Đại Kỷ Nguyên

Thầy hiệu trưởng trường Marie Curie, người cặm cụi cả đời gieo yêu thương cho học trò nhỏ

Những ngày vừa qua, giữa bao câu chuyện không mấy hay ho của ngành giáo dục, bức thư cúi đầu xin lỗi của thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường Marie Curie như một đóa hoa rực rỡ vươn mình giữa sa mạc cằn cỗi, khiến cộng đồng phần nào cảm thấy an tâm, ấm lòng.

Thầy Nguyễn Xuân Khang viết thư xin lỗi sau vụ việc thuốc xịt muỗi.

Vụ việc các em học sinh bị dị ứng thuốc xịt muỗi không may xảy ra, thầy Khang đã viết một bức thư, không chỉ gửi lời xin lỗi mà còn để trấn an phụ huynh, ổn định tâm lý học sinh và cha mẹ vì thầy hiểu họ đang rất xót con mình. Thầy cho rằng đó là thiếu sót và trách nhiệm của mình, nhưng thầy không ngờ truyền thông và mạng xã hội lại chia sẻ nhiều như vậy. Thầy không dùng Facebook nhưng càng đọc những bình luận mà mọi người chụp lại gửi cho thầy, nước mắt thầy chảy dài. Thầy tâm sự:

Sau cơn bão thường để lại hoang tàn đổ nát, nhưng với tôi và trường Marie Curie, sau cơn bão này chúng tôi nhận lại được một cánh đồng bất tận đầy hoa hồng ngát hương.

“Cánh đồng bất tận đầy hoa hồng ngát hương” ấy là thành quả từ những hạt giống thiện lành mà thầy Khang đã ươm ầm và gieo trồng suốt 25 năm qua, là kết quả của biết bao nỗ lực và tâm huyết mà thầy dành cho những học trò nhỏ, bằng tất cả lòng yêu thương, tấm lòng tận tụy của một người thân trong gia đình.

Thầy giáo được học trò gọi là “ông nội”

“Thầy Hiệu trưởng”, 3 tiếng ấy với những học sinh trường khác đơn thuần chỉ là người đứng đầu nhà trường, là người thường đưa ra các qui định nghiêm khắc. Nhưng với các em học sinh trường Marie Curie, 3 tiếng ấy rất khác, rất đặc biệt! Bởi thầy Khang luôn giữ một vị trí quan trọng trong lòng mỗi học sinh.

Có lẽ hiếm có ngôi trường nào mà học sinh gọi hiệu trưởng là “ông nội” như ở trường Marie Curie. Không đơn giản chỉ vì khoảng cách tuổi tác mà bởi chính sự gần gũi của thầy dành cho những học sinh, những đứa con của mình. Những đứa trẻ ngây thơ ăn dở miếng bánh cũng sẵn sàng đưa phần còn lại cho thầy, đang uống cốc trà sữa cũng không ngại uống chung với thầy. Đơn giản vì với chúng, thầy không chỉ là người dạy kiến thức mà còn là ông nội, là người thân.

Thầy Khang luôn giữ một vị trí quan trọng trong lòng mỗi học sinh.

Trọng Phú (học sinh lớp 7M1) nhận xét: “Tớ từng nghĩ rằng, thầy Hiệu trưởng phải là người cao to, nghiêm khắc, ít có thời gian gần gũi, thân thiết với học trò. Nhưng thầy Khang hoàn toàn khác. Thầy có dáng người gầy, tóc gần như bạc trắng nhưng lúc nào cũng lạc quan, yêu đời. Thầy luôn dành cho học trò sự bất ngờ, vui vẻ. Không ai quan tâm học trò nhiều như thầy mặc dù thầy rất bận rộn. Trông thầy rất giống ông của tớ!”.

Châu Anh  (học sinh lớp 5P) hạnh phúc kể lại: “Chúng mình gọi thầy là “Ông nội”. Mỗi lần đứng trên sân khấu trò chuyện, căn dặn học sinh, thầy luôn vui tươi, nở nụ cười hiền dịu. Ông nội còn đút cơm cho các em lớp 1; hỏi han chúng mình món ăn có ngon không, động viên ăn hết suất cơm và dành tặng MCer Tiểu học 9 lời khuyên ăn ngoan… Năm ngoái, thầy hóa trang thành ông già Noel, xuống các lớp trao quà. Mình vinh dự được thầy ôm lúc chụp ảnh”.

Những đứa trẻ ngây thơ ăn dở miếng bánh cũng sẵn sàng đưa phần còn lại cho thầy, đang uống cốc trà sữa cũng không ngại uống chung với thầy.

Hồng Anh (học sinh lớp 8P) bùi ngùi hồi tưởng: “Ngày nhập học Marie Curie, sau khi được các thầy cô chỉ dẫn, tôi đứng vào hàng. Lúc đó, tôi vẫn chưa được gặp thầy Hiệu trưởng nên sự tò mò ngày càng lớn hơn. Tôi tự nhủ nhất định phải tìm gặp thầy cho bằng được. Không chỉ tôi mà các bạn ở lớp cũng mong được trò chuyện với thầy lắm! Chúng tôi bàn tán xôn xao, thi nhau đoán xem trông thầy thế nào. Chúng tôi tưởng tượng, thầy sẽ mặc bộ comple đắt tiền, mái tóc đen bóng, bụng to, tay đeo nhẫn đá quý và đương nhiên phải dùng điện thoại Iphone đời mới nhất…

Không ai quan tâm học trò nhiều như thầy Khang mặc dù thầy rất bận rộn.

Ngày khai giảng, tôi háo hức mong gặp thầy lắm! Sau lời giới thiệu của người dẫn chương trình, thầy Hiệu trưởng bước lên sân khấu… Thầy Khang không giống như những gì tôi và tụi bạn nghĩ. Thầy mặc áo sơ mi cùng chiếc quần kaki nhạt màu. Bài phát biểu của thầy rất dí dỏm, khiến chúng tôi thích mê. Đặc biệt, thầy còn gửi tới chúng tôi những lời chúc ý nghĩa.

Thầy Khang ơi, thầy giản dị quá! Chắc chắn, hình ảnh thầy Khang giản dị sẽ đọng lại mãi mãi trong tâm trí tôi”.

“Thầy là nhà giáo của nhân dân”

Thầy Khang là người Nghệ An, là lứa học sinh chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam những năm 1965. Năm 1968, thầy học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội khoa Vật lý. Sau khi tốt nghiệp, Thầy được giữ lại trường Đại học tổng hợp dạy. Thầy dạy Vật lý cho khối phổ thông chuyên lý Đại học tổng hợp – nơi có rất nhiều học sinh đạt giải Olympic Toán học Quốc tế từ những lứa đầu như Hoàng Lê Minh, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu… Thầy gọi đấy là duyên số, là điều may mắn trong cuộc đời đi dạy của mình. 

Với các em học sinh, thầy không chỉ là người dạy kiến thức mà còn là ông nội, là người thân.

Thầy kể, lúc đấy thầy rất nghèo, nghèo nhất trong số những người nghèo ở trường đại học. Thầy chỉ có một bộ áo quần lành lặn và 2-3 bộ không đủ lành lặn để lên bục giảng. Ban ngày thầy đi dạy, tối về giặt và hong khô, là phẳng phiu sáng hôm sau lại mang đi dạy. Tính tiết kiệm của thầy đã được hình thành từ những ngày tháng khó khăn đó, và đến bây giờ, ngay cả khi cuộc sống đã khá giả hơn, thầy vẫn giản dị vô cùng.

Những tấm thiệp học sinh tặng là tài sản lớn nhất của thầy.

Dù trường Marie Curie là một ngôi trường khang trang, cơ sở vật chất hiện đại, đạt giải thưởng quốc gia về kiến trúc nhưng phòng hiệu trưởng của thầy Khang chẳng có gì “đáng giá”. Trong phòng chỉ có những bức hình thầy chụp với học sinh, những tấm thiệp học sinh tặng, không hề có bất kỳ tấm bằng khen hay huân huy chương nào. 

“Thầy tuy không phải là đại gia, không phải là tỷ phú top 5 Việt Nam nhưng thầy chắc chắn là top 5 người giàu nhất về tinh thần”.

Thầy bảo: “Thầy không có gì ngoài học vị cử nhân cách đây hàng chục năm, học hàm không, danh hiệu không, giải thưởng không. Thầy là nhà giáo của nhân dân. Nói đến nhà giáo người ta thường nhắc đến chữ nghèo với câu nói “giáo án” là “dán áo”. Nhưng thầy không nghèo, cơ sở vật chất trường như vậy thầy không thể nghèo được. Và thầy tuy không phải là đại gia, không phải là tỷ phú top 5 Việt Nam nhưng thầy chắc chắn là top 5 người giàu nhất về tinh thần”.

Người thầy dang tay cưu mang những đứa con của tử tù 

Cách đây hơn 20 năm, một vụ án ma túy khét tiếng đã làm náo động cả trường Marie Curie. Năm ấy, con của 2 tử tù trong vụ án đó là học sinh của thầy Khang: Một người có con đang học lớp 7 và lớp 9, người còn lại cũng có con đang theo học lớp 5 và lớp 7 tại trường.

Phóng viên các báo đến trường khai thác rất nhiều, làm những đứa trẻ vô cùng hoang mang và sợ hãi. Thầy đã bảo họ: “Đừng xoáy thêm nỗi đau của những đứa trẻ nữa, các anh chị muốn phỏng vấn trường hay giáo viên đều được. Chuyện bố là bố, chuyện con là con. Đừng làm tổn thương những đứa trẻ vì chúng vô tội”.

Với thầy Khang, dạy kiến thức là điều bắt buộc, nhưng còn một điều quan trọng hơn chính là dạy cách làm người, dạy cách sống, cách đối nhân xử thế.

Con của tử tù cũng là nạn nhân, là những đứa trẻ mất bố. Là một người cha, thầy thấu hiểu được nỗi đau, sự mất mát của những đứa con. Mỗi năm đến sinh nhật bố, giao thừa… chúng lại phải thổn thức rất nhiều vì mỗi tiếng trống canh là một lần đưa chúng về thực tại rằng chúng không còn bố trên đời nữa, đánh thức nỗi đau những đứa trẻ. Bởi vậy nên thầy đã dang tay ôm lấy chúng, nuôi nấng chúng thành người. Thầy chỉ hi vọng những đứa trẻ ấy không phải day dứt về tội lỗi của bố mà trở nên mặc cảm tự ti. Thầy muốn các con được lớn khôn như chúng bạn, được có cơ hội đóng góp cho đời.

Một trong 4 người con ấy hiện nay đang là giáo viên tiếng Anh tại trường Marie Curie hơn 10 năm nay. Lúc thầy nhận về trường, thầy bảo với người học trò rằng: “Hãy nhớ lại thời điểm đó thầy đã làm gì cho các em, cư xử với các em ra sao thì bây giờ em nên làm như vậy với những học sinh của mình”.

Thầy Khang đã dành 25 năm để gieo trồng “cánh đồng bất tận đầy hoa hồng tỏa ngát hương thơm”.

Trong quan điểm giáo dục của mình, thầy Khang không chỉ đơn thuần dạy cho học trò những kiến thức sách vở, thầy muốn giáo dục cho học sinh tính nhân văn, kỹ năng sống, năng lực trí tuệ và không gắt gao việc phải thi đỗ trường này trường kia. Với thầy, dạy kiến thức là điều bắt buộc, nhưng còn một điều quan trọng hơn chính là dạy cách làm người, dạy cách sống, cách đối nhân xử thế.

Sau bao nhiêu năm thăng trầm với giáo dục, với trường Marie Curie, từ người người nghèo đến mức chỉ có một bộ quần áo lành lặn đi dạy, thầy Khang giờ đã tự tin khẳng định rằng mình không còn nghèo nữa. Không chỉ về vấn đề tiền bạc, mà tài sản lớn nhất thầy có chính là tình yêu thương, sự trưởng thành của các em học sinh. 

Con chúc thầy luôn khỏe mạnh, mãi là Hiệu trưởng “number one” của trường Marie Curie!

Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi

Và thầy Khang chỉ có một trên đời!.

Châu Anh (học sinh lớp 5P)

Nguồn ảnh: Trithuctre

Hải Dương

Exit mobile version