Đại Kỷ Nguyên

Lạnh cắt da cắt thịt, chàng trai vẫn không ngần ngại cởi đôi giày đắt tiền tặng người vô gia cư

Cái rét kỷ lục đang tiếp tục khiến nước Mỹ chìm trong giá lạnh triền miên. Tuyết và gió khiến cho mọi sự vật như ngừng lại, con người cũng như bị nuốt chửng trong giá lạnh nặng nề. Trên khung cảnh trắng xóa đến tái tê ấy, trong một toa tàu, trái tim của một cô gái và hai người đàn ông đã được sưởi ấm. 

Câu chuyện nhỏ này được ghi lại bởi Jessica Bell, một phụ nữ trẻ sống tại Chicago, Hoa Kỳ. Khung cảnh diễn ra ngày hôm đó đã chạm đến trái tim cô.

Những người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong giá rét kéo dài như bất tận này vẫn là những người vô gia cư. Không đủ quần áo lạnh, đi những đôi giày rách nát chỉ là một phần trong bức tranh cuộc sống ảm đạm của họ. Trong giá rét ấy, sau một ngày dài mệt mỏi, ai cũng mong rảo bước chân để trở về với tổ ẩm của mình, nơi không chỉ có chiếc lò sưởi, mà hơn hết là có những người thân yêu đang chờ đợi họ. Nơi ấy có những câu hỏi ân cần “bố có lạnh không?”, “hôm nay chiếc áo này có giữ cho mẹ đủ ấm không?”, có một bữa ăn ấm nóng đang đón chờ. Còn những người vô gia cư, họ thiếu mọi thứ. Nhưng thiếu nhất có lẽ là … sự quan tâm.

Trên chuyến tàu hôm ấy, Jessica Bell đã bắt gặp một người vô gia cư như thế. Cô quan sát người đàn ông lớn tuổi ấy kỹ càng. Giá lạnh bên ngoài khiến con người ta quan tâm nhau hơn, ánh nhìn cũng mang nhiều hơn sự cảm thông. Người đàn ông vô gia cư đi đôi giày thể thao cũ mèm, đế đã mòn vẹt và phần sau của đôi giày bị gập xuống: “Tôi không biết ông ấy đã đi bao nhiêu đôi tất trong nỗ lực giữ ấm đôi chân của mình, nhưng máu dường như đã thấm qua những chiếc tất”, cô viết trên trang cá nhân. Có lẽ lớp tất dày đã khiến ông không thể đi đôi giày một cách ngay ngắn.

Hình ảnh ấm lòng ngày giá lạnh.

Lúc đó, một người thanh niên trẻ tuổi đeo túi và kéo vali tiến gần về phía người vô gia cư. Anh lặng lẽ tháo đôi giày đang mang ở chân và trao lại nó cho người vô gia cư. “Đôi giày có vẻ còn rất mới và khá đắt tiền”, đó là một đôi giày được thiết kế để chịu cái lạnh dưới 0 độ C như ở Chicago này, Jessica cho biết. Người trai trẻ sau đó còn mở túi xách lấy ra một đôi tất mới và tặng lại cho người vô gia cư.

Anh còn không quên dặn dò ông rửa sạch chân và thay đôi tất mới ngay khi có thể. Sau đó, chàng trai trẻ rút một đôi giày khác giản dị hơn trong vali của mình để đi, rồi sau đó xuống tàu ở ngay bến tiếp theo.

Là người chứng kiến toàn bộ sự việc, Jessica cảm thấy mình phải chia sẻ lại câu chuyện này với mọi người. Theo tờ Daily Mail, bức ảnh và câu chuyện nhỏ của cô đã nhận được 38.000 lượt yêu thích và 20.000 lượt chia sẻ chỉ sau một thời gian ngắn. Rất nhiều người đã để lại lời bình luận dưới câu chuyện, bày tỏ lòng yêu mến của họ dành cho chàng trai trẻ hào hiệp. Lòng tốt thầm lặng ấy gợi nhớ tới hình ảnh những chàng hiệp sĩ trong những câu chuyện cổ tích, những người lấy sự an toàn và hạnh phúc của người khác làm lẽ sống.

Những chia sẻ của Jessica khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng.

“Tôi thực sự yêu khoảnh khắc này khi trong thế giới mà lòng hận thù và sự thờ ơ đã cắm rễ ở khắp mọi nơi, một hành động thể hiện sự đồng cảm trong im lặng như vậy vẫn có thể xuất hiện không báo trước”, Jessica chia sẻ cảm xúc của cô về những điều đã may mắn được chứng kiến. Rất nhiều người dùng mạng đã nhắn tin cảm ơn Jessica vì chia sẻ này.

Giữa những thông tin về thiên tai, về những vụ bắn giết đẫm máu mà hàng ngày mỗi người phải đọc, câu chuyện này giống như một sự an ủi lớn đối với trái tim của mỗi người. Ít nhất trong cuộc sống, vẫn còn có những con người không nhìn những người đối diện mình bằng định kiến hay sự thờ ơ. Mà họ nhìn người khác với cả đôi mắt và trái tim. Bởi đôi mắt chỉ có thể truyền tải hình ảnh vật lý, còn trái tim mới có thể giúp con người nhìn thấy và hiểu thấu những gì người đối diện đang trải qua. Để rồi từ đó, trong trái tim, một tâm nguyện muốn giúp đỡ sẽ được rót đầy. Nó khiến con người có đủ dũng cảm để vượt qua ranh giới mà “sự ích kỷ” đặt cho mỗi người.

Sự thiên lương có thể xóa mọi rào cản, phá vỡ mọi bức tường, dù là kiên cố nhất.

“Thương người như thể thương thân” vốn là điều mà ông bà ta đã cẩn thận dặn dò cháu con tự bao đời. Con người sinh ra, ai cũng có một niềm quý tiếc lớn lao với chính mình. Bởi được thân người nào có dễ chi. Nhưng để sống được trong cuộc đời này, sự quý trọng chính mình thôi chưa đủ. Cuộc sống còn cần một “tấm lòng” dành cho những con người khác, những “ốc đảo” khác trong thế giới này. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lẽ đã thấm nhuần cái sự cần thiết của tình thương dành cho tha nhân ấy, khi chắp bút cho câu hát làm dịu lòng người:

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không?

Để gió cuốn đi

Để gió cuốn đi…”

Nguồn ảnh: ouest-france.fr

Hy Văn

Exit mobile version