Đại Kỷ Nguyên

Nhờ sự động viên của cô giáo cũ, chàng sinh viên khuyết tật não nhận bằng cử nhân

Thiện nói: “Mỗi cột mốc thành công hay thất bại của em đều có cô bên cạnh. Tấm bằng cử nhân ngày hôm nay em dành tặng cho cô như bó hoa đẹp nhất trong ngày vui 20/11”.

Tấm lòng của cô tiếp thêm nghị lực cho trò

Phan Tích Thiện (sinh năm 1994, quê Tp.HCM) sinh ra không may mắn được lành lặn như những đứa trẻ khác. Em bị khuyết tật não, động kinh cục bộ, cả tay, chân, miệng đều “không nghe lời” chính bản thân em…

Khi còn học phổ thông, em gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát âm. Nói chuyện thông thường với bạn bè cũng khó chứ chưa kể đến việc thuyết trình hay giao tiếp với giáo viên. Học hết lớp 12, việc phát âm cũng như viết chữ của Thiện vẫn không cải thiện được nhiều.

Mọi việc đều tốn rất nhiều thời gian. Do đó, cậu học trò không dám mơ đến việc sẽ hoàn thành chương trình đại học. Cả người quen lẫn người thân đều tin rằng, học xong lớp 12 đã là một thành công ngoài mong đợi. 

Tuy vậy, nhờ sự động viên của cô giáo cũ, cô chủ nhiệm cũng như thầy hiệu trưởng ở trường phổ thông, Thiện quyết tâm và khẳng định với mọi người sẽ thi đậu đại học: “Con phải vào đại học, không đi nhanh được như người thường, con có thể như rùa… bò đến đích”.

Phan Tích Thiện cùng các bạn chuẩn bị cho Lễ tốt nghiệp Đại học (ảnh: VOV).

Sau bao cố gắng và sự giúp đỡ của mọi người, năm 2015, Thiện đậu vào Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Văn Hiến và nhận học bổng toàn khóa của nhà trường. Sau 4 năm miệt mài cố gắng học tập, chàng sinh viên khuyết tật não đã chính thức trở thành cử nhân của trường. 

Sáng 14/11, cùng với hơn 1.400 cử nhân khác, Phan Tích Thiện nhận bằng tốt nghiệp đại học loại khá. Tại buổi lễ, bên cạnh người thân và gia đình còn có cô giáo cũ của Phan Tích Thiện đến cùng chúc mừng. Đó là cô giáo Thúy Hồng, giáo viên dạy môn Công nghệ của Thiện khi em học cấp 2 tại Trường THCS Lạc Hồng (quận 10, Tp.HCM).

Cô Hồng kể, từ lúc học cấp 2, Thiện đã là cậu bé có năng lực và ý chí vươn lên. Cậu luôn tìm cách để hoàn thành các bài tập và cố gắng làm tốt hơn có thể. Chính điều này đã khiến cô để ý và quý mến Thiện hơn.

Cô Hồng xúc động cho biết trên báo Giáo dục và Thời đại: “Em bất hạnh nhưng luôn cố gắng và kiên trì. Không chỉ ngoan mà còn tình cảm. Bao nhiêu năm nay, cứ đến những ngày lễ hay dịp đặc biệt, em vẫn nhắn tin, điện thoại cho thầy cô. Đó là điều hiếm thấy… Trong thâm tâm tôi luôn có niềm tin rất mãnh liệt về Thiện, rằng em sẽ làm được điều mà mình ước mơ”.

Thiện nghẹn ngào ôm cô giáo cũ trong buổi lễ tốt nghiệp mà em chưa từng dám mơ tới (ảnh: Dân Trí).

Gặp lại cô giáo cũ trong ngày vui tốt nghiệp, Tích Thiện đã không cầm được nước mắt, ôm chặt cô và òa khóc: “Cô ơi em đã làm được điều mà cô từng tin tưởng nơi em”. 

Phan Tích Thiện cho biết sau khi tốt nghiệp, em mong muốn tìm được việc làm phù hợp với khả năng của bản thân. Ngoài ra, em cũng mong có thêm nhiều cơ hội để chia sẻ, giúp đỡ những bạn trẻ khuyết tật vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng cho bản thân.

Nghị lực của Thiện tiếp lửa cho nhiều thế hệ sinh viên Văn Hiến

ThS. Nguyễn Thị Hồng Thủy – Trưởng bộ môn Xã hội học, Trường ĐH Văn Hiến cho biết, khi vào đại học, Thiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát âm. Trong khi đó, chương trình học đại học rất nhiều kiến thức cần dung nạp, các tiểu luận, bài thuyết trình cần hoàn thành cũng rất nhiều. Vì vậy, Thiện đã phải rất nỗ lực để có thể theo kịp bạn bè.

Để cải thiện khả năng phát âm, nói và viết, ngoài việc luyện tập ở nhà, cậu sinh viên trẻ tham gia rất nhiều câu lạc bộ (CLB) tại trường, từ CLB MC đến CLB Đại sứ… Từ những cố gắng của bản thân, Thiện dần trở thành tấm gương truyền động lực cho nhiều sinh viên khác trong trường.

Thúy An, tân cử nhân ngành Xã hội học nói: “Mỗi ngày qua đi, lòng tự trọng và sự chịu khó của Thiện làm bạn học phải ngưỡng mộ. Trải qua 4 năm kiên trì cùng nỗ lực, Phan Tích Thiện khiến các bạn đồng môn như tụi em nể phục. Với nhiều người, học cử nhân, thậm chí là tiến sĩ có thể không khó nhưng với Thiện đó là một kết quả phi thường được đánh đổi bằng cả một quá trình có mồ hôi và nước mắt”.

Phan Tích Thiện bên bạn bè trong ngày vui tốt nghiệp (ảnh: Giáo dục và Thời Đại).

ThS Hồng Thủy cho biết trên báo Dân Trí: “Hiểu những khó khăn của Thiện, các bộ môn trong trường đều làm việc với các giảng viên về tình trạng của Thiện trước mỗi môn học. Từ đó tìm ra cách hướng dẫn em phù hợp nhất. Bộ môn cũng đề xuất cho Thiện được làm tiểu luận kết thúc môn thay vì thi như các sinh viên khác”.

Các thầy cô khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng chia sẻ, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Thiện chưa bao giờ vin vào lý do khuyết tật để từ chối hoặc trễ nải trong việc học hành. Hai bàn tay em co quắp nhưng vẫn tích cực đánh máy để hoàn thành tiểu luận và các bài thuyết trình đúng thời hạn.

“Thiện chưa bao giờ nộp trễ bất cứ tiểu luận nào!”, Thạc sĩ Nguyễn Duy Hải, Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận xét về cậu học trò dù khiếm khuyết về thể chất nhưng có ý thức học tập.

Mong rằng, niềm tin vào cuộc sống và nghị lực bền bỉ sẽ tiếp tục là  động lực, chắp thêm đôi cánh tự tin để em bước chân vào đời, hướng ra biển lớn!

Video xem thêm: Vụ xác trong bê tông: Không có cơ sở quy chụp cho Pháp Luân Công

Exit mobile version