Đại Kỷ Nguyên

Giáo đường Giày cao gót ở Đài Loan và câu chuyện ý nghĩa đằng sau

Tại Đài Loan có một giáo đường với kiến trúc rất độc đáo, đặc biệt: Giáo đường Giày cao gót.

Giáo đường Giày cao gót được xây dựng trong công viên Hải Cảnh, thị trấn Đại Bộ, huyện Gia Nghĩa, tây nam Đài Loan. Nó được xây dựng từ 320 tấm kính, cao 6 tầng. Đây được xem là công trình có kiến trúc độc đáo bởi nó có hình dạng của một chiếc giày cao gót. Nhưng điều đặc biệt hơn là ở ý nghĩa của công trình này!

Truyền thông nước Anh và nước Đức đã từng đưa rất nhiều thông tin về công trình này. Nhưng những thông tin của họ không phải tập trung vào giáo đường mà là câu chuyện đằng sau đó khiến nhiều người phải rơi lệ.

Chiếc giày cao gót trong suốt này cao 17m, rộng 11m. Kết cấu chính của nó do 1269 khung thép tạo thành. Dưới mặt đất là thảm cỏ màu xanh lá và bên trên là chiếc giày màu xanh da trời.

Trong lễ cưới truyền thống của người Đài Loan, lúc kết hôn, cô dâu sẽ đi giày cao gót và bước trên tấm ngói giẫm nát. Điều này có ý nghĩa là giẫm nát những gì không tốt trong quá khứ, vứt bỏ đi và bước vào một cuộc sống tốt đẹp sắp tới.

Nhưng vào những năm trước đây ở vùng duyên hải tây nam của Đài Loan, dịch bệnh đen chân xảy ra vô cùng phổ biến. Bệnh này đã khiến cho rất nhiều cô gái bị cắt chân để giữ mạng sống do đó rất nhiều cô gái không còn cơ hội để đi giày cao gót vào giáo đường làm lễ cưới. Để kỷ niệm giai đoạn lịch sử này và hướng tới một cuộc sống hạnh phúc, cục du lịch Đài Loan đã cho xây dựng giáo đường Giày cao gót này. Hy vọng giáo đường “Giày cao gót” thủy tinh màu xanh lấp lánh như những hạt muối dưới ánh sáng mặt trời có thể mang lại tương lai tốt đẹp cho người dân nơi đây.

Theo Cmoney.tw
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version