Gần đây, trên mạng xã hội lưu truyền những bức ảnh về lời nhắc nhở của một người thầy, khiến ai đã từng một lần làm học trò cũng phải bật cười thích thú và thầm nghĩ “có thầy giáo đáng yêu thế này thật là may mắn!”.
Ngày 11 tháng 09 vừa qua, sau lễ khai giảng 2 tuần, những học sinh của trường THPT Châu Thành, Đồng Tháp đã có dịp được chứng kiến một lời nhắc nhở có một không hai của thầy hiệu phó.
Ngày hôm đó, vào giờ tan trường, không ít các học sinh đã nhận được “thông điệp” từ thầy giáo ngay trên chính chiếc yên xe của mình.
Thầy Dũng, người đã viết đầy yên xe của những học trò của mình hẳn là một người thầy rất tâm lý. Thầy không chỉ dùng cách thức truyền tin thú vị đến học trò cũng phải “phì cười”, mà còn rất lịch sự chia sẻ cảm xúc của mình “Xe rất phong cách!” trước khi đưa ra thông điệp chính “gắn thêm kính và đội mũ bảo hiểm cho đúng luật giao thông nhé.” Có đứa học trò nào lại có thể nổi cáu trước lời khen dí dỏm như vậy, hoặc chí ít thì học trò cũng hiểu thầy đã nhìn ngắm chiếc xe của mình.
Chưa hết, có học trò sẽ giật mình, khi nhìn thấy tên mình nằm ngay ngắn trên yên xe. “Sao thầy lại biết đây là xe mình nhỉ?” hẳn là câu hỏi đầu tiên xuất hiện.
Thầy không chỉ nhắc học sinh mà còn động viên các em nghĩ tới an toàn cho nhau để rồi có thể tự mình làm đúng, sau đó là nhắc nhở bạn mình chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông.
Thầy Dũng còn rất thẳng thắn để lại “danh tính” dưới những lời nhắc nhở, để các học trò không phải đoán già, đoán non xem ai đã để lại những tin nhắn “đầy yêu thương” như thế này.
Những thông điệp đặc biệt này ngay lập tức xuất hiện trên trang Confession của trường THPT Châu Thành. Những cuộc điều tra danh tính chủ xe nhanh chóng được các “thám tử học trò” khởi động. Nhờ đó, theo chia sẻ của một học sinh trong trường, một số bạn vì sợ sẽ “nổi tiếng bất đắc dĩ” nên đã tự giác lắp kính xe ngay ngày hôm sau.
Cách nhắc nhở của thầy Dũng đã được rất nhiều học sinh mến mộ, đồng tình. Những tấm ảnh kể lại câu chuyện nhỏ của thầy nhanh chóng thu hút được 30.000 lượt yêu thích trên Facebook. Bên dưới bộ sưu tập yên xe với thông điệp của thầy, có rất nhiều học trò đã để lại bình luận về cách hành xử “đáng yêu này”: “Dễ thương quá” hay “Giá như trường mình cũng có 1 thầy như vậy!”, “Thầy giáo phong cách nhất năm”.
Không dùng tới những lời đao to búa lớn, những trách phạt nặng nề hay những bài diễn văn dài dòng và xa cách đã giúp thầy Dũng đã ghi điểm với học trò của mình. “An toàn giao thông” dường như luôn là đề tài nằm ngoài sự quan tâm của những cô cậu học trò ở lứa tuổi này. Thậm chí, khi người lớn dùng những phương cách không phù hợp để nhắc nhở các em, đây còn trở thành một chủ đề gây khó chịu, khó có thể tiếp thu.
Tuy nhiên, cách mà thầy Dũng chọn để nhắc nhở về an toàn giao thông có lẽ đã chạm đến trái tim của rất nhiều học trò. Đành rằng, như nhiều người dùng mạng bình luận, việc học sinh cấp ba đi xe máy là hoàn toàn trái pháp luật, nhưng khi chưa thể giảng giải cho các em hiểu, giúp các em nhận ra vấn đề rồi tuân thủ đúng pháp luật, thì thầy chọn cách giúp học sinh của mình chú ý hơn tới sự an toàn của bản thân. Thiết thực nhất chính là việc có đầy đủ những thiết bị để đảm bảo an toàn khi lưu thông bằng phương tiện này.
Những dòng tin nhắn viết tay của thầy lên ngay từng chiếc xe sẽ khiến các em phải chú ý, rồi đặt câu hỏi, tại sao thầy lại phải vất vả mà ghi lên từng chiếc yên xe, không xót một ai như thế này? Đó chỉ có thể là vì, “đội mũ bảo hiểm” hay “gắn gương chiếu hậu” là những việc nghiêm túc cần làm. Sự chân thành trong những “tin nhắn cá nhân” được công khai một cách dí dỏm của thầy Dũng đã làm học trò hiểu: Thầy không cần các em có gương xe hay đội mũ bảo hiểm để nhà trường không bị khiển trách, mà thầy cần các em làm những điều này vì an toàn tính mạng cho chính mình.
Giờ đây, giữa những thông tin về những cô giáo không còn yêu thương học sinh và hành động không còn chuẩn mực đang lan truyền khắp các mạng xã hội, câu chuyện về thông điệp trên những chiếc yên xe của thầy Dũng giống như một cơn mưa hạ, làm dịu đi những “nỗi buồn, nỗi thất vọng về thầy cô”. Nhờ có câu chuyện mà mọi người có thêm niềm tin: Trong cuộc sống, thực sự vẫn còn rất nhiều những thầy cô thật lòng thương và lo lắng cho học trò.
Cũng mong rằng, câu chuyện này sẽ có thể truyền cảm hứng đến thật nhiều thầy cô giáo, để rồi mỗi người thầy sẽ tìm ra những cách thức của riêng mình để trò chuyện với học trò, để có thể đến gần với trái tim của các em hơn. Bởi vì, dù là học sinh tiểu học hay học sinh cấp ba, ngoài tri thức, các em vẫn cần lắm sự dìu dắt bằng tất cả tình thương chân thành.
Nguồn ảnh: Kul
Hy Văn