Đại Kỷ Nguyên

12 thành ngữ tiếng Anh thông dụng bắt nguồn từ văn học Shakespeare

William Shakespeare thường được biết đến như một đại thi hào của nước Anh. Tuy nhiên, bạn có biết ông cũng được xem là nhà phát minh của nhiều từ vựng?

Dưới đây là 12 thành ngữ tiếng Anh bắt nguồn từ văn học Shakespeare và tới ngày nay đã trở nên thông dụng. 

1. Heart of gold

Xuất hiện lần đầu trong tác phẩm King Henry V, thành ngữ heart of gold nhanh chóng được sử dụng phổ biến để chỉ những người giàu lòng nhân ái, luôn đối xử rộng lượng với mọi người xung quanh.

Ví dụ:

Alexander has a heart of gold and always thinks of others before himself.

Alexander có tấm lòng vàng và luôn nghĩ về người khác hơn cả bản thân mình.

2. Kill with kindness

Chắc bạn rất bất ngờ khi biết tựa đề bài hát của Selena Gomez lại bắt nguồn từ văn học Shakespeare. Kill with kindness ban đầu nghĩa là dùng sự ngọt ngào để âm thầm tấn công người khác, sau được dùng lệch nghĩa để chỉ việc bạn dùng sự ngọt ngào để đạt được thứ mình muốn.

Ví dụ:

She will kill you with kindness.

Cô ấy sẽ mật ngọt với cậu để có được điều cô ấy muốn.

3. Laughing stock

Thành ngữ laughing stock có nghĩa là trò cười, chủ đề đàm tiếu của mọi người. Ý nghĩa này bắt nguồn từ thời trung cổ, khi bọn tội phạm bị trói chung lại với nhau, bêu rếu ở chốn đông người.

Ví dụ:

I can’t wear this to the party! I’ll be a laughing stock!

Tôi không thể ăn mặc như thế này đến dự tiệc! Mặc thế này chỉ làm trò cười cho mọi người.

4. Wild goose chase

Xuất hiện trong Romeo and Juliet, thành ngữ này vốn dùng để chỉ…một loại hình đua ngựa, trong đó các tay đua sẽ chạy theo hình chữ V giống như đàn vịt trời đang bay. Ngày nay, wild goose chase ám chỉ một nỗ lực vô vọng.

Ví dụ:

He’s asking us to fund a wildgoose chase.

Anh ta đòi tài trợ cho 1 việc không đâu.

5. Green-eyed monster

Màu xanh vốn dĩ gắn với bệnh tật trong xã hội xưa. Nhà văn Shakespeare là người đầu tiên ám chỉ sự đố kị cũng là một loại bệnh tật, kéo theo sự ra đời của thành ngữ green-eyed monster, hoặc tính từ green-eyed.

Ví dụ:

When John’s brother got the new bicycle, the greeneyed monster made John fight with him.

Khi anh trai của John có chiếc xe đạp mới, sự ghen tị đã khiến cho John đánh nhau với anh ấy.

6. Lie low     

Thành ngữ lie low xuất hiện rất nhiều trong các bộ phim hành động của Hollywood. Thường một người sẽ chọn lie low để tránh gây sự chú ý vào bản thân mình, nhất là sau khi vừa làm chuyện gì đó mờ ám, không trung thực.

Ví dụ:

You got to lie low, Frank.

Ông phải trốn đi, Frank.

7. Apple of my eye

Nghĩa của nó chẳng liên quan gì đến trái táo. Apple of the eye thật ra chính là con ngươi – bộ phận quan trọng nhất trong mắt chúng ta. Vậy nên thành ngữ này dùng để chỉ những người thật sự quan trọng đối với bạn.

Ví dụ:

She’s the apple of my eye.

Cô ấy là người mà tôi yêu thương trân trọng nhất.

8. Break the ice

Dòng chữ xuất hiện trong vở The Taming of the Shrew. To break the ice được dùng với nghĩa để bắt đầu câu chuyện với những người lần đầu tiên bạn gặp, khởi đầu dễ dàng cho một mối quan hệ về sau. 

I told a few jokes to break the ice.

Tôi kể vài chuyện cười để giúp mọi người bớt căng thẳng.

9. Wear one’s heart on one’s sleeve 

Câu thoại trong vở kịch Othello, “But I will wear my heart upon my sleeve for daws to peck at”. To wear one’s heart on one’s sleeve được dùng để miêu tả cảm xúc, thường là trong tình huống lãng mạn, cởi mở.

Ví dụ:

wear my heart on my sleeve.

Tôi công khai bày tỏ tình cảm của mình.

10. All that glitters isn’t gold 

Câu thành ngữ xuất hiện trong vở The Merchant of Venice, nhưng có chữ “glisters” cũng mang nghĩa giống như “glitters”. Khi bạn nói ‘”All that glitters isn’t gold” bạn đang ám chỉ thứ gì không hẳn đã là đáng giá như vẻ ngoài của nó. 

Ví dụ:

Hollywood may look like an exciting place to live, but I don’t think you should move there. All that glitters is not gold.

Hollywood trông có thể như là một nơi rất lý tưởng để sinh sống, nhưng tôi không nghĩ chúng ta nên dọn tới đó. Bởi chớ thấy lấp lánh mà ngỡ là vàng.

11. It’s Greek to me 

Dòng chữ nằm trong vở The Tragedy of Julius Caesar. Khi bạn nói “It’s Greek to me” bạn đang có ý rằng bạn chẳng hiểu gì cả. Nó tương tự như khi mọi người đang nói tiếng Hi Lạp, thứ tiếng mà bạn không biết. 

Ví dụ:

I tried reading the instructions, but it’s all Greek to me.

Tôi đã cố gắng đọc những lời hướng dẫn, nhưng tôi chẳng thể hiểu được gì hết.

12. Too much of a good thing 

Trong vở As You Like It, Rosalind hỏi, “Why then, can one desire too much of a good thing?” ngụ ý quá nhiều mong muốn và đòi hỏi quá nhiều thứ từ ai đó hoặc điều gì đó.

Ví dụ:

Too much of a good thing is good for nothing.

Kén cá chọn canh.

Thiện Nhân (Tổng hợp)

Exit mobile version