Cách một người đối xử với những người xung quanh phản ánh rõ nét thế giới nội tâm bên trong của họ. Cùng trong hoàn cảnh người khác có lỗi lầm, có người sẵn sàng mắng nhiếc, còn có người lại thấy đó là cơ hội để lắng nghe. Câu chuyện của một lái xe tải và người phục vụ dưới đây sẽ cho ta thấy cách hành xử kiểu Mỹ trong một tình huống có lỗi lầm như thế.
Câu chuyện xảy ra trong nhà hàng 4StarDiner tại thành phố Roland, Ohio, Hoa Kỳ vào đúng Ngày của mẹ. Brenda Pearson là nhân viên phục vụ của nhà hàng, đồng thời cũng là nhân vật chính trong câu chuyện.
Brenda là mẹ của hai con, trước khi kiếm được công việc tại 4Star Diner, cô đã ở trong tình trạng thất nghiệp một thời gian dài. Công việc tại nhà hàng đã giúp cho Brenda rất nhiều trong việc duy trì cuộc sống của ba mẹ con. Dù hôm đó là ngày của mẹ, Brenda vẫn phục vụ trong nhà hàng tới tối muộn. Và dù không được ở bên các con trong ngày đặc biệt này, nhưng Cuộc sống đã mang đến cho cô một món quà lớn, đầy bất ngờ.
Một tài xế xe tải đã ghé qua nhà hàng. Anh đã đặt một chiếc bánh humberger phô mai để mang đi. Tuy nhiên, người làm bếp đã mắc lỗi bất cẩn. Chiếc bánh đã thiếu mất một lát bánh mì. Khi nhận ra có lỗi, Brenda đã đề nghị đổi lại một chiếc bánh khác cho thực khách của mình. Anh David Platt, người tài xế xe tải đã chấp thuận chờ đợi.
Thay vì khó chịu hay cáu kỉnh, David trò chuyện với Brenda. Họ cùng nói về Chúa, về đức tin. Brenda cũng kể về cuộc sống và những đứa trẻ của cô với David. Họ đã có một cuộc nói chuyện nhỏ khá cởi mở cho đến khi chiếc bánh mới hoàn thành.
Lúc thanh toán tiền, David đã yêu cầu để lại tiền tip là 1.000 đô la. Điều này đã khiến Brenda vô cùng kinh ngạc. Cô chia sẻ với tờ 5news: “Tôi đã hỏi lại anh ấy, điều này là thật sao? Và anh ấy trả lời đúng vậy”. Điều này khiến cho Brenda cảm thấy bất ngờ như thể ai đó đã lấy mất hơi thở của cô.
Còn David lại nhìn nhận việc này đơn giản chỉ là một việc làm đúng mà anh cần làm.
“Tôi có cảm giác rằng cô ấy đã trải qua một thời kỳ khó khăn. Nên tôi nghĩ rằng mình sẽ giúp đỡ cô ấy một chút”.
Đó là lý do mà David để lại số tiền típ lớn như vậy.
Nhưng bất ngờ chưa dừng lại ở đó. Một giờ sau David quay lại để mua một chiếc bánh ngọt. Lần này anh tiếp tục gửi tặng Brenda 1.000 đô la nữa.
Món quà lớn này thực sự có ý người với bà mẹ của hai con. Cô chia sẻ với 5 news rằng sau một thời gian thất nghiệp quá lâu 2.000 đô la này sẽ giúp cô nhanh chóng ổn định lại cuộc sống. Về phần David, giải thích với các báo về hành động của mình, anh cho biết:
“Tiền chỉ là những mảnh giấy hoặc những con số trên màn hình”, David chia sẻ. “Khi người ta chỉ nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình, điều đó không có nhiều ý nghĩa. Chỉ khi bạn có thể giúp đỡ được ai khác, bạn mới có thể góp điều gì đó tốt đẹp vào thế giới này. Đó là một sự đầu tư, đó là con người. Theo tôi, con người mới là điều quan trọng nhất”.
Không chỉ David, dường như rất nhiều người Mỹ khác cũng có cùng suy nghĩ với anh. Brenda không phải là người duy nhất nhận được khoản tiền típ khổng lồ như vậy. Một thời gian ngắn trước, nữ phục vụ 18 tuổi Alesha Palmer, tại Texas cũng đã nhận được món quà đặc biệt từ một vị khách giấu tên.
Ngày hôm đó, khi tiếp chuyện một đôi vợ chồng là khách quen của quán, Alesha kể cho họ phần nào về cuộc sống của mình. Cô đang là học sinh năm cuối trung học, và chỉ còn một thời gian nữa sẽ tốt nghiệp. Ngoài giờ lên lớp, Alesha dành 30 tiếng làm thêm để tiết kiệm tiền cho việc học sắp tới của mình. Đó cũng chính là lý do mà vị khách giấu tên đã muốn gặp quản lý của cô sau khi dùng bữa. Ông không muốn phàn nàn về cô mà thực lòng muốn giúp đỡ một khoản tiền nhỏ vào kế hoạc tiết kiệm để đi học.
Suy ngẫm
Dưới câu chuyện của Brenda, một người xem đã bình luận rằng, hành động của David đúng là “cách hành xử kiểu Mỹ”. Điều này có đủ để khiến bạn ngẫm nghĩ đôi chút? Vậy “hành xử kiểu Mỹ” ấy là như thế nào?
Câu chuyện của Brenda hay Alesha đều chỉ là những lát cắt của cuộc sống ở nước Mỹ. Nhưng, lát cắt ấy vẫn đủ để chúng ta thấy, ở xứ cờ hoa, con người có một cách khác để đối diện với nhau. “Người dưng” cũng là một danh từ khiến người ta phải suy ngẫm.
Trong tình huống có lỗi lầm, David không bắt lỗi, cũng không cáu kỉnh. Anh đã lấy đó là cơ hội để trò chuyện với Brenda, nhân viên phục vụ. Đáng trân trọng hơn, họ có thể mở lòng với nhau như những người bạn, để chia sẻ về những điều quan trọng với mỗi người: Đức tin và cả những khó khăn của cuộc sống. Không quen biết, không phải là bạn bè, họ chỉ là những người lướt qua cuộc sống của người kia trong giây lát, vậy mà lại có đủ kiên nhẫn để lắng nghe, đủ mở lòng để chia sẻ tất cả những điều này. Nghĩ tới đây tôi chợt thấy hai chữ “nhân văn” xuất hiên trong tâm trí.
Vậy phải chăng “nhân văn” đơn giản là như thế: Là trò chuyện với một người không quen biết bằng sự chân thành. Trò chuyện không đơn thuần vì để kiếm chuyện làm quà, để thoát khỏi sự nhàm chán hay lấp đầy khoảng yên lặng. Họ trò chuyện bằng sự quan tâm thật sự tới người đối diện. Trò chuyện để “lắng nghe” lên tiếng.
Nhân văn còn nằm trong cả suy nghĩ “tôi sẽ giúp cô ấy chút gì đó”. David không chỉ lắng nghe để hiểu những điều Brenda đang trải qua mà anh còn sẵn sàng chia sẻ những khó khăn ấy. Vì mình có nhiều, có đủ mà người kia lại đang thiếu, đang vất vả, nên cách làm đúng đắn nhất là sẻ chia. Triết lý sống ấy phải chăng quá đơn giản đối với suy nghĩ phức tạp, đầy toan tính của con người hiện đại như chúng ta?
Trong giây phút David và người giấu mặt quyết định giúp đỡ Brenda và Alesha, từ “người dưng” dường như đã biến mất trong giây lát khỏi từ điển của loài người. Thay vào đó là hai chữ “tình người”.
Dù không phải ai cũng có điều kiện giúp đỡ người khác những số tiền lớn như vậy, nhưng tiền típ của người Mỹ theo một cách nào đó đã trở thành nhịp cầu nối những người cần giúp đỡ với những người sẵn lòng giúp đỡ. Để rồi, họ cùng nhau san sẻ những khó khăn với người khác theo một cách thật tế nhị và cùng với đó, bồi đắp sự quan tâm, lòng biết ơn, sự thiện lương trong mỗi người.
Hy Văn