Đại Kỷ Nguyên

Gọi điện cho con từ trại phong vì nhớ, bà cụ nhận câu trả lời khiến tất cả xót xa

Cuộc sống hiện đại trong mắt nhiều người như một bức tranh mỹ lệ đầy sức hấp dẫn và thu hút. Những tòa cao ốc chọc trời, những chiếc ô tô bóng loáng vào ra, những con người mặc vest đeo cà vạt, những phụ nữ vội vã rảo bước trên những đôi giày cao gót với chiếc Smartphone trên tay…. là ước mơ và đam mê của bao nhiêu thanh niên lập nghiệp thời nay…

Họ là những người khao khát thành đạt. Tôi nghĩ thế, và tôi cũng hiểu họ đã cố gắng phấn đấu như thế nào để đạt mục đích ấy.

Họ mải mê với thành công, với những tiếng cười và lời chúc tụng, và mải mê với những cuộc chơi phù phiếm chốn thị thành. Thành đạt rồi họ bỗng quên mất những ngày xưa trong trẻo ở chốn quê hương nơi mẹ vẫn ngóng trông. Mùi hương đồng gió nội ghi dấu một tuổi thơ êm đềm trong vòng tay mẹ… đâu còn hấp dẫn.

Người mẹ già năm ấy… đã bị bỏ lại trong lãng quên, trong cái bóng loáng của tiện nghi, cái êm ấm của sa lông, rượu ngon và những ngọn đèn sặc sỡ đủ màu. Đã có biết bao người con như thế…

Dưới đây là một câu chuyện có thực xảy ra tại trại phong Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội. Cộng đồng mạng liên tục chia sẻ một đoạn clip ghi lại hình ảnh người mẹ già bị bệnh phong đã nhờ người gọi điện thoại để được nói chuyện với con của mình. Đó sẽ chỉ là một cuộc hội thoại bình thường của một người mẹ lâu ngày không gặp con nếu như người ta không nghe thấy những câu đáp trả đầy hờ hững từ phía đầu dây bên kia.

Bà cụ: “Ờ! Mà chả thấy tin tức gì cả thì gọi điện nhờ… Bây giờ đang đi làm à?” – Bà cụ vui vẻ, rồi quay sang nói với người bên cạnh: “Anh nghe hộ tôi, tôi nghe không được minh bạch.”

Người con: “Không nghỉ được đâu!”

Bà cụ: “Thế có về à? Nay chủ nhật có đi làm à?”

Người con: “Vâng! Con đi làm, hôm nào nghỉ con lên nhé, con đang đi họp phụ nữ nhé!”

Bà cụ: “Thế hôm nay đi họp phụ nữ, hôm nào lên?” – Bà cụ vẫn tiếp tục hỏi.

Người con: “Con đi họp phụ nữ, hôm nào con nghỉ con lên!”

Bà cụ: “Hôm nào biết hôm nào? Mẹ bây giờ già yếu phải lên với mẹ một tí chứ! Còn chúng nó thế nào?…” – Bà cụ hỏi dồn dập, tay nắm chặt tờ giấy trắng như thể chờ đợi một câu trả lời từ rất lâu rồi, thế nhưng đầu dây bên kia không có hồi đáp. “Đấy! Nó lại tắt máy rồi!” – Bà thở dài pha lẫn thất vọng.

Đấy! nó lại tắt máy rồi!”, có lẽ bà đã phải nghe câu nói này rất nhiều lần, đến nỗi không quá ngạc nhiên trước hành động của con mình. Người mẹ lại rơi vào bóng tối, tủi thân, cô độc, lầm lũi đi về trại Phong. Dưới bầu trời bao la và mênh mang, bà thấy nhớ quê nhà và người thân. Đâu mới là nơi bà thuộc về, đứa con dường như không còn nhớ trên đời này còn một người mẹ đang cô đơn ở một nơi xa lạ nữa.

Bà chỉ có đứa con ấy là niềm hy vọng, là sợi dây mà bà cảm thấy mình tồn tại. Cái nghèo cái khổ bà còn chịu được, nhưng nỗi nhớ con thì luôn đau đáu trong đôi mắt bà, khiến bà day dứt buồn thương không thôi… Những giọt nước mắt lăn dài rồi đọng trên khóe mắt nhăn nheo của bà lão đang ngồi thui thủi trong bóng đêm gần về sáng. Những đứa con đang theo đuổi thứ vật chất phù du ngoài kia, có hiểu thấu chăng?

Câu chuyện buồn của bà lão khắc khổ đầy sương gió khiến người ta thấm thía hơn câu nói: Nước mắt ngàn đời chảy xuôi chứ có bao giờ chảy ngược. Cha mẹ sinh con ra nuôi con khôn lớn nhưng rồi có bao nhiêu đứa trẻ khi trưởng thành đủ sâu sắc để nhận ra tấm lòng không vị kỷ ấy mà báo đáp ơn sinh thành, dưỡng dục.

Tôi chợt nhớ đến ngày xưa, có một gia đình nghèo đói, bữa cơm đơn giản lắm, chủ yếu là cà pháo và rau muống luộc chấm nước mắm. Nuôi được con gà cũng phải canh để khỏi bị bắt trộm, chắt chiu từng quả trứng cho con cho cháu. Rồi một ngày, một chú gà ốm và bị làm thịt, đã rất lâu rồi gia đình ấy mới được thưởng thức một bữa cơm có thịt.

Trong bữa ăn, người mẹ gắp tất cả miếng ngon cho đứa con và người cha cũng vậy, còn miếng xương thì để phần mình. Những đứa trẻ ngây thơ vô tư hỏi sao bố mẹ không ăn mà để dành hết cho chúng?

Người mẹ hiền từ nói: “Bố mẹ không thích những miếng đó, bố mẹ thích ăn những miếng này”. Nói rồi bà nhặt nhạnh những gì xương xẩu còn vương vãi ăn một cách ngon lành… Những đứa trẻ hồn nhiên tin rằng đó là sự thật, người lớn chỉ thích ăn những gì xương xẩu.

Cho đến một ngày những đứa trẻ đủ khôn lớn để biết được điều bí mật giản dị đầy yêu thương trong đó.

Ấy vậy mà, có lúc nào đó, chúng lại quên đi bữa cơm năm nào, mải mê trong vòng quay của tiền tài mà không nhận ra sự hy sinh lớn lao của cha mẹ. Đến lúc chợt nhớ ra tình yêu thương ấy thì đã quá muộn rồi…

Tôi rất tâm đắc với một câu nói này: “Trải qua thời gian lâu như vậy, nhưng chưa bao giờ Mặt Trời nói với Trái Đất: Ngươi nợ ta! Điều gì đến với một tình yêu to lớn như thế? Nó chiếu sáng cả bầu trời…”

Thứ ánh sáng ấy giống như tình cảm mà cha mẹ dành cho con cái, đẹp đẽ mà bao la, không biên giới. Vậy nên, phận làm con, dù không thể chăm nom cho cha mẹ một cách tốt nhất, thì cũng hãy cố gắng sống tốt, thành người, để không phụ thứ ánh sáng tuyệt vời mà họ bao nhiêu năm cố gắng gìn giữ cho bạn.

Tâm Thanh

Xem thêm:

Exit mobile version