Một lần khi tôi đang ngồi trong một quán cà phê tại một giao lộ bốn chiều đông đúc ở một ngã tư, tôi quan sát thấy dòng người lái xe qua. Khi họ dừng lại, họ xem điện thoại của mình cho tới khi buông phanh ra và tiếp tục đi tiếp, đôi khi họ vẫn cầm điện thoại trong tay.
Có một hiện tượng vô cùng phổ biến hiện nay là: “Mọi người thà sử dụng các tương tác “ảo” trên điện thoại của mình còn hơn là giao tiếp với người khác”. Nói cách khác, điều này đã trở thành một “căn bệnh của thế kỷ”, khi tính cách, phong cách sống của một ai đó không còn đúng với hoàn cảnh ngoài đời của họ. Thậm chí những người này có phần thể hiện quá đà, thái quá, lố bịch… trên mạng xã hội, Internet, và dẫn đến họ rất mơ màng, áp lực, căng thẳng về cuộc sống thực tại.
Steve Hopper, một giáo viên trung học kiêm huấn luyện viên bóng chày đã có trải nghiệm sâu sắc về điều này. Anh kể câu chuyện của mình với mong muốn lan truyền một thông điệp hữu ích đến mọi người: “Hãy đặt điện thoại của bạn xuống và sống một cuộc sống có giá trị hơn”.
Hội chứng nghiện điện thoại thông minh thời hiện đại
Một lần khi tôi đang ngồi trong một quán cà phê tại một giao lộ bốn chiều đông đúc ở một ngã tư, tôi quan sát thấy dòng người lái xe qua. Khi họ dừng lại, họ xem điện thoại của mình cho tới khi buông phanh ra và tiếp tục đi tiếp, đôi khi họ vẫn cầm điện thoại trong tay.
Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là: “Tại sao lại có hiện tượng này, một người có cần thiết phải kiểm tra điện thoại của mình cứ mỗi hai giây không?” Hơn nữa, tôi nhớ rằng đây không phải là lần duy nhất tôi chứng kiến hành vi này, chứng nghiện điện thoại thông minh không phải là một hiện tượng xa lạ nữa. Gần đây tôi đã hủy kích hoạt tài khoản Facebook của mình vì loại tương tác qua mạng xã hội này gây can nhiễu vào cuộc sống hàng ngày của tôi, nhưng tôi nghĩ vấn đề còn hơn thế nữa.
Tôi thấy điều này mỗi ngày với các học sinh của mình trong lớp học. Nếu bạn không thường ở quanh một trường học, tôi sẽ giúp bạn vẽ ra một bức tranh: Những thanh thiếu niên đi dọc hành lang, hầu hết đều đeo tai nghe trong khi nhìn xuống điện thoại. Tôi thường lấy làm vui khi bất ngờ bước tới trước mặt họ chỉ để làm họ lúng túng vì va vào tôi, bởi họ không chú ý đến xung quanh một chút nào cả.
Lúc đó tôi có thể nửa đùa nửa nghiêm túc cảnh báo họ: “Các em không nên nhắn tin khi đang đi như thế”, nhưng các học sinh hiếm khi nghe theo. Tệ hơn nữa, tôi phát hiện một số học sinh trong lớp có các kết nối không lành mạnh. Tôi buộc phải mang điện thoại của họ đi đơn giản vì các em dường như khó có thể đặt chúng xuống được.
Thực ra, tình trạng này đối với người lớn cũng không khá hơn. Tôi quan sát thấy rằng ít nhất một nửa số đồng nghiệp của mình đang dùng điện thoại trong các cuộc họp sau giờ học, hoàn toàn phớt lờ người trình bày. Khi nghĩ lại tôi cảm thấy mình cũng có lỗi về điều này. Tôi đã từng xem hết ứng dụng này sang ứng dụng khác để kiểm tra các tin tức cập nhật mới nhất và lướt web một cách gần như là vô thức để tìm kiếm thứ gì đó mang tính giải trí nhiều hơn so với đời thực. Nhưng liệu có bất cứ điều gì tôi đã làm là thật sự cần thiết không? Chắc chắn là không rồi.
Tất nhiên, bây giờ chúng ta đã quá quen thuộc với những cách trải qua thời gian buổi tối hoặc cách giải trí hiện đại: một nhóm bạn hoặc các thành viên gia đình trong cùng một phòng, tất cả đều nhìn vào điện thoại của mình. Đáng buồn hơn là tôi đã nhìn thấy những kịch bản này trên chương trình ti vi vài tuần trước.
Đó là một câu chuyện tin tức của kênh truyền thông địa phương, trong đó phóng viên đã phỏng vấn một nhóm trẻ em về cảm giác của các cháu khi cha mẹ chúng dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại. Các bậc cha mẹ đã theo dõi cuộc trò chuyện từ một phòng khác, họ cảm thấy rất sốc khi hầu hết những đứa trẻ thú nhận rằng chúng thường cảm thấy bị phớt lờ hoặc tệ hơn nữa là sợ sẽ khiến cha mẹ tức giận nếu làm gián đoạn họ. Tất nhiên, điều này đã tạo thành một vấn đề lớn trong xã hội mà tất cả chúng ta cần phải đối mặt và giải quyết.
Điện thoại thông minh gây tác động tiêu cực của sức khỏe và tinh thần của con người
Đã hơn một thập kỷ kể từ khi điện thoại thông minh và máy tính bảng lần đầu xuất hiện. Kể từ đó, con người đã hoàn toàn dán mắt vào các thiết bị đó. Một mặt, công nghệ giúp cuộc sống hàng ngày trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, nhưng mặt khác, mọi người đã quá quen với việc sử dụng công nghệ, chúng ta xem nó đơn thuần như là cách để thoát khỏi những áp lực của thế giới thực và mọi người xung quanh. Vì thế, một hình ảnh mà nhiều người dễ dàng bắt gặp là: Mọi người thà dán mắt vào điện thoại của họ hơn là giao tiếp với người khác.
Tôi để tâm tìm hiểu xem chứng nghiện thiết bị thông minh của người hiện đại đã nặng đến mức nào và tìm được một nghiên cứu cho thấy người dùng điện thoại thông minh dành trung bình 140 phút cho điện thoại của họ mỗi ngày, mở khóa chúng hơn 70 lần và chạm vào chúng hơn 2.600 lần. Tôi đã rất sốc khi lần đầu tiên khám phá ra điều này. Tôi phát hiện mình rơi vào nhóm trung bình của những người sử dụng điện thoại thông minh, thật kinh khủng khi nghĩ rằng tôi đã lãng phí bao nhiêu thời gian trong cả năm chỉ vì nghiện điện thoại.
Sherry Turkle, một nhà tâm lý học thuộc MIT- Viện Công nghệ Massachusetts, tác giả của cuốn sách “Cùng nhau một mình: Tại sao chúng ta mong đợi nhiều hơn từ công nghệ và ít hơn từ người khác”, cô đã viết:
Tôi muốn chỉ ra rằng công nghệ có thể khiến chúng ta quên đi những gì chúng ta biết về cuộc sống, một trong những điều quan trọng là nó làm chúng ta bỏ quên việc hướng đến các mối quan hệ của mình, giao tiếp với những người khác cũng như xem xét cảm xúc của chính mình.
Nhận định của Turkle rất đúng, chúng ta cần rời khỏi các thiết bị để dành thời gian tích cực tham gia giao tiếp với mọi người xung quanh và nuôi dưỡng các mối quan hệ tốt hơn, vì đó là điều đúng đắn để duy trì mối quan hệ giữa con người. Quan trọng không kém, chúng ta cần hướng đến cảm xúc cũng như các giá trị tinh thần, bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không nhận ra bản chất chân chính của chính mình, thay vào đó là sự lo lắng, căng thẳng và những ảo tưởng cuộc sống xuất hiện do chứng nghiện điện thoại thông minh tạo ra trong cuộc sống của chúng ta.
Tôi biết điều này, bởi vì tôi từng là người như thế đó. Tôi đã từng quan tâm, chăm chút rất nhiều cho trang mạng xã hội của mình. Tôi muốn đăng những bức ảnh hoàn hảo kèm theo những dòng chú thích tuyệt vời. Sau đó, tôi phải liên tục kiểm tra, xem xét phản hồi từ những người theo dõi, qua đó tự khẳng định ‘giá trị ảo’ trên mạng xã hội của mình.
Tôi thường tham dự các cuộc trò chuyện tin nhắn theo nhóm, cố gắng lên kế hoạch cho nội dung tiếp theo trong khi đang làm việc. Tôi lướt Twitter hoặc Instagram vào bữa trưa thay vì giao tiếp với những người xung quanh. Và khi đã sử dụng hết tất cả các ứng dụng trên, tôi sẽ lướt đến phần cổ phiếu của mình chỉ để xem biến động nhỏ mới nhất về giá.
Tôi đã có một vấn đề nghiêm trọng và thậm chí không biết điều đó. Ngay cả khi mọi người xung quanh đùa tôi về việc sử dụng điện thoại nhiều như thế nào, tôi đã gạt đi và xem nó như một dấu hiệu của thời hiện đại. Tôi nghĩ điều này ổn thôi, vì tôi có thể cùng lúc làm các việc khác nhau, nên chẳng có vấn đề gì to tát ở đây cả. Tuy nhiên, tôi đã không hiểu rằng theo cách nào đó những thói quen này làm tôi suy giảm cảm giác an toàn trong khi lại làm tăng mức độ căng thẳng và lo lắng.
Tôi bắt đầu tập trung vào các câu trả lời cho các bài đăng của mình, hoặc những bài này nhận được bao nhiêu lượt yêu thích, hoặc mọi người có thường phản hồi cho tôi không, hoặc giá cổ phiếu của tôi lên hoặc xuống,… Mối quan hệ của tôi với điện thoại trở nên hoàn toàn bắt buộc và tiêu cực.
Cho đến một ngày, vấn đề về sức khỏe thể chất buộc tôi phải rời xa tất cả các tin nhắn và ứng dụng. Bước ngoặt để từ bỏ điện thoại thông minh là khi tôi bắt đầu có dấu hiệu bệnh thấp khớp. Tôi nghĩ rằng cơn đau ở tay và cổ tay là hội chứng ống cổ tay (hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay, hội chứng chèn ép thần kinh giữa). Cơn đau khiến tôi nhận ra mình đã chạm vào điện thoại biết bao nhiêu lần. Tôi buộc phải ngưng sử dụng tất cả các ứng dụng và việc nhắn tin, vì không muốn làm các triệu chứng mình đang gặp phải trầm trọng thêm. Tôi đoán rằng tất cả sẽ biến mất với một ít đá chườm lên chỗ đau và việc nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, các triệu chứng đã không biến mất, rồi tôi chợt nhận thấy một điều thậm chí còn quan trọng hơn nữa đối với mình: Cuộc sống này sẽ không kéo dài mãi mãi, sẽ có một lúc nào đó tôi không thể sử dụng tay, chân hoặc cơ thể của mình một cách linh hoạt như bây giờ. Tôi đang lãng phí những năm tháng đẹp nhất khi nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại thay vì sống cuộc sống của mình. Kể từ giây phút đó, tôi đã trở nên lưu tâm đến chứng nghiện thời hiện đại này và nỗ lực để đưa cuộc sống của mình trở lại bình thường.
Một tâm hồn bình an và tự tại không cần sự “trợ giúp” của điện thoại thông minh
Để vươn đến mục tiêu tìm lại và cân bằng cuộc sống, tôi tìm đọc cuốn sách “Hạnh phúc hơn 10%” của tác giả Dan Harris. Cuốn sách đã mở mắt cho tôi về tầm quan trọng của việc sống tận tâm và sống với hiện tại. Harris là một người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh ABC, ông đã có một trải nghiệm sâu sắc khi mắc phải hội chứng hoảng sợ lúc đang lên sóng truyền hình quốc gia. Ông nhận ra rằng điều này là do sự căng thẳng và lo lắng quá mức liên quan đến lối sống hiện đại của mình, chẳng hạn như việc Harris phải thường xuyên kiểm tra điện thoại để giữ liên lạc mọi lúc mọi nơi do tính chất của công việc.
Tương tự, tôi nhớ rằng mình thường xem điện thoại không ngừng, chủ yếu là để giải trí hàng ngày. Tôi đã cho phép tâm trí mình bị ám ảnh bởi những cập nhật, thông báo, tin nhắn, tweet và bài đăng mới nhất thay vì tập trung vào thế giới thực, đặc biệt là những người xung quanh.
Vì vậy, tôi đã theo lời khuyên của Harris, bắt đầu rèn luyện chính niệm và thiền định trong cuộc sống hàng ngày. Tôi phải nói rằng nó đã có tác dụng cực kỳ tích cực, đó là lý do tại sao tôi viết về nó ở đây. Bạn sẽ không mất nhiều thời gian để lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình và giảm đáng kể sự căng thẳng do chứng nghiện điện thoại thông minh.
Ví dụ, để tránh sử dụng thiết bị này, bạn có thể sạc pin điện thoại của mình ở một phòng khác cạnh phòng ngủ. Tôi thường xuyên kiểm tra điện thoại mỗi sáng sau khi thức dậy và mỗi tối trước khi đi ngủ, bây giờ tôi hạn chế các tương tác của mình trong những khoảng thời gian này, thay vào đó tập trung vào việc khởi đầu ngày mới và kết thúc ngày một cách đầy thư giãn. Bạn có thể đặt điện thoại ở chế độ im lặng trong khi làm việc. Nếu bạn muốn tập trung vào một việc gì đó, đừng để điện thoại làm bạn xao lãng. Khi ấy, bạn sẽ thấy rằng mình có thể chú tâm cao độ vào công việc đang làm.
Một thách thức khác là việc bạn phải chống lại ham muốn thôi thúc sử dụng điện thoại như một công cụ giải thoát khỏi cuộc sống thực. Chúng ta cần biết rằng, đôi khi chính niệm có nghĩa là nhận thức được những gì đúng đắn chúng ta cần làm, kiểm soát bản thân khỏi những ham muốn vô ích trong những khoảnh khắc dường như ‘nhàm chán’ suốt cả ngày.
Bây giờ, thay vì dùng điện thoại trong khi xếp hàng chờ, tôi chỉ đơn giản là đứng chờ theo hàng. Tương tự như vậy, khi dùng các bữa ăn, tôi chỉ ăn mà không lướt Instagram cùng lúc. Trong suốt cả ngày, tôi chủ động nhắc nhở bản thân hãy dừng lại, dừng lại, nhìn xung quanh và tận hưởng một vài khoảnh khắc chính niệm, để biết mình đang làm gì, nên phải làm gì, cảm thấy gì, điều gì là đúng đắn, là thích hợp để làm,…
Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối cùng bạn nhận thấy nụ cười đáng yêu của một đứa bé, nhìn ngắm một bông tuyết rơi xuống đất? Hoặc lần cuối cùng bạn thực sự thưởng thức hương vị cà phê mình đang uống? Bạn sẽ rất ngạc nhiên về cảm thấy thư giãn đến mức khó tin khi bạn có thể chậm lại thời gian và mọi thứ bằng cách tránh những phiền nhiễu vô bổ không cần thiết.
Cuối cùng, tôi khuyên bạn nên xóa một số ứng dụng, đặc biệt là các ứng dụng truyền thông xã hội. Nếu bạn muốn sử dụng điện thoại của mình ít hơn, đừng tạo cơ hội để mình bị cuốn vào. Thay vào đó, hãy sử dụng thời gian rảnh để tham gia một hoạt động giúp bạn kết nối với thế giới. Tôi đã dành nhiều thời gian hơn giao tiếp với mọi người, nhiều thời gian hơn để đọc sách và để viết blog. Thật tuyệt vời khi trong một lượng nhỏ thời gian ta có thể thay thế các việc vô ích bằng các hoạt động bồi dưỡng tâm hồn hơn.
Khi tôi ngồi đây và thấy mọi người liên tục kiểm tra điện thoại của họ, tôi nghĩ có một thông điệp quan trọng cần lan truyền: “Hãy đặt điện thoại của bạn xuống, bạn sẽ ổn cả thôi”. Trên thực tế, mọi thứ vẫn ổn khi thậm chí chúng ta không có điện thoại trong tầm tay vào mọi lúc. Bạn sẽ ngạc nhiên về cảm giác tuyệt vời của mình khi làm được điều đó.
Tâm An