Đại Kỷ Nguyên

Không chỉ nhân viên mới đi cọ toilet, ở Nhật, Giám đốc cũng phải xắn tay vào làm

Người Nhật luôn khác biệt với cả thế giới, bạn chắc hẳn sẽ tán đồng với nhận định ấy. Trong bài viết này chúng tôi sẽ đề cập đến một khía cạnh trong giáo dục của Nhật Bản khiến bạn một lần nữa ngả mũ kính phục cách nghĩ và cách sống của họ. 

Nếu bạn có một dịp nào đó ghé thăm đất nước Nhật Bản, hoặc vô tình lướt thông tin trên mạng, bạn sẽ không khỏi bất ngờ trước một điều hy hữu tại xứ xở đặc biệt này, đó là: Đối với người dân Nhật Bản, sự sạch sẽ của nhà vệ sinh là yếu tố tối quan trọng trong đời sống hàng ngày. 

Vì thế nên, chỉ duy nhất ở Nhật đến cả các vị Giám đốc cũng thường xuyên phải đi cọ toilet trong văn phòng – công việc tưởng chừng chỉ dành cho các nhân viên vệ sinh. Một khi đã làm, các vị giám đốc sẽ làm với một thái độ cẩn thận và chu đáo nhất bởi họ đã được sự giáo dục kĩ lưỡng ngay từ tấm bé về tầm quan trọng của công việc này. Bạn sẽ thấy trong chính chương trình giảng dạy tại các trường học của Nhật Bản có hẳn cả phần cọ rửa, vệ sinh toilet.

Dọn vệ sinh đã được dưỡng thành một thói quen cho trẻ em Nhật (Ảnh dẫn qua petitshomeschoolers)

Ở Nhật – họ coi việc học sinh thực hành làm vệ sinh trường lớp là một họat động quan trọng và chính thức. Các nhà giáo dục, thầy cô luôn tổ chức và đảm bảo việc này được thực hiên nghiêm chỉnh, giá trị và đầy đủ.

Để lý giải cho điều này, hãy cũng điểm qua một số nét trong thế giới quan của người Nhật liên quan tới vấn đề này:

Cọ toilet là cách để xua đi xui xẻo

Người Nhật quan niệm giữ sạch nhà vệ sinh là một cách để chào đón may mắn tới với cơ quan, gia đình (Ảnh dẫn qua flickr)

Theo phong thủy của người Nhật, toilet là nơi chịu kiểm soát bởi nguyên tố Thủy, gắn liền với tiền tài và sự giàu sang. Do đó, việc giữ nhà vệ sinh sạch đẹp là rất quan trọng với người Nhật, đặc biệt là đối với các công ty, doanh nghiệp.

Để cho thấy tầm quan trọng của việc giữ sạch sẽ toilet, người Nhật đã từng thực hiện cả một công trình nghiên cứu về vấn đề này. Biên tập viên của tạp chí Houzz Japan cho biết, một cuộc khảo sát đã cho thấy ít nhất 42% người Nhật chăm chỉ cọ toilet vì họ tin điều đó mang lại may mắn về tiền tài. Trong khi đó, chỉ 22% người không thường xuyên cọ toilet cảm thấy ý nghĩa của một nhà vệ sinh sạch sẽ.

Còn theo thống kê, thu nhập trung bình của nhóm người chăm cọ toilet là trên 5 triệu yên Nhật/năm. Nhóm không cọ kiếm ít hơn một chút – khoảng 4,54 triệu yên/năm.

Mặc dù quan niệm về may mắn và nhà vệ sinh đi đôi với nhau đã tồn tại từ lâu ở Nhật, tuy nhiên mãi cho tới tháng 3 năm 2007, sau một vài bài báo liên tục khuyên rằng nếu ai đó muốn thành công, phải bắt đầu từ việc cầm bàn chải lên cọ toilet.

Đất nước đề cao sự sạch sẽ – gọn gàng

Chi tiết nhỏ trong cách sắp xếp giày dép này cũng đủ để bạn hình dung người Nhật tôn sùng sự gọn gàng – sạch sẽ như thế nào (Ảnh dẫn qua intertour.vn)

Với một quốc gia nguyên tắc như Nhật Bản, vấn đề vệ sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Mọi thứ đều phải sạch sẽ, đường phố không một hạt bụi còn rác thải thì phải phân loại rõ ràng.

Trong suy nghĩ người Nhật, bồn cầu luôn phải “sạch bong” và vì thế, trẻ em nơi đây đã được dạy về cách lau chùi cũng như coi trọng bồn cầu từ rất sớm. Họ giáo dục thanh thiếu niên Nhật Bản việc làm vệ sinh này không những có giá trị về Kỹ năng sống, mà còn có một giá trị cao hơn nhiều, đó là:

Sự Công Bằng: Các học sinh là như nhau, không có sự phân biệt con nhà giàu hay nghèo, khỏe hay yếu, học giỏi hay học kém, việc đơn giản nhất là làm vệ sinh thì ai cũng có thể làm.

Sự Tôn Trọng: Thay vì nói giáo điều sách vở, họ yêu cầu học sinh, sinh viên làm vệ sinh hàng ngày để mọi người hiểu và ghi nhớ cần ‘Tôn trọng Cộng đồng’.

Toilet là nơi mà mọi người cùng dùng chung, nơi mà nếu mọi người không có ý thức thì mọi người cùng chịu bẩn, chịu mùi hôi thối như nhau, nhưng nếu mọi người cùng dọn, cùng giữ gìn thì tất cả mọi người đều sẽ được hưởng lợi.

Hòa: Tôn chỉ của người Nhật sống là chữ Hòa, để giáo dục chữ Hòa thì mỗi cá nhân dù có khác biệt về khả năng, nhận thức hay xuất thân đều cần phải hiểu rằng – có những việc dù nhỏ dù bẩn thì các bạn vẫn phải tuân theo, hài hòa với tập thể.

Không vì tài năng của bạn mà bạn có quyền không cọ toilet, không vì xuất thân của bạn mà bạn có quyền khác biệt. Qua những việc đó, người giỏi bớt kiêu ngạo, người kém thêm tự tin .

Dưới dây là quy trình Cọ Rửa Toilet ở Nhật mà bạn có thể tham khảo:

1. Dùng chổi quét sạch từ khắp mọi nơi – từ cao xuống thấp – từ trên xuống dưới – từ trong ra ngoài.

2. Dùng nước rửa sàn pha với nước để lau rửa.

3. Dùng chổi quét cọ rửa các góc, khe góc nhà, góc bồn cầu.

4. Xả nước để sạch sàn.

5. Dùng khăn khô lau sạch – lau từ trên xuống dưới, lau các góc khe, lau cả mép trong của bồn rửa mặt, bồn cầu, bồn tiểu (tất nhiên là dùng giấy chứ không dùng khăn khi lau khe bên trong).

6. Bước này là bước cuối cùng tạo ra thương hiệu “Made in Japan” – Lấy giấy vệ sinh thấm tòan bộ khớp nối, vòi inox để đảm bảo bồn cầu không bị hoen rỉ theo thời gian.

Vậy đó, công nghệ cọ rửa toilet của Nhật cũng rất công phu vậy nên khi bạn vào phòng vệ sinh của người Nhật bạn sẽ thấy rất thích: ấm áp, khô ráo, sạch sẽ và thơm tho.

Thanh Thanh (tổng hợp) 

Xem thêm:

Exit mobile version