ, y tá nữa cũng về hưu cùng thành lập phòng khám. 7 người giờ đã vơi bớt, vì có người đã qua đời, có người già yếu quá chẳng làm việc được nữa. Nhưng còn ai, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì phòng khám này”.

Mỗi lần có mặt ở phòng khám, bà Tố cùng hai bác sỹ nữa phối hợp với nhau như một ekip làm việc chuyên nghiệp. Phụ trách chính của phòng khám từ thiện là BS Trương Thị Hội Tố và BS Nguyễn Duy Đức. Hai trợ tá đắc lực là y tá Lê Thị Sóc và y tá Đỗ Thị Sáu làm nhiệm vụ phân loại thuốc, cấp phát thuốc cho bệnh nhân.

Gần 15 năm đã trôi qua như vậy, bà Tố hạnh phúc chia sẻ: “Cũng vui vì mình tuy già nhưng vẫn có ích cho xã hội. Tôi chỉ tâm niệm một điều, làm nghề thuốc là phải vì bệnh nhân vì lương tâm chứ không phải vì tiền bạc. Vì tiền bạc thì không thể làm nghề thuốc được“.

Để duy trì nguồn thuốc tại phòng khám, các bác sỹ đã trực tiếp đi xin từ nhiều tổ chức xã hội, nhà hảo tâm và các mạnh thường quân. Cũng có khi bà Tố tự bỏ lương hưu để duy trì tủ thuốc. Mỗi loại thuốc được chuyển về, bà Tố và các bạn của mình đều tự tay phân loại, ghi chú, sàng lọc cẩn thận.

Bên cạnh đó, cũng cần nhiều vật tư khác như kim tiêm, que thử tiểu đường, máy móc… Tất cả đều là các bác sỹ tự đóng góp, kêu gọi con cháu trong gia đình ủng hộ. Được đến đâu hay đến đó, vì số bệnh nhân ngày càng tăng nên thuốc và các vật dụng của phòng khám không phải lúc nào cũng đầy đủ.

Từng ấy năm đã qua, bà Tố và những vị bác sỹ còn lại của phòng khám vẫn âm thầm lặng lẽ chia sẻ với nhau những khó khăn thiếu thốn của phòng bệnh. Vẫn miệt mài cố gắng hết sức mình để có thể làm điều gì đó giúp đỡ cộng đồng.

Những vị bác sỹ tóc bạc trắng nơi đây không nói nhiều về việc mình đã làm, họ trở thành điểm tựa tinh thần cho nhau, cho bệnh nhân và gia đình của họ mỗi khi đến phòng khám miễn phí này.

Những cái bắt tay, những lời dặn dò ân cần chỉ dẫn, tất cả đã khiến hình ảnh bà Tố trở nên thân quen và không thể thiếu trong mắt các bệnh nhân. Cả tổ khám chữa bệnh miễn phí của bà Tố cũng luôn được bà con trong phường yêu mến, ủng hộ.

Mọi người quen biết đến nỗi thấu hiểu được cả những khó khăn của bà Tố, cũng đã giúp bà rất tận tình, như việc mua thuốc, ủng hộ tiền… Thậm chí trước đó có người còn cho bà nhà để làm phòng khám, hồi phòng khám chưa có địa chỉ cố định như bây giờ.

Hơn một thập kỷ đã qua, bà Tố cùng tổ công tác âm thầm làm việc thiện giúp người. Mang trong tâm nguyện ước vì người khác, vị bác sỹ già nói rằng bà vẫn muốn tiếp tục làm việc này cho tới khi vẫn còn có thể, bà nói: “Cuộc đời có bao lâu đâu. Còn làm việc tốt được ngày nào thì cứ làm thôi, cháu ạ”.

Giữa mùa đông Hà Nội, hình ảnh bà Tố cùng nhóm tình nguyện khám bệnh miễn phí khiến ai ai cũng cảm nhận được sự ấm áp của tình người, của sự sẻ chia yêu thương, sự gắn bó lương thiện. Lòng tốt như ánh mặt trời xua đi những đêm đông lạnh giá. Hạnh phúc của mỗi người đôi khi đơn giản chính là sự cho đi và sống vì người khác. Nếu mỗi ngày chúng ta đều muốn cho đi hơn là đón nhận, hẳn cuộc sống sẽ có rất nhiều điều ý nghĩa được lan tỏa khắp nơi.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà đã sống hết mình với những gì mình mong nguyện, một sự nghiệp cứu người và một tuổi già vì người khác. Và cũng đúng như những gì mà người ta yêu mến gọi tên những con người như bà, lương y như từ mẫu. Vậy mới nói, y đức là cái đạo của người bác sỹ, và vì người khác là cái đạo của việc làm người.

Nguồn ảnh: Afamily

Gia Viên – Hồng Tâm

Exit mobile version