Đại Kỷ Nguyên

Lãnh đạo bằng sự đồng cảm, nghệ thuật truyền cảm hứng cho nhân viên

Hiện nay, đối với lao động theo nhóm thì việc cộng tác và phụ thuộc lẫn nhau đặc biệt cần thiết. Để việc cộng tác thực sự hiệu quả, điều quan trọng là phải có một nhà lãnh đạo giỏi. Nhưng tố chất nào quyết định sự thành công của một lãnh đạo? Tự tin, quyết đoán liệu đã đủ? 

Hiện nay, các công ty có xu hướng xếp đặt những nhà lãnh đạo “đồng cảm” vào những vị trí quan trọng. Vậy, lãnh đạo đồng cảm khác với các loại lãnh đạo khác như thế nào? Liệu cách lãnh đạo này có thể phát triển được không?

Sự đồng cảm là một trong những tố chất mà một nhà lãnh đạo cần rèn luyện (Ảnh: linkedin)

Lãnh đạo đồng cảm là gì?

Người lãnh đạo là người có khả năng quản lý một nhóm người hay một tổ chức. Người này sẽ thiết lập một cái nhìn rõ ràng về các mục tiêu cần được hoàn thành, thúc đẩy các thành viên của nhóm để họ làm việc một cách tốt nhất cho một mục tiêu chung và giải quyết các xung đột nội bộ phát sinh trong nhóm.

Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả các nhà lãnh đạo đều có những đặc tính chung này, thì vẫn có sự khác biệt giữa các lãnh đạo. Một số đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích của nhóm, nên họ sử dụng các kiểu mưu mô, cao ngạo và chỉ biết đến mình.

Trái với lãnh đạo trên, một nhà lãnh đạo đồng cảm có khả năng đặt mình vào vị trí của các thành viên trong nhóm, và trên hết, người này sẽ cố gắng tìm hiểu nhu cầu của thị trường, người tiêu dùng, để học cách để cung cấp cho khách hàng những gì họ cần.

Ngoài ra, một nhà lãnh đạo đồng cảm có thể giao tiếp hiệu quả với những người trong nhóm, có thể nói cho họ biết những điều cần làm. Bằng cách này, người này sẽ truyền cảm hứng làm việc cho các thành viên khi thiết lập các mục tiêu cần đạt được.

Làm thế nào để phát triển lãnh đạo đồng cảm?

Làm thế nào để xây dựng sự đồng cảm với nhân viên của mình (Ảnh: shutterstock)

Theo các nghiên cứu được thực hiện về lãnh đạo đồng cảm, một người mong muốn áp dụng cách lãnh đạo này cần phát triển năm kỹ năng: đồng cảm, nhiệt tình, ấm tình người, khách quan và khả năng thiết lập các ranh giới. Hãy nghiên cứu từng điểm:

1. Đồng cảm

Một người muốn trở thành nhà lãnh đạo cảm thông phải có khả năng tự đặt mình vào vị trí của những người khác. Nhưng sự đồng cảm không đơn thuần chỉ là sự hiểu biết về suy nghĩ của người khác từ một quan điểm hợp lý. Một người muốn phát triển các kỹ năng lãnh đạo đồng cảm cần phải hiểu một hành động sẽ ảnh hưởng đến từng thành viên trong nhóm của họ như thế nào.

Đối với nhiều người, khả năng đặt mình vào vị trí của người khác không phải sinh ra đã có, nhưng nó hoàn toàn có thể học hỏi được.

2. Sự nhiệt tình

Một nhà lãnh đạo đồng cảm tốt có khả năng truyền những mong muốn sáng tạo và làm việc cho các thành viên của nhóm, truyền cho họ sự nhiệt tình của mình và thúc đẩy họ làm việc. Cách lãnh đạo này hoàn toàn khác với việc bắt nhân viên hoàn thành công việc của họ.

Để đạt được điều này, một nhà lãnh đạo đồng cảm phải là người nhiệt huyết, say mê với những đề xuất, với công việc, và là tấm gương cho các đồng nghiệp.

3. Ấm tình người

Dù là trong công việc, mối liên hệ giữa nhân viên và lãnh đạo vẫn là con người với con người. (Ảnh: shutterstock)

Vì có thể đặt mình vào vị trí của người khác, gần gũi với mọi người, thấu hiểu hoàn cảnh của nhân viên nên lãnh đạo có thể tìm được các giải pháp.

Điều này không có nghĩa là lãnh đạo đi làm để kết bạn. Người này hiểu rõ một mối quan hệ thân tình sẽ thúc đẩy một mối quan hệ chuyên môn tốt, điều này sẽ đem lại lợi ích cho nhóm. Sự gần gũi này cũng tạo ra uy tín cho lãnh đạo, có thể động viên nâng cao tinh thần những cá nhân mà anh ta quan tâm nhất trong nhóm.

4. Khách quan

Sự nâng đỡ và trợ giúp sẽ khiến kết quả công việc được cải thiện (Ảnh: Elle)

Người lãnh đạo đồng cảm phải có khả năng giữ bình tĩnh trong những tình huống phức tạp hoặc căng thẳng. Để lãnh đạo tốt, người này phải là một tấm gương cho mọi người. Nếu anh ta để cho các xung động kiểm soát bản thân, thì sẽ nhanh chóng đánh mất sự tôn trọng của các nhân viên.

5. Khả năng thiết lập các ranh giới

Kỹ năng cuối cùng của nhà lãnh đạo đồng cảm là thiết lập các ranh giới cá nhân và công việc chuyên môn; phải biết thiết lập và duy trì một khoảng cách trong mọi tình huống. Nếu không, người này sẽ không còn là một nhà lãnh đạo giỏi nữa và sẽ chỉ như một thành viên khác của nhóm. Chính vì vậy, nếu một người muốn phát triển sự lãnh đạo đồng cảm cũng cần phải làm chủ các kỹ năng giao tiếp như tính quyết đoán.

Xuân Hà biên dịch

Exit mobile version