Đại Kỷ Nguyên

Hiệu ứng Diderot – Giải mã hành vi mua sắm hoang phí

Nếu bạn từng mua một món đồ, sau đó lại có nhu cầu thay thế nhiều món đồ cũ khác để phù hợp với món đồ mới hơn, thì bạn chính là “nạn nhân” của hiệu ứng Diderot.

Hiệu ứng Diderot – giải mã hành vi mua sắm hoang phí (Ảnh: josantonius.blogspot.com)

Hiệu ứng Diderot được lấy theo tên một nhà triết học nổi tiếng nguời Pháp Denis Diderot. Diderot là người đồng sáng lập và tác giả bộ Encyclo Pédie, một trong những bộ từ điển bách khoa toàn diện nhất thời đại, thế nhưng cuộc đời ông lại sống trong nghèo khó.

Năm 1765, con gái của Diderot chuẩn bị kết hôn. Lúc này, Diderot đã 52 tuổi nhưng gia tài của ông không đủ để sắm của hồi môn cho con gái. Biết được điều này, nữ hoàng Catherine Đại Đế của Nga đã mua lại thư viện của ông với giá 1 nghìn bảng Anh và giúp Diderot trở nên giàu có. Không lâu sau khi sở hữu số tài sản lớn, Diderot quyết định mua một chiếc áo choàng mới màu đỏ tươi. Và hiệu ứng Diderot đã bắt đầu từ đây.

Điều gì đã xảy ra?

Chiếc áo choàng mới đẹp đến mức Diderot thấy nó lạc lõng giữa những vật dụng bình thường trong nhà. Và ông cảm thấy cần thay đổi đồ vật trong nhà để tương xứng với chiếc áo mới.

Diderot mua một tấm thảm xịn thay cho tấm cũ. Ông trang trí nhà cửa và sắm một cái bàn ăn đẹp hơn. Những chiếc ghế rơm cũ kỹ không phù hợp với chiếc bàn mới nên ông đã thay hết sang ghế da. Ông tiếp tục điên cuồng sắm sửa mọi vật dụng mới. Với tác nhân đầu tiên chỉ là… một chiếc áo choàng, nó đã khiến Diderit cuối cùng trở lại cảnh nghèo khổ, nợ nần vì mua sắm quá nhiều.

Hành vi này được gọi là “hiệu ứng Diderot”. Đó là khi một người sở hữu một món đồ mới rồi họ phát sinh thêm nhu cầu mua thêm nhiều thứ mới hơn nữa. Kết quả là họ sẽ mua rất nhiều thứ mà bản thân trước đây không hề cần, chỉ để thoả mãn cảm giác “không biết đủ”

Hiệu ứng Diderot xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống. Bạn mua một chiếc váy mới và sau đó cần thêm áo mới, giày mới. Bạn mua một món đồ công nghệ và phát sinh thêm đủ loại đồ chơi, phụ kiện đi kèm. Bạn mua một bộ bàn ghế mới rồi muốn mua thêm cốc chén mới, thảm mới, lọ hoa mới… Và lúc nhận ra mình đã mua quá nhiều, cũng là lúc ngân sách đã bị lạm phát một khoản lớn.

Ý nghĩa của hiệu ứng Diderot

Hiệu ứng Diderot – giải mã hành vi mua sắm hoang phí (Ảnh: ohay.tv)

Xu hướng tự nhiên của cuộc sống là sự tích lũy. Tuy nhiên, chúng ta thường hiếm nghĩ đến việc đơn giản hóa, loại bỏ hay giảm bớt, mà luôn có khuynh hướng tích lũy, nâng cấp và cải tạo thêm. Câu chuyện của Diderot chính là bài học lớn cho người tiêu dùng hiện nay. Không có gì sai khi bạn tiêu tiền cho những mặt hàng mình yêu thích và có khả năng chi trả. Thế nhưng sẽ thật sai lầm nếu chúng ta để mình lâm vào nợ nần vì ham mê những thứ đồ không cần thiết.

Nắm được hiêụ ứng Diderot, bạn không chỉ lý giải được hành vi của chính mình mà còn sẽ biết cách tỉnh táo hơn khi mua sắm, chỉ tập trung vào những thứ cần thiết, quan trọng. Một trong những cách nhanh nhất làm giảm sức mạnh của hiệu ứng Diderot là tránh những nhân tố gợi nhắc bạn đến việc mua sắm. Hãy hủy đăng ký theo dõi những email quảng cáo, chặn bớt các trang web và fanpage mua sắm yêu thích. Hãy từ chối nhận catalogue từ các tạp chí và hạn chế đến các buổi giới thiệu ra mắt sản phẩm, dịch vụ. Hãy gặp gỡ bạn bè ở quán cafe thay vì trung tâm thương mại. Thói quen ham thích mua sắm khi giảm tiếp xúc với những nhân tố kích thích thì sẽ tự nhiên suy giảm.

Luôn cân nhắc lựa những đồ phù hợp với bản thân bạn hiện tại. Bạn không cần phải bắt đầu từ đầu mỗi khi mua một cái gì đó mới. Khi mua quần áo mới, hãy tìm những bộ đồ phù hợp với tủ quần áo hiện tại của bạn. Khi nâng cấp những thiết bị điện tử mới, hãy chắc chắn rằng nó phù hợp với những đồ dùng hiện có để tránh phải mua thêm sạc, bộ chỉnh lưu hay dây cáp.

Tự đặt giới hạn cho bản thân và hạn chế mong muốn sở hữu nhiều thứ. Tính sở hữu của con người có thể là vô tận. Luôn có thứ gì đó mới mẻ khiến bạn muốn mua. Khi có chiếc Honda thì bạn muốn mua Mercedes. Khi đã có Mercedes, bạn lại mơ ước một chiếc Bentley. Khi đã có Bentley, bạn lại mơ tưởng đến Ferrari… Hãy nhớ, mong muốn sở hữu vật chất chỉ là một suy nghĩ tâm trí bạn đưa ra, nó không phải là mệnh lệnh bạn phải chấp hành.

Hiệu ứng Diderot – giải mã hành vi mua sắm hoang phí (Ảnh: vietnamnet.vn)

Chính Diderot đã từng nói: “Hãy để trường hợp của tôi thành bài học cho mọi người. Nghèo khó có cái tự do của nghèo khó mà giàu sang có cái trở ngại của giàu sang”. Vật chất là thứ phục vụ cuộc sống con người chứ con người không phải nô lệ chạy theo vật chất. Đôi lúc, tối giản cuộc sống lại giúp chúng ta thanh thản hơn, vui vẻ hơn và biết cách hài lòng với những điều mình đang có hơn.

Minh Lan

Exit mobile version