Đại Kỷ Nguyên

Lời khẩn cầu của ‘ông lão thời gian’ tới chàng trai trẻ: ‘Ta có một nhiệm vụ muốn cháu hoàn thành…’

Sau khi đã dùng hết tâm trí để đọc Kinh Thánh và hết lòng hát những bài thánh ca, cảm giác được vút đi giữa những hàng cây trong công viên trên chiếc ván trượt bốn bánh khiến tôi thấy mình như đang bay lên vậy. Nhưng khoảng công viên khiến tôi thích nhất vẫn là một “sân khấu tròn”…

Thực ra nó là một quảng trường nhỏ hình tròn, không hiểu vì một ý do nào đó đã được xây thấp xuống. Bạn biết đấy, trông nó khá giống một cái sân khấu, tôi thường tưởng tượng những bậc thang là nơi mà các khán giả đang chăm chú quan sát tôi thể hiện những kĩ thuật trượt ván điêu luyện của mình.

Mẹ tôi giúp việc trong một gia đình giàu có. Công việc vất vả và áp lực nhưng nó là nguồn thu nhập chủ yếu để mẹ có thể nuôi ba anh em tôi khôn lớn. Chúng tôi sống trong căn nhà bé nhỏ ở cuối khu vườn của ông bà chủ – những người không có mấy thiện cảm đối với người giúp việc của mình. Họ coi chúng tôi như những kẻ ăn bám. Nhưng mẹ tôi thường bảo: “Nicolas, con hãy ghi nhớ kĩ điều này nhé, chúng ta làm việc chăm chỉ và cần cù, chúng ta trung thực và còn rất ngoan đạo. Con biết không chỉ cần con luôn như thế là sau này sẽ được lên Thiên Đường rồi, đừng quá chú ý tới những người xung quanh.”

Con biết không chỉ cần con luôn như thế là sau này sẽ được lên Thiên Đường rồi… (Ảnh minh hoạ)

Tôi gật đầu đồng ý vì tôi không muốn mẹ phải nghĩ thêm về sự bướng bỉnh của tôi. Con gái của ông bà chủ đã khiến mẹ tôi đủ mệt mỏi khi phải chiều cô ấy rồi. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn cảm thấy “Cuộc sống này thật quá bất công. Mẹ tôi là một người phụ nữ tốt bụng, nhân hậu sao lại chịu nhiều cơ cực như vậy?”

Tôi ôm giữ những suy nghĩ này và chỉ có thể quên nó đi trong một tiếng ít ỏi ngoài công viên mỗi chủ nhật. Và ở đây tôi bắt gặp vị khán giả bất đắc dĩ của mình. Ông ấy đã khá già nhưng đôi mắt vẫn thật tinh anh. Ông hay ngồi ở chiếc ghế băng gỗ màu xanh đặt trong quảng trường tròn. Trông ông giống như “ông thời gian”, bởi vẻ ngoài cũ kĩ của ông và chiếc ghế thật ăn khớp. Tôi rất hay ngắm trộm ông lão, bởi dù “cũ kĩ” nhưng tôi biết ông là một người đáng kính. Đôi mắt luôn cười của ông và cách ông kiên nhẫn ngồi nhìn tôi “biểu diễn” đã cho tôi biết điều đó. Thông thường, người lớn sẽ bỏ đi ngay khi tôi xách chiếc ván trượt tiến vào quảng trường.

Sự im lặng giữa tôi và ông chỉ được phá vỡ bởi một cú ngã đau đớn và khá mất mặt của tôi. Đó là lần tôi học được một kĩ thuật xoay ván trên không, nó khiến tôi trông sẽ thật ngầu nếu thành công. Nhưng lần này, vì quá chú ý tới việc thể hiện mình, tôi quên mất kết nối với chân và chiếc ván trượt, cũng không để ý được tới chúng phối hợp với nhau như thế nào. Và như một lẽ tất nhiên khi bạn không để tâm vào việc mình đang làm, bạn sẽ nhận được một cái kết không mấy dễ chịu, tôi đã bị ngã đến gần như trẹo chân trong cú bật đó và chiếc ván bay về phía người khán giả duy nhất của tôi. Chúa ơi, lúc đó tôi chỉ muốn mình có thể chui đầu xuống nền cát như con đà điểu vậy.

Tôi đã bị ngã đến gần như trẹo chân trong cú bật đó và chiếc ván bay về phía người khán giả duy nhất của tôi. (Ảnh minh họa)

“Cháu không sao chứ, anh bạn trẻ?” Một giọng nói ấm và trầm lần đầu tiên tôi được nghe vang lên bên tai tôi. Lúc này tôi lại thấy mình may mắn vì không chui đầu xuống đất giống đà điểu. Bởi giọng nói của ông cụ khiến tôi cảm thấy ấm áp đến có thể khóc được. Nhưng lúc đó tôi là một thanh niên mạnh mẽ, tôi không khóc mà chỉ trả lời ông theo cách tỏ vẻ dũng cảm:

“Cháu không sao đâu ông ạ, cháu nghĩ chân cháu chỉ hơi bị trật. Nó sẽ đỡ ngay thôi, cháu chỉ cần ngồi nghỉ một chút”.

Tôi mới chỉ nói đến thế, ông đã dìu tôi lên ghế và cẩn thận xem cổ chân cho tôi. Ông bảo tôi may mắn vì không bị bong gân, nếu không thì đến chủ nhật tuần sau tôi cũng khó có thể đi trượt ván được. “Cậu bé, vết thương này chỉ đến mai là ổn thôi. Cháu rất may mắn đấy. Bởi ông biết đã có khá nhiều người phải bỏ đến vài ba cái chủ nhật để hồi phục trấn thương do trượt ván”.

Tôi không nói gì trước bình luận của ông cụ, bởi tôi hiểu cụ muốn nói gì.

“Cháu mê trượt ván, trượt cũng rất tốt nhưng sao không thực hiện quy tắc tối quan trọng của những vận động viên chuyên nghiệp. Ta biết những vận động viên chuyên nghiệp, họ đều rất tuân thủ việc bảo vệ sự an toàn của mình”.

Cháu mê trượt ván, trượt cũng rất tốt nhưng sao không thực hiện quy tắc tối quan trọng của những vận động viên chuyên nghiệp. (Ảnh minh hoạ)

“Cháu biết ông ạ”, tôi lí nhí và không muốn giải thích thêm.

Chúng tôi ngồi cùng nhau thêm một lúc. Tôi vẫn ngồi nhìn đôi chân mình, còn ông lão, hình như ông đã ngồi ngắm chiếc ván trượt của tôi nãy giờ.

“Cháu yêu, bố mẹ cháu làm nghề gì?”

“Bố cháu mất khi đứa em cuối cùng của cháu chào đời, cách đây 3 năm. Còn mẹ cháu đang làm giúp việc cho một gia đình của khu này thưa ông?”

“Vậy cháu có bao nhiêu anh chị em?”, ông cụ vẫn tiếp tục câu hỏi đơn giản bằng thứ giọng ấm áp. Nó khiến tôi không muốn giấu giếm bất kể điều gì nữa.

“Dạ, cháu là anh cả và có hai em nữa ông ạ”.

“Ông hiểu rồi, cảm ơn cháu nhé, chàng trai trẻ”.

Ông vỗ nhẹ đôi tay to lớn của mình lên lưng tôi. Tôi cho hành động ấy là một sự động viên của ông cụ dành cho mình. Nhưng tôi không thể ngồi đây và tận hưởng sự yên bình mà ông mang tới, bởi thời hạn một tiếng sắp qua rồi và tôi cần trở về nhà. Tôi chào từ biệt ông, không quên cảm ơn sự quan tâm của ông.

“Cảm ơn chàng trai trẻ. Hãy mạnh mẽ lên nhé, ta hy vọng có thể gặp cháu ở đây vào chủ nhật sau. Cầu Chúa ban phước lành cho cháu”.

Vào chủ nhật sau, đúng như lời tiên đoán của ông, tôi vẫn có thể ra công viên để chơi ván trượt. Và “ông lão thời gian đáng kính” thì đã ngồi đó từ bao giờ. Nhìn thấy tôi, ông cười thật tươi và giơ tay vẫy tôi lại. Tôi cũng rất vui khi nhìn thấy ông ở đó.

“Này chàng trai trẻ, ông có một món quà cho cháu”. Ông lão nói và đưa cho tôi một chiếc túi rất lịch sự. Tôi ngại ngần không nhận vì mẹ đã dạy tôi, đừng bào giờ nhận quà của người lạ.

“Cháu yêu, ta tin mẹ cháu sẽ rất vui khi cháu nhận món đồ này đấy”. Ông lão như đọc được tâm trí tôi vậy. Và tôi đã nhận lấy túi đồ.

“Này chàng trai trẻ, ông có một món quà cho cháu”. (Ảnh minh hoạ)

Bạn không biết tôi đã cười tươi như thế nào khi nhìn thấy những gì ông lão tặng. Một chiếc nón bảo hiểm, bốn miếng đệm lót tay chân và một bộ bánh xe mới tinh.

“Ông ơi, sao ông lại tặng cháu những thứ này?”

“Vì ta rất mong được thấy một chàng trai trẻ an toàn khi học cách trượt ván. Ta cũng muốn giúp cậu ấy đi bước đầu tiên để trở thành chuyên nghiệp – bằng cách tuân thủ những quy tắc an toàn”.

Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn ông, ông đã tiếp tục đưa tôi một cái túi lớn tương tự.

“Ta có một nhiệm vụ muốn cháu hoàn thành. Hãy giúp ta chuyển chiếc túi này tới mẹ của cháu nhé.”

“Nhưng thưa ông, ông không biết mẹ cháu ạ”.

“Ta có một nhiệm vụ muốn cháu hoàn thành. Hãy giúp ta chuyển chiếc túi này tới mẹ của cháu nhé.” (Ảnh minh hoạ)

“Đúng vậy, cháu yêu. Nhưng tin ta, mẹ cháu và cả cháu nữa, chúng ta đều là những con chiên ngoan đạo của Đức Chúa. Hãy tin ta nhé. Mẹ cháu sẽ thích món quà này. Cháu biết phải không, phụ nữ vẫn luôn rất thích socola mà”.

Buổi sáng chủ nhật hôm ấy, tôi dành nguyên một tiếng của mình để ngồi trò chuyện với ông. Bởi, từ tận đáy lòng mình, tôi cảm thấy biết ơn một người lạ như ông vô cùng. Ông không biết mẹ con tôi, vậy mà có thể nghĩ tới cả những thứ mà tôi và mẹ đều yêu thích.

Khi ra về, tôi không quên cầu Chúa ban phước lành cho ông. Còn ông cũng không quên nhìn thẳng vào mắt tôi và nói:

“Ông cảm ơn cháu. Hãy mạnh mẽ lên nhé chàng trai trẻ. Ông cũng cầu Chúa ban phước lành cho cả cháu và người mẹ thân yêu của cháu.”

Chủ nhật sau, mẹ đã đích thân dẫn tôi ra công viên để cảm ơn ông lão. Bạn biết không, khi nhận được hộp Socola, mẹ đã suýt nữa đánh tôi vì không nghe lời. Cho tới khi tôi nhắc lại lời của ông cụ “mẹ, tôi và ông không hẳn là không quen biết, bởi chúng tôi là những con chiên ngoan đạo của Chúa”. Nhưng phản ứng sau khi mở hộp quà và đọc tấm thiệp làm tôi bất ngờ.

Bà không chỉ cảm động giống như tôi. Mà bà còn khóc. Bà ôm tấm thiệp và áp nó vào ngực rồi khóc như một đứa trẻ. Tôi có hỏi thì bà chỉ mỉm cười trong những giọt nước mắt mà không nói được điều gì. Tối đó, tôi thấy mẹ ngồi rất lâu trong bếp, bên cạnh hộp socola để mở nhưng còn nguyên vẹn và mẹ đang đọc lại tấm thiệp ấy.

Tôi háo hức chạy trước để báo với ông rằng mẹ tôi đang đến, tôi nghĩ ông sẽ rất vui.

Nhưng khi tới công viên thì ông không ở đó.

Tôi đứng trước cái ghế băng mà không nói được gì. Mẹ tới bên tôi, bà cũng hiểu rằng, “ông lão thời gian” không có ở đây. Bà đặt nhẹ tay lên vai tôi, vỗ nhẹ như an ủi. Có lẽ tuần sau chúng tôi sẽ có may mắn được cảm ơn ông. Trước khi quay về, mẹ đã nhìn thấy một phong thư rơi dưới chân chiếc ghế băng. Có lẽ cơn gió lạnh lúc nãy đã khiến nó bị thổi tới đây. Bà đọc tên trên bức thư rồi đưa nó cho tôi. “Con trai, mẹ nghĩ đây là bức thư dành cho con.”

Trên chiếc phong bì có ghi “Gửi chàng trai trẻ, nghệ sĩ trượt ván của sân khấu tròn”

“Chàng trai trẻ thân mến,

Ta rất xin lỗi vì có lẽ ta không còn có thể quay lại chiếc ghế này để xem cháu trượt ván chủ nhật này, chủ nhật sau… và ta e là cả những chủ nhật sau nữa. Nhưng ta muốn cháu biết một điều này.

Cháu là một đứa trẻ vô cùng giàu có. Cháu có một đầu óc tinh nhanh, với đôi chân rất khéo. Cháu còn có một trái tim nhân hậu và biết nghĩ tới người khác. Ta biết điều này khi cháu đã dành một tiếng của mình để đáp lại món quà của ta, lần cuối cùng chúng ta gặp nhau. Hơn thế nữa, cháu có một người phụ nữ tuyệt vời đang hằng ngày cố gắng vì cháu.

“Gửi chàng trai trẻ, nghệ sĩ trượt ván của sân khấu tròn” (Ảnh minh hoạ)

Nên cháu yêu, ta sẽ cầu xin Chúa ban cho cháu thật nhiều sức mạnh khi ta đến để gặp Người. Sức mạnh ấy, sẽ giúp cháu trở thành một người đàn ông chân chính, để có thể che chở cho người phụ nữ, mà ông đoán là đang đứng bên cạnh cháu trong công viên lúc này.

Tạm biệt cháu yêu, hãy mạnh mẽ lên, chàng trai trẻ”.

Mẹ đã ôm lấy tôi vào lòng và thì thầm. “Chúng ta đã được gặp một thiên thần, con trai ạ”. Còn tôi thì không thể thốt lên điều gì. Chỉ biết để những giọt nước mắt tiếp tục rơi, trong lòng cầu Chúa hãy đón ông bình yên trở về Thiên đàng.

Hải Lam

Exit mobile version