Đại Kỷ Nguyên

Giao tiếp chân thành: 5 gợi ý giúp bạn nói thật mà không sợ mất lòng

Nói lên sự thật luôn là điều cần có để có sự giao tiếp chân thành. Nhưng đôi khi, chúng ta cần cân nhắc đến cách thức nói ra sự thật, để tránh việc biến “sự thật khách quan” trở thành thứ vũ khí làm tổn thương người đối diện. 

Nếu bạn nói với ai đó rằng “hãy nói ra sự thật”, nhiều người sẽ liên tưởng đến việc xúc phạm người khác. Tuy nhiên, sự thật luôn mang đến những điều tích cực cho một mối quan hệ. Nhưng tại sao “nói ra sự thật” lại có thể trở thành điều làm tổn thương người khác?

Câu trả lời rất có thể là bạn đang sống trong một xã hội nơi đó có một luật bất thành văn trong các mối quan hệ: không nói thật để đảm bảo rằng mình là người tử tế (không bao giờ xúc phạm người khác). Nó giống như việc chúng ta thống nhất để hòa hợp với người khác sẽ không bao giờ nói những điều họ không muốn nghe. Đó là lý do tại sao, người ta đi đến một kết luận sai lầm rằng để khiến lời nói dối biến mất thì phải diễn tả thật thẳng thừng các sự thật cho người đối diện.

(Ảnh minh họa: Educationquest)

Đôi khi, người ta nói ra một sự thật với tâm giận giữ. Nhưng cũng có những trường hợp người đón nhận sự thật lại cảm thấy “đau lòng” khi nghe những lời nói thật mặc dù khi nói ra, chúng ta đã ngụ ý cho họ biết rằng đó là những lời góp ý chân thành. Vậy cần giải quyết vấn đề “nói thật” này như thế nào?

Ông bà ta xưa có câu “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Nên mỗi cá nhân cần tập cho mình cách đón nhận những lời góp ý và đưa ra những lời góp ý sao cho không dẫn đến những xung đột lớn. Hãy cùng xem xét những gợi ý dưới đây để có thể luôn thẳng thắn và chân thành trong giao tiếp. 

1. Hãy trình bày ý kiến của bạn một cách xây dựng nhất có thể

Tính xây dựng luôn là động cơ quan trọng nhất cho một lời nói thật hay lời góp ý (Ảnh mình họa: Good Housekeeping)

Trước hết, việc làm rõ động cơ thôi thúc chúng ta nói ra sự thật là điều quan trọng đầu tiên mà bạn cần làm rõ với chính mình. Hãy tự đặt câu hỏi, bạn có thực sự muốn góp ý một cách xây dựng cho đối phương hay đơn thuần là muốn sử dụng sự thật ấy để khiến người kia cảm thấy đau lòng. 

Cách thức mà chúng ta nói lên sự thật sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào động cơ này. Khi động cơ của bạn là tích cực, bạn sẽ chọn được cho mình cách giao tiếp dễ chịu nhất dành cho đối phương. Khi bạn chỉ ra một điểm yếu, hãy chỉ ra nó một cách xây dựng nhất có thể thay vì tạo nên sự bất hòa với người đón nhận. Nếu bạn làm theo cách này, những “lời nói thật” sẽ không mang tính hung hăng hay khiêu khích. Nó không khiến người kia cảm thấy bạn đang đổ mọi tội lỗi lên đầu họ. 

2. Hãy sẵn sàng lắng nghe

Bạn có thể nói sự thật, bạn cũng có thể lắng nghe sự thật. Cả hai đều có điều gì để nói (Ảnh minh họa:mis.com.mk)

Thông thường một sự thật không thoải mái thường liên quan đến cả hai bên. Nên nếu bạn có thể nói ra sự thật, bạn cũng có thể lắng nghe nó. Bởi những cuộc đối thoại chân thành đều có hai chiều. Cả bạn và người kia sẽ đều có điều muốn nói. 

Lắng nghe có nghĩa là mở tâm trí của bạn để tiếp nhận quan điểm của người kia. Thêm một bậc nữa, lắng nghe một cách xây dựng là để rút ra những kết luận hữu ích cho tất cả những bên tham gia. Do đó không nên miễn cưỡng hiểu lý do của người khác. 

3. Đừng nghĩ thay người khác

Hãy chuẩn bị cho mình một tâm thế bình tĩnh, không có định kiến khi muốn góp ý, hay nói với ai đó một sự thật có thể gây khó chịu (Ảnh minh họa: univision.com)

Đây không phải là hoàn cảnh thích hợp để bạn nghĩ thay người khác. Chúng tôi sẽ định nghĩa điều này theo hai hướng. 

Đầu tiên, đừng hình dung ra cách mà người kia phản ứng với sự thật mà bạn nói đến. Đừng dự đoán trước những phản ứng tiêu cực hay những cảm xúc xấu của người kia. Như vậy bạn sẽ chuẩn bị cho mình một tâm thái thoải mái nhất cho cuộc gặp gỡ và không hành động dựa trên định kiến của mình. 

Thứ hai, đừng giả định rằng bạn đã hoàn toàn hiểu được động cơ, suy nghĩ hiện thời và những cảm xúc còn ẩn giấu của người kia. Điều đó sẽ khiến bạn phán xét họ. Vậy nên, hãy chuẩn bị một tâm thái bình tĩnh, cởi mở, sẵn sàng đón nhận những điều sẽ đến. 

4. Rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề

Thẳng thắn, rõ ràng, dễ hiểu là những tính chất cần cho một cuộc nói chuyện khó khăn như thế này (Ảnh minh họa: Pinterest)

Một sự thật mất lòng thường rất đáng sợ nếu bạn trình bày nó với một tâm thế tức giận, những lời nói nặng nề, thô lỗ và thiếu tôn trọng. Nhưng cũng là không tốt nếu bạn dùng đến lối nói quá khéo léo (uyển ngữ). Trong cả hai trường hợp, bạn đều đang bóp méo mục đích thực sự của cuộc đối thoại là nói về sự thật mà cả hai bên đang cần nhìn nhận. 

Điều đúng đắn nhất bạn có thể làm là nói về những sự thật đó một cách bình tĩnh và rõ ràng. Sự chơi chữ chỉ mang đến cảm giác bạn đang muốn che dấu một điều gì đó hoặc đang muốn áp đặt ý kiến của mình trong tình huống giao tiếp. Hãy cân nhắc những từ ngữ phù hợp nhất để tạo nên những thông điệp chính xác, ngắn gọn và dễ hiểu. 

5. Hãy luôn có mục đích khi nói đến những “sự thật gây khó chịu”

Hãy luôn làm rõ mục đích của mình: Bạn muốn đạt được thỏa thuận nào sau khi nói ra sự thật (Ảnh minh họa: twitter)

Khi bạn muốn nói với ai đó sự thật, luôn có một mục đích đằng sau nó. Nhưng trong đa số trường hợp, người ta luôn không cố gắng làm rõ mục đích này vào đầu buổi trò chuyện. Đây có thể là một sai lầm lớn nếu động lực thúc đẩy bạn không mang tính tích cực. 

Câu hỏi ở đây là: Bạn muốn đạt được điều gì khi nói ra sự thật? Một câu trả lời chỉ thực sự lành mạnh là khi bạn mong muốn đạt được mục đích giải quyết mâu thuẫn, hiểu người kia hơn và nâng cao chất lượng mối quan hệ. 

Hãy tháo bỏ cho bản thân suy nghĩ “nói lên sự thật” là xúc phạm người kia. Sự thô lỗ không tương đồng với sự chân thành. Con người sẽ dễ dàng chấp nhận sự thật nếu bạn nói về chúng bằng sự tôn trọng đối với người kia và trong mục đích tạo dựng những điều tốt hơn cho những người liên quan. 

Theo Exploringyourmind

Hy Văn biên dịch

Exit mobile version