Một năm đã qua đi sau ngày vị minh quân trong lòng mỗi người dân Thái Lan ra đi. Một năm đó cũng là khoảng thời gian để người Thái làm quen với việc mất đi điểm tựa tinh thần của mình, đồng thời cũng là khoảng thời gian họ dành để chuẩn bị cho lời tiễn biệt sau cuối dành cho cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej vào ngày 26 tháng 10 vừa qua.
Một năm để chấp nhận nỗi đau và chuẩn bị cho lời tiễn biệt
Ngày 13/10/ 2016, thông tin Quốc vương Bhumibol Adulyadej qua đời đã khiến trái tim của bao người dân Thái thổn thức. Vị vua bấy lâu nay đã trở thành điểm tựa lớn của dân tộc đã bước sang một hành trình khác.
Thời điểm này, một năm về trước, trên đường phố Thái Lan, người dân vẫn kính cẩn mặc những bộ trang phục chỉ với hai gam màu đen và trắng khi ra khỏi nhà (hai màu sắc tượng trưng cho sự tiễn biệt), những chương trình ti vi cũng được phát đi với hai gam màu đó, phố xá Thái Lan buổi tối cũng bình lặng hơn bởi không ai còn thiết vui chơi hay ca múa, bởi … Quốc vương tôn kính của họ vừa qua đời.
Trong lòng những người dân Thái Lan, Quốc vương Bhumibol Adulyadej là một vị minh quân, thậm chí, với những người dân Thái có tấm lòng hướng Phật, họ còn tôn kính Quốc Vương của mình như “một vị thánh sống”. Không như nhiều nhân vật hoàng gia khác trong thế giới hiện đại, những người chỉ giữ trọng trách làm biểu tượng cho văn hóa truyền thống của quốc gia, Quốc vương Bhumibol đã dùng vị thế của mình để mang đến cho Thái Lan sự thái bình, thống nhất và một sự phát triển vượt bậc trong kinh tế.
Sinh ra và được nhận sự giáo dưỡng trong nền văn minh phương Tây, từ khi chính thức trở thành Quốc vương của Thái Lan vào năm 1950 cho tới khi qua đời, Quốc vương Bhumibol đã nhiều lần lập công lớn khi đưa ra những giải pháp phi bạo lực cho một số cuộc khủng hoảng chính trị của quốc gia. Đồng thời, Ông cũng khuyến khích và giám sát nhiều dự án như nhà máy sữa thanh trùng, đập tưới ruộng lúa, nhà máy tái chế thân cây mía và lục bình thành nhiên liệu, và rất nhiều dự án hoàng gia khác về phát triển nông nghiệp.
Trong suốt 70 năm trị vị của ông, đất nước Thái Lan đã có một sự chuyển mình mạnh mẽ từ một đất nước thuần nông nghiệp, trở thành đất nước với nền công nghiệp và thương mại phát triển mạnh mẽ. Ông được Liên Hợp Quốc trao tặng giải thưởng Thành tựu suốt đời về phát triển con người đầu tiên của tổ chức này. Nhưng điều lớn lao hơn mà Ông nhận được vẫn là sự tôn kính và yêu thương mà người dân xứ Chùa Vàng trao tặng, khi mỗi người dần đều kính cẩn gọi ông là “Cha”.
Người dân Thái Lan đã dành một năm, kể từ ngày 13 tháng 10 ấy, để chuẩn bị cho tang lễ của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Họ muốn dành cho Ông một lời tiễn biệt xứng đáng với những gì Ông đã mang đến cho người dân và đất nước của mình.
Trong thời gian này, di hài của Quốc vương Bhumibol được quàn tại “Cung điện lớn”. Các nghi thức trong Phật giáo vẫn thường xuyên diễn ra trong khu vực này và được tường thuật trực tiếp. Người dân từ các nơi vẫn lần lượt tới để dành sự tôn kính cho nhà vua trong suốt một năm qua.
Điểm đáng chú ý nhất của công việc chuẩn bị tang lễ cho Quốc vương Bhumibol Adulyadej chính là việc xây dựng Đài hóa thân hoàng gia trên quảng trường Sanam Luang, ngay sát Hoàng cung. Đây sẽ là nơi diễn ra tang lễ chính thức và lễ hỏa thiêu di thể của Quốc vương, cũng sẽ là nơi mà mọi trái tim Thái Lan hướng về trong năm ngày từ 25 tháng 10 đến 29 tháng 10.
Đài hóa thân hoàng gia được coi là công trình điêu khắc kì công nhất mà người Thái Lan được chiêm ngưỡng tại đất nước của họ. Công việc xây dựng đài hỏa thiêu dành cho một vị vua là một phần trong nghi lễ truyền thống đã có hàng trăm năm tuổi ở Thái Lan.
Đài hỏa thiêu hoàng gia là một công trình lớn, gồm 9 tòa tháp, tất cả đều được mạ vàng. Tòa tháp ở giữa có chiều cao 50 m chính là giàn hỏa thiêu. Công trình này được xây dựng theo lối kiến trúc tôn giáo đặc trưng của Thái Lan và mang trong mình một ý nghĩa biểu tượng vô cùng linh thiêng. Tòa tháp chính giữa sẽ đại diện cho đỉnh Meru, một ngọn núi linh thiêng nhất nằm ở trung tâm vũ trụ theo niềm tin của những người dân Thái Lan, đây cũng là nơi mà người dân tin rằng linh hồn của Cố Vương Bhumibol sẽ trở về.
Dưới chân các ngọn tháp, người Thái xây dựng các tiểu cảnh đại diện cho 4 lục địa và 7 đại dương cùng với 500 bức tượng tinh xảo được tạc, lấy cảm hứng từ những nhân vật thần thoại trong tôn giáo (Phật giáo và Hindu giáo). Thái Lan đã dành không dưới 30 triệu đô la để xây dựng món quà cuối cùng này.
Để hoàn thành đài hóa thân hoàng gia, những người thợ thủ công tài năng nhất của đất nước đã tụ hội về Hoàng cung, làm việc không ngừng nghỉ để cùng nhau chế tác nên công trình tinh xảo và kỳ vĩ dành tặng cho Cố Vương.
Bên cạnh đó những công tác khác để chuyển bị cho lễ tang vẫn được tiến hành song song. Trong 5 ngày lễ, Thái Lan vẫn sẽ tràn ngập trong những sắc màu rực rỡ của hoa và trang phục truyền thống, những giai điệu, những điệu múa cổ truyền cũng sẽ được biểu diễn.
Nghi lễ thiêng liêng tiễn Cố Vương về tới Thiên Đường
Tang lễ hoàng gia chính thức bắt đầu từ ngày 25 tháng 10. Người dân Thái Lan từ trước đó đã tới Bangkok để dự lễ viếng rất đông bất chấp mưa gió.
Đến hôm qua, 26 tháng 10, vua Vajiralongkorn, con trai duy nhất của Cố Vương Bhumibol đã có mặt từ rất sớm để chủ trì tang lễ. Thi thể của nhà vua đã được di chuyển tới Đài hỏa táng dát vàng trong không khí vô cùng trang nghiêm và tôn kính. Đây là nghi lễ sẽ tiễn đưa linh hồn của Cố Vương lên đường trong bình an và thuận lợi.
Nghi thức tang lễ được tiến hành theo truyền thống của đạo Phật và đạo Hindu, với sự tham dự của các gia đình hoàng gia đến từ khắp nơi trên thế giới và trong sự tiếc thương của hơn 300.000 người dân Thái Lan đang có mặt quanh Hoàng cung.
Tối ngày 26 tháng 10, thi thể của nhà vua đã được hỏa thiêu. Phần tro cốt sẽ được đưa trở về Hoàng cung khi tang lễ kết thúc. Ngày 26 tháng 10 từ nay sẽ trở thành ngày quốc tang của Thái Lan, ngày mà những người dân sẽ tưởng nhớ đến vị Cố Vương đáng kính của họ.
Để tỏ lòng tôn kính đối với cố Quốc vương Bhumibol, những người tham dự tang lễ hoàng gia đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định về trang phục: Ăn vận nhã nhặn với trang phục đen, không quần jean, áo không tay và các trang phục bó sát, tóc cũng được giữ nguyên màu sắc tự nhiên.
Bất chấp trời mưa gió, họ vẫn cùng nhau yên lặng chờ đợi đoàn xe qua. Khi ấy, mặc cho thời gian một năm đã trôi qua, những giọt nước mắt tiếc thương của người Thái vẫn rơi, lặng lẽ hòa cùng những giọt mưa.
85 mô hình của Đài hỏa thiêu hoàng gia và 876 những đài tượng niệm nhỏ bằng gỗ đàn hương đã được dựng ở khắp nơi trên đất nước Thái Lan để những người không có điều kiện trở về Bangkok có thể tới viếng và bày tỏ tấm lòng lần cuối với vị quân vương của mình.
Sau tang lễ này, Thái Lan sẽ chính thức ra khỏi thời kì tang lễ. Nhưng hình ảnh của Quốc vương Bhumibol có lẽ sẽ còn ở lại rất lâu trong lòng của mỗi người dân. Hình ảnh ấy không chỉ để lại trong họ sự tiếc nuối, nhớ thương mà còn là một động lực mạnh mẽ để mỗi người tiếp tục sống tốt, tiếp tục những điều tốt đẹp mà Cố Vương đã làm.
Nguồn ảnh: Le Figaro, Paris Match, Reuters
Hy Văn