Đại Kỷ Nguyên

Khen ngợi trẻ thế nào cho đúng cách?

Hầu hết các bậc cha mẹ đều hiểu được vai trò và tác dụng của lời khen, tuy nhiên không ít tình huống xảy ra khiến họ bối rối. Có điều gì sai với lời khen hay sao?

Một ngày nọ, cô con gái nhỏ của tôi đi học về và đem khoe tôi một bức tranh mà cháu vẽ. Con bé hỏi: “Có được không mẹ?”

Tôi trả lời: “Ôi, bức tranh đẹp tuyệt!”

Con bé có vẻ không thực sự tin vào những gì tôi vừa nói, cháu hỏi vặn lại tôi: “Nhưng mà nó có được không?”

Tôi nói: “Được á? Mẹ đã bảo với con là đẹp tuyệt rồi mà!”

Con bé ỉu xìu, kết luận “Mẹ không thích nó”.

Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi đã khen ngợi con gái, và nghĩ rằng lời khen của tôi sẽ khiến con bé vui vẻ, tự tin hơn vào khả năng hội hoạ của mình. Mặc dù bức tranh của con bé không đẹp hoàn hảo như một nghệ sĩ chuyên nghiệp vẽ, nhưng ở tuổi của cháu, tôi thành thực nhận xét như vậy đã là đẹp rồi. Tôi có lừa dối cháu đâu?

***

Hầu hết các bậc cha mẹ đều hiểu được vai trò và tác dụng của lời khen, tuy nhiên không ít tình huống xảy ra như trên đây khiến họ bối rối. Có điều gì sai với lời khen hay sao?

Câu trả lời là: Khen ngợi trẻ không có gì là sai, nhưng quan trọng là phải khen ngợi đúng cách.

Khi gặp tình huống tương tự, một người mẹ đã khen ngợi con mình theo một cách khác:

“Thằng con 4 tuổi của tôi từ lớp mẫu giáo về nhà, nó dí một tờ giấy vẽ bút chì nguệch ngoạc dưới mũi tôi và hỏi ‘Được không mẹ?’

Tôi nói: ‘Chà, mẹ thấy những vòng tròn, vòng tròn, vòng tròn nè… những đường gợn sóng, gợn sóng, gợn sóng… những chấm, chấm, chấm, chấm, chấm, và những đường gạch, gạch!’

‘Đúng rồi!’ thằng bé hồ hởi gật đầu.

Tôi nói ‘Làm thế nào mà con nghĩ ra vẽ cái này?’

Nó nghĩ một lúc rồi nói ‘Bởi vì con là hoạ sĩ’”.

Người mẹ thứ 2 không thốt ra một từ nào như “tốt”, “đẹp”, “tuyệt vời”… Cô chỉ đơn giản là miêu tả những gì mình nhìn thấy. Đứa con cảm thấy mẹ nó thực sự chú tâm ghi nhận điều nó làm, điều này thực sự khích lệ nó.

Hình minh hoạ từ cuốn sách “Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói”, A. Faber & E. Mazlish.

Những lời khen chi tiết, tinh tế thường để lại ấn tượng sâu đậm lâu dài hơn những lời tán dương chung chung. Buột miệng nói câu “Tuyệt đấy” thì thật dễ dàng, nhưng để có thể miêu tả tỉ mỉ những gì bạn nhìn thấy hay cảm thấy thì cần có sự chăm chú, tập trung đáng kể. Quá trình này vun đắp sự quan tâm và tôn trọng mà bạn dành cho con cái. Điều gì đến từ trái tim thì sẽ chạm đến trái tim, và lũ trẻ cảm nhận được điều đó.

Ngày qua ngày, từ những mô tả nho nhỏ đó của chúng ta, con trẻ học biết được những ưu điểm của chúng là gì. Có trẻ thì nhận ra mình có thể biến căn phòng lộn xộn trở thành một căn phòng gọn gàng, ngăn nắp; đứa trẻ khác biết mình có thể vẽ một tấm thiệp dễ thương mang lại niềm vui cho mẹ nó; đứa khác nữa thì biết tập trung làm bài tập về nhà v.v. Tất cả những điều ấy nạp dần vào ngân hàng cảm xúc của trẻ và không thể bị xoá mờ đi. Người ta có thể xoá đi “đứa trẻ ngoan” bằng cách gọi nó là “đứa trẻ hư” vào hôm sau. Nhưng người ta không thể tước khỏi nó khoảnh khắc nó tặng mẹ tấm thiệp chúc mẹ mau khỏi ốm hoặc thời điểm nó chăm chú và kiên nhẫn với bài học của mình cho dù rất mệt.

Trong cuốn “Tâm lý học về lòng tự trọng” (The Psychology of Self Esteem), Nathaniel Branden đã nói: “Đối với con người, không có sự phán xét giá trị nào quan trọng hơn là sự đánh giá mà anh ta tự đánh giá về mình; không có yếu tố nào mang tính quyết định đến sự phát triển và động lực phát triển tâm lý của con người hơn là sự đánh giá mà anh ta tự đánh giá về mình”. Lời khen chân thành, tinh tế của cha mẹ chính là một công cụ hữu hiệu giúp con cái xây dựng hình ảnh tự nhận thức về bản thân chúng tích cực và thực tế, từ đó phát triển lòng tự trọng và tự tin của trẻ.

Ngọc Hà

(Tham khảo A. Faber & E. Mazlish, “Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói”)

Exit mobile version