Đại Kỷ Nguyên

Hóa giải bất đồng với ông bà trong việc nuôi dạy trẻ

Sự khác biệt về suy nghĩ của hai thế hệ sẽ dẫn đến những mâu thuẫn trong việc đặt tên cho con, dạy con học, dạy con cách giao tiếp và xử  lý tình huống… Thậm chí nhiều gia đình mối quan hệ giữa bố mẹ và ông bà trở nên căng thẳng cũng từ những bất đồng này. Để giữ được hòa khí trong gia đình, bố mẹ nên có sự thống nhất trong cách nuôi dạy trẻ với ông bà.
 

Thống nhất về quan điểm

Người Việt Nam luôn đề cao vai trò của người lớn tuổi, và thường sống chung nhiều thế hệ trong một nhà. Vì vậy, việc nuôi dạy con của cặp vợ chồng vẫn có sự “giúp sức” của ông bà. Tuy nhiên, phần lớn ông bà lại nuôi dạy cháu theo cách thời xưa. Trong khi đó, giới trẻ thường theo hướng hiện đại hơn.

Để giải quyết những mâu thuẫn giữa ông bà và ba mẹ trẻ trong cách nuôi dạy con cháu, trước tiên cần nhìn nhận rõ những điều được và mất của ông bà khi cùng chung vai dạy trẻ. Ông bà cố gắng dành nhiều thời gian cho cháu nhỏ thì gia tăng sự căng thẳng về tâm lý, sức khỏe giảm sút dẫn đến không khí gia đình cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, bố mẹ và ông bà nên thống nhất về cách nuôi dạy con như thế nào, nên trao đổi rõ ràng vềsự không phù hợp của những quan điểm xa xưa để không xảy ra những mâu thuẫn sau này.

Bên cạnh đó, bố mẹ và ông bà hãy phân chia trách nhiệm, công việc cho nhau để đỡ phần công sức của cả hai bên. Ông bà có thể chăm cho bé việc ăn, ngủ, chơi với trẻ, còn bố mẹ sẽ dạy con học, mua đồ chơi, quần áo cho con,….

Cùng dành thời gian cho con cháu

Cả gia đình hãy cùng dành thời gian tham gia những hoạt động tập thể. Qua những hoạt động này sẽ giúp gắn kết hơn tình cảm gia đình. Đó có thể là một chương trình tư vấn chăm sóc trẻ, thông qua đó, người lớn tuổi sẽ hiểu hơn về cách dạy con của ba mẹ và tự điều chỉnh cách dạy cháu của mình.

San sẻ công việc chăm trẻ với ông bà

Nhiều cặp vợ chồng “giao phó” việc nuôi dạy con cho ông bà. Trong khi đó, ông bà có những cách dạy cháu theo truyền thống làm bố mẹ không ứng ý, rồi từ đó lại xảy ra xung đột. Vì vậy, phụ huynh nên san sẻ bớt công việc nuôi trẻ với ông bà. Bạn có thể tạo ra một số sự quan tâm khác dành cho trẻ như để trẻ vui chơi cùng bạn bè thân thiết, hàng xóm…. Như vậy sẽ chia sẻ bớt gánh nặng nuôi con cho ông bà mà còn hạn chế sự can thiệp sâu vào cuộc sống của trẻ từ ông bà lẫn các ông bố, bà mẹ trẻ.

Ngoài ra, cần cố gắng hài hước và tạo môi trường trao đổi “mở” để mọi người thoải mái chia sẻ tâm sự cũng như nhận sự hỗ trợ, lời khuyên từ các thành viên khác trong gia đình.

Suy nghĩ tích cực

Khi đã là người một nhà, điều cần thiết là sự nỗ lực chấp nhận để cùng dung hòa. Con cái nên suy nghĩ tích cực về sự can thiệp của ông bà trong việc nuôi dạy cháu. Hãy tự nhủ rằng ông bà làm thế là vì muốn tốt cho cháu, hai bên hiện chưa hiểu nhau.

Đối với người già, không có gì vui và hạnh phúc bằng việc chăm cháu. Chính vì thế, nên hạn chế việc đột ngột cắt ngang niềm vui đó, bởi điều này sẽ tác động mạnh tới mối quan hệ giữa ông bà và cha mẹ. Nếu có vấn đề gì các ông bố, bà mẹ trẻ nên chuẩn bị tinh thần và tìm cách trao đổi khéo léo với ông bà về cách nuôi dạy cháu từ trước lúc trẻ ra đời. Thậm chí, đôi khi phải chấp nhận kiên nhẫn để ông bà hiểu. Mặt khác, các bậc bố mẹ trẻ cần chứng minh bản thân có kiến thức, đủ thuyết phục ông bà tin tưởng.

Trẻ dễ bị căng thẳng khi phải tiếp nhận cùng lúc hai cách giáo dục khác biệt hoặc thấy cha mẹ và ông bà tranh cãi nhau vì mình. Vì vậy, bố mẹ và ông bà cần thống nhất nguyên tắc cách nuôi dạy trẻ để chúng tin tưởng và làm theo.

Vũ Vũ

Exit mobile version