Đại Kỷ Nguyên

Hình phạt đánh vào kinh tế khiến sinh viên sợ “mất mật”

Một trường Cao đẳng Điều dưỡng ở Trung Quốc đã đưa ra hình phạt khiến sinh viên sợ “mất mật”. Theo đó, những bạn lười biếng, vi phạm nội quy sẽ phải đứng thẳng chỉ bằng mũi chân, gót chân sau không được chạm đất, bởi vì bên dưới gót giày của họ chính là chiếc điện thoại yêu quý!

Đây là những hình phạt được áp dụng trong kỳ học quân đội. Khi các tân sinh viên bước vào môi trường đại học sẽ phải trải qua khóa huấn luyện quân sự nghiêm ngặt trước khi tiếp tục học tập văn hoá. 

Có thể thấy rằng, hình phạt đánh thẳng vào kinh tế này đã khiến các sinh viên nghiêm túc hơn trong việc chấp hành nội quy của nhà trường. Thay vì phải nỗ lực tự bảo vệ lấy điện thoại di động của mình – một phương án khá rủi ro, các sinh viên đã biết sợ hơn và buộc phải cố gắng trong thời gian học tập.

Dù là điện thoại rẻ tiền hay đắt tiền, chỉ cần sinh viên lơ là, lười nhác đều sẽ bị đặt xuống dưới gót giày. Khi đứng trước nguy cơ sẽ làm vỡ, làm hỏng chính chiếc điện thoại yêu quý của mình, các sinh viên đều rất cẩn thận và có động lực để chăm chỉ hơn. 

Cận cảnh hình phạt oái oăm dành cho sinh viên (ảnh: caodangyduochn).

Những hình ảnh này đã được chụp lại và lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng, diễn đàn dành cho giới trẻ ở Trung Quốc, khiến cư dân mạng bàn tán sôi nổi. Có người cho rằng phương pháp này thực sự rất thú vị, sẽ khiến nhiều sinh viên xót của mà tập luyện chăm chỉ, có ý thức hơn.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng biện pháp trừng phạt này không phù hợp, nhỡ đâu điện thoại thực sự bị hỏng, sẽ gây khó khăn cho những sinh viên vốn không có nhiều tiền, nhất là đối với sinh viên đang theo học chưa làm ra tiền.

 Để “trấn an” dư luận, đại diện trường cho biết: “Các huấn luyện viên sẽ biết sử dụng hình phạt nào thì đúng mực, miễn là các sinh viên chấp nhận, hình thức nào cũng có thể dùng”.

Nếu như được thực hiện hợp lý, đây có thể sẽ là một hình phạt khá thú vị cho nhiều trường học tham khảo và áp dụng!

Video xem thêm: Cậu học trò bê bối trở thành bác sỹ hạng ưu nhờ lòng bao dung của cô giáo

Exit mobile version