Đại Kỷ Nguyên

Yêu trẻ, mến nghề, những người đàn ông quyết định làm thầy giáo mầm non

Dù đang có công việc ổn định làm văn phòng và đã vào biên chế nhưng anh Cao Văn Chương quyết định bỏ việc hiện tại và chờ cơ hội được trở thành thầy giáo mầm non. Gia đình choáng váng, bạn bè bất ngờ ngăn cản nhưng anh Nguyễn Phương Bình vẫn theo đuổi ước mơ của mình và trở thành thầy giáo mầm non.

Muốn trở thành một thầy giáo dạy mầm non đúng nghĩa

Anh Cao Văn Chương (35 tuổi), nhân viên hành chính của Trường Mầm non Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đến nay đã được 9 năm, anh Chương hào hứng cho biết mình đã chuẩn bị tinh thần chuyển sang làm giáo viên mầm non khi có cơ hội.

Anh Chương bẽn lẽn cười, khoe vừa tốt nghiệp và nhận tấm bằng đại học ngành Sư phạm Mầm non của ĐH Quảng Bình. Anh Chương chia sẻ với Vietnamnet: “Làm trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với trẻ khiến mình cảm thấy càng thêm yêu trẻ và thích thú với công việc này nên muốn trở thành một giáo viên mầm non”.

Anh Cao Văn Chương (ảnh: Vietnamnet).

Nói về nghề sắp tới, anh cũng lường trước được công việc của giáo viên mầm non vất vả nhất trong các bậc học. Đặc biệt đòi hỏi người giáo viên cần một sự kiên trì, nhẫn nại lớn trong quá trình chăm sóc trẻ.

Anh Chương nói: “Tôi biết những khó khăn sẽ phải đối diện nhưng nếu bản thân mình cố gắng thì sẽ vượt qua được tất cả. Bản thân tôi đã có 2 con nên cũng hiểu rõ việc chăm trẻ. Cứ xác định con của người ta gửi đến trường cũng như những đứa con non nớt của mình ở nhà, vì thế phải cố gắng hết sức để chăm sóc các cháu một cách tốt nhất”.

Anh tự tin cho rằng bản thân mình tuy là nam giới nhưng hoàn toàn có thể làm tốt những công việc như dỗ trẻ khóc, cho trẻ ăn. Bởi sau khi tốt nghiệp, anh Chương đã trải qua những lớp thực tập và cũng dạy thử, chăm sóc và tổ chức các hoạt động khác cho trẻ như các cô giáo một cách bình thường.

Nói về việc công việc giáo viên mầm non thường là nữ, nam giới không mấy ai nghĩ đến công việc này, anh Chương bày tỏ suy nghĩ: “Chắc là bởi họ chưa dấn thân vào môi trường mầm non để hiểu và cảm nhận. Tôi có may mắn khi công tác tại trường mầm non trong khoảng thời gian khá dài, gần 9 năm, nên phần nào cũng hiểu hơn về cách chăm sóc trẻ. Chắc chắn giáo viên mầm non đối với nam giới sẽ khó khăn hơn so với nữ giới. Nhưng mình sẽ cố gắng cùng với các cô giáo để học hỏi kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân hơn và có thể đáp ứng tốt công việc”.

Thường xuyên tiếp xúc với trẻ khiến tình yêu với nghề dạy học ngày một lớn, càng thôi thúc anh Chương muốn thử sức với công việc mà nhiều nam giới e ngại (ảnh: Thanh Hùng/Vietnamnet).

Anh cho hay hiện anh vẫn tiếp tục duy trì công việc hành chính văn phòng của trường và chờ đợi. Năm học này, nếu có cơ hội anh có thể thỏa ước nguyện được trở thành giáo viên mầm non.

Làm việc tại trường 9 năm nên các cô giáo có thể hiểu về con người và tình yêu trẻ của anh Chương và ủng hộ quyết định của anh. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào sự sắp xếp của huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Nếu được, anh Chương sẽ trở thành thầy giáo mầm non duy nhất của vùng đất khó khăn Minh Hóa, Quảng Bình.

Gia đình “choáng”, bạn bè bất ngờ

Cũng với tình yêu trẻ, đam mê với nghề từ hồi còn học lớp 11, cậu học trò Nguyễn Phương Bình đã xác định mình sẽ theo nghề giáo viên mầm non. Đến nay, đã gần 14 năm, thầy Bình là “mẹ hiền” của trẻ mầm non.

Bị thu hút trước sự hồn nhiên, ngây thơ và thông minh của trẻ nhỏ, tự thấy mình có khả năng chăm sóc và dạy các bạn nhỏ nên Bình xác định sẽ trở thành giáo viên mầm non.

Gia đình chưa kịp mừng khi con theo Sư phạm thì “choáng” khi nghe con chọn Mầm non. Rồi đến bạn bè cũng bất ngờ, cũng can ngăn không chỉ vì những lý do thông thường như giáo viên mầm non vất vả, thu nhập thấp mà chủ yếu cho rằng đó là nghề dành cho nữ giới.  

Cho đến khi đi học Sư phạm, Bình cũng là “độc đinh” trong lớp, thậm chí trong khối. Ai gặp cũng hỏi, sao Bình chọn nghề này. Ra trường đi dạy, nhiều phụ huynh vừa tò mò lẫn lo lắng khi “mẹ hiền” của con mình lại một nam thanh niên, trong khi công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, nhẹ nhàng… Nghe những điều đó, Bình chỉ cười và “giải đáp” bằng chính sự tận tụy, lòng yêu trẻ và sự gắn bó với nghề của mình bao nhiêu năm qu, theo báo Dân Trí.

Khó khăn nhiều nhưng cũng lắm lợi thế bởi tình yêu trẻ, yêu nghề

Thời gian đầu khi Bình mới ra trường, lại nhận lớp nhà trẻ, việc chăm sóc phức tạp, khó khăn hơn do các cháu chưa biết tự làm vệ sinh cá nhân. Lên lớp vài hôm, thầy Bình cũng… hết hồn, trong lòng nghĩ hay thôi mình nghỉ. Nhưng rồi, tiếp xúc với trẻ, các em rất tình cảm, nhanh quý mến người khác nên đã tiếp thêm động lực cho Bình. 

Nguyễn Phương Bình là giáo viên mầm non Trường Mầm non 1, quận 5, Tp.HCM (ảnh: Dân Trí).

Khi thật tâm yêu nghề, gắn bó với nghề, yêu trẻ thì không còn sự phân biệt giới tính, thậm chí thầy giáo còn có ưu điểm vừa làm mẹ vừa làm cha. 

Đối với trẻ nhỏ, nhất là các bé trai, sự hiện diện của một người đàn ông mạnh mẽ, hào hiệp, gánh vác những việc nặng và không ngại những việc tỉ mỉ… hình thành cho các em một hình mẫu đẹp. 

Sự yêu nghề luôn thôi thúc Bình tìm tòi, sáng tạo hướng đến những điều tốt đẹp cho trẻ. Thầy giáo Bình sáng tạo các bài dạy, các hoạt động, thậm chí là phá cách, không đi theo những lối mòn trong giáo dục trẻ từ cách chọn đồ chơi, vật dụng làm minh họa trực quan sinh động.

Thầy giáo Bình từng giành giải Ba cấp thành phố trong hội thi triển lãm đồ dùng đồ chơi sáng tạo khối mầm non, giải Nhất giáo viên giỏi cấp thành phố cùng nhiều danh hiệu khác. Mới đây, thầy giáo Nguyễn Phương Bình, giáo viên mầm non Trường Mầm non 1, quận 5 là một trong những gương mặt giáo viên tiêu biểu của Tp.HCM nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019.

Nhưng thành quả lớn nhất với thầy không phải là các danh hiệu. Thầy giáo Bình tâm sự nếu cho phép quay ngược thời gian hay có cuộc đời thứ hai, thầy vẫn sẽ chọn nghề giáo viên mầm non. 

Những người “thầy giáo vàng” trong nghề giáo viên mầm non, họ đã xoá đi những khoảng cách, định kiến trong quan niệm nhiều người về nghề giáo viên mầm non chỉ nên dành cho nữ. Công việc nào bạn cũng có thể làm, chỉ cần bạn có tâm huyết và đam mê.

Video xem thêm: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm

Exit mobile version