Đại Kỷ Nguyên

Không gục ngã vì lựu đạn nổ mất cánh tay phải, ‘huyền thoại’ bắn súng thế giới làm nên kỳ tích sau 9 năm

Karoly Takacs là một sỹ quan người Hungary và cũng là một vận động viên bắn súng ngắn hàng đầu thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông thực sự đã trở thành một huyền thoại được người đời lưu truyền và ca ngợi, không chỉ ở những thành tích xuất sắc ông đã đạt được, mà còn ở ý chí kiên cường và thái độ mạnh mẽ, vượt lên chính mình trước nguy nan của ông.

Karoly Takacs là xạ thủ bắn súng số một ở cự ly súng lục bắn nhanh 25 mét. Ông đã giành nhiều chức vô địch bắn súng ở cả tầm quốc gia và quốc tế. Ông đăng ký tham gia thi đấu tại Olympic năm 1940 và hy vọng sẽ mang huy chương vàng về cho đất nước. 

Con đường sự nghiệp của ông những tưởng cứ thế trôi qua trong êm đẹp thì vào vào một ngày năm 1938 khi đang phục vụ trong quân đội, một quả lựu đạn cầm tay đã phát nổ trong tay phải của ông cũng là bàn tay cầm súng. Kết quả, ông mất tay phải, và mất cả ước mơ đoạt huy chương vàng Olympic đã ấp ủ bấy lâu.

Ông phải nằm viện một tháng để chữa trị, tuy nhiên ông quyết định sẽ không để bản thân rơi vào tình trạng chán nản, tuyệt vọng. Ông phải theo đuổi ước mơ Olympic của mình. Ông cho rằng mình vẫn còn cánh tay trái khoẻ mạnh và có thể làm được mọi việc. Vì thế, ông quyết tâm sẽ mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh hiện tại và làm tất cả mọi việc mà ông có thể làm.

Ông hiểu cần phải có ý chí, sự quyết tâm và lòng kiên trì mới có thể giúp ông vươn tới thành công. Ông quyết định tập bắn bằng tay trái. Mặc dù thực tế ông không phải là người thuận tay trái, nhưng ông quyết tâm sẽ luyện cánh tay trái của mình để trở thành người bắn súng bằng tay trái hàng đầu thế giới.

Ông đã tự mình luyện tập hàng tháng trời mà không nói với bất kỳ ai

Ông đã tự mình luyện tập hàng tháng trời mà không nói điều này với bất kỳ ai. Nghị lực phi thường đã cứu vớt ông ra khỏi hố sâu tuyệt vọng và sự tự ti. Ước mơ bắn súng trở nên bỏng cháy hơn bao giờ hết.

Năm 1939 ông tham dự giải vô địch bắn súng lục quốc gia. Ở đó một xạ thủ đã đến gần chia buồn với mất mát của ông và ca ngợi ông thật có bản lĩnh để đến xem những người khác thi đấu.

Karoly đáp: “Tôi không đến để xem. Tôi đến để thi đấu“. Tất cả đều sững sờ trước câu nói đầy quả quyết của Karoly. Ở người đàn ông này có một nội lực mạnh mẽ mà bất cứ ai cũng phải kiêng nể. Và điều làm tất cả ngạc nhiên hơn là ông đã giành chức vô địch năm đó với cánh tay trái của mình. Không ai có thể hạ bệ hay đánh giá thấp người đàn ông khuyết một tay này nữa. 

“Tôi không đến để xem. Tôi đến để thi đấu.”

Năm 1940 và 1944 Olympic bị hoãn vì chiến tranh thế giới thứ II. Tuy nhiên, Karoly đã không ngừng luyện tập để có đủ điều kiện tham dự Olympic. Ông đã giành huy chương vàng ở Olympic 1948 và 1952. Mọi công sức và nỗ lực của ông đều đã được đền đáp xứng đáng. Nếu Karoly từ bỏ niềm đam mê của mình sau tai nạn, có lẽ, ông đã không có được thành công vang dội như ngày hôm nay. Trường hợp của ông là ví dụ rất xác thực cho câu nói: “Hiện thực là nhỏ bé nếu ước mơ đủ lớn.”  

Suy ngẫm:

Để đạt được những điều quý giá trong cuộc sống, con người cần phải có thái độ lạc quan, ý chí kiên cường và quyết tâm mạnh mẽ. Kỹ thuật và kỹ năng là điều ta có thể học được từ sách vở, từ những người khác, có thể được truyền thụ bằng cách nào đó, nhưng ý chí là điều không thể học được từ bất cứ ai khác. Ý chí và thái độ sống là điều xuất phát tự bản thân mình, là điều chỉ có thể tự trang bị. Con người cần luôn hành động hướng tới mục đích của mình với quyết tâm cao nhất mới giành được thành công, thắng lợi. Vậy nên, trước khó khăn, hãy xem mình thật to lớn để vượt qua nó, đừng để nó nhấn chìm mà đánh mất đi những điều tốt đẹp ta xứng đáng được nhận. 

Xem thêm:

Exit mobile version