Đại Kỷ Nguyên

‘Học để làm gì?’ trong quan niệm xưa và nay

Bao giờ cho đến ngày xưa, trẻ con đi học để biết luân lý (ảnh minh họa: pixabay).

Chúng ta đi học để làm gì? Nhìn lại hai câu chuyện giáo dục để thấy mục đích của việc đi học trong quan niệm xưa và nay khác nhau về căn bản. Ngày nay, mục tiêu giáo dục và thực trạng xã hội đều xoay quanh kim tiền.

Người xưa dạy: Đi học để làm gì?

Bác hỏi tôi đi học để làm gì. Tôi xin nói bác nghe. Tôi đi học để biết đọc những thư từ người ta gửi cho tôi và viết những thư từ tôi gửi cho người ta. Tôi đi học để biết đọc sách, đọc nhật trình, thấy điều gì hay thì bắt chước.

Tôi đi học để biết tính toán, biết mọi sự vật và phép vệ sinh mà giữ thân thể cho khỏe mạnh.
Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành được người con hiếu thảo và người dân lương thiện.

(trích sách Quốc văn giáo khoa thư – lớp dự bị)

Người nay dạy: A kia! Dạ

Bảo đây! Vâng

Lên mấy? Lên ba

Lớn đi đâu? Đi học

Học làm gì? Học để làm cán bộ

Làm cán bộ để làm gì? Kiếm tiền

Kiếm tiền làm gì? Nuôi ông, bà, bố, mẹ, anh, chị.

(Câu chuyện có thật nghe được từ một đoạn hội thoại giữa bà và cháu- người bà ở nhà trông cháu nhỏ)

Chúng ta đi học để làm gì? Câu hỏi rất đơn giản này nhưng người xưa và nay có mục tiêu dạy dỗ thật khác nhau và tất nhiên kết quả của hai phương cách giáo dục này cũng sẽ có sự khác biệt.

Người xưa dạy học là để cho học trò biết đọc thư đọc báo, biết tính toán, biết mọi sự vật, giữ vệ sinh và điều cốt yếu nhất là học để biết luân lý, thành người con hiếu thảo và người dân lương thiện. Giáo dục như vậy chính là nền tảng để có được quốc thái dân an.

Người ngày nay dạy đi học là để kiếm tiền nuôi ông bà, bố mẹ, anh chị. Nhưng thực tế thì những đứa trẻ sau khi học xong, có công việc, kiếm được tiền rồi thì không phải tất cả đều làm được như vậy. Trong khi đó hệ lụy của việc sùng bái kim tiền ngày nay lại thật nhức nhối, xin mạn phép dẫn ra một số hệ lụy:

Tư tưởng muốn làm giàu sau một đêm: Tư tưởng này làm cho xã hội hỗn loạn và nhiều tệ nạn nảy sinh: buôn bán ma túy, mại dâm, cờ bạc, đâm thuê chém mướn, làm và buôn bán hàng giả hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Xã hội loạn luân, tình cảm gia đình rạn nứt: Trên khắp các phương tiện truyền thông chúng ta đều biết đến những vụ án như anh em chém giết lẫn nhau vì chia gia sản, con trai giết mẹ vì mẹ không có đủ tiền tiếp tục chi trả cho việc học, có trường hợp giết chết mẹ vì lý do mẹ là gánh nặng kinh tế gia đình.

Ngành giáo dục chịu nhiều tai tiếng: Từ vụ việc các cô giáo trẻ được yêu cầu đi tiếp khách mấy ngày không thấy quay về cho đến lùm xùm vụ án nâng điểm thi THPT Quốc gia năm học 2018- 2019 khiến người dân giảm sút lòng tin vào nghề trồng người cao quý.

Sùng bái kim tiền: Tôn sùng cuộc sống hưởng thụ vật chất, coi khinh người nghèo chứ không khinh phường kĩ nữ khiến cho nhiều nữ sinh bỏ học giữa chừng. Giới giáo viên chúng tôi nhiều lúc bị xã hội cho lên chức “ông bà ngoại” từ rất sớm- có khi còn chưa lập gia đình đã được “lên chức” rồi. Tại sao như vậy? Đơn giản chỉ vì chúng tôi là những giáo viên chủ nhiệm. Cuộc sống thời hiện đại phim ảnh, mạng xã hội cùng với lối sống thực dụng của con người trong xã hội ngày nay đã “cướp” đi của chúng tôi những “đứa con” hồn nhiên trong trắng mới ở độ tuổi 15, 17. Ở tuổi này rất nhiều nữ sinh ở quê thôi cũng đi bưng thuê ở những quán bar hay đơn giản hơn là những quán trà sữa có khi đến nửa đêm mới về. Mong muốn làm thêm kiếm chút tiền nhưng có rất nhiều em vì thế mà sa chân vào con đường mịt mù tội lỗi.

Vợ chồng cãi vã, ly hôn cũng chỉ vì tiền bạc: Những sự việc này trong xã hội ta ngày nay có quá nhiều rồi không lại liệt kê ra ở đây nữa.

Những quảng cáo bất đắc dĩ làm hại rất nhiều người thiếu tiền: Trên đường đi nếu để ý chúng ta sẽ thấy rất nhiều lời chào mời kiểu như: cho vay tiền không cần chứng minh thư, hay chỉ cần alo là có tiền kèm theo số điện thoại sau đó. Không ít trường hợp trên mạng sau khi vay tiền online phải chịu hậu họa khôn lường nhưng vì dục vọng và với những chào mời phục vụ tận răng như trên khiến cho một số người vẫn sa chân.

Nhìn chung, mối quan hệ giữa người với người trong xã hội ngày nay là mối quan hệ tiền bạc. Cha mẹ dạy con thì cũng dạy: đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, cái gì không mua được bằng tiên thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Học trò tặng thầy cô thì cũng là tặng hoa “đồng tiền”.

Quan niệm sai lệch “có tiền mua tiên cũng được” từ bao giờ đã hình thành trong quan niệm của người Việt? Có lẽ là từ khi mục tiêu của giáo dục xa rời các giá trị cốt lõi như hiếu thảo, lương thiện…

Sách giáo khoa hiện nay hình như được xây dựng trên nền tảng quan niệm, triết lý rằng xã hội tốt đẹp và phát triển, cuộc sống ổn định và nền nếp, mọi người đều thực thi tròn vẹn chức phận của mình…, nên người học chỉ cần tin và làm theo mà thôi. Đó là quan niệm, triết lý công thức, giáo điều, nhằm vào việc đào tạo ra những con người dễ bảo, dễ sai khiến, dễ phục tùng chứ không nhằm vào việc đào tạo ra những con người cá nhân, tự chủ, có tư duy phê phán và tư duy sáng tạo. Do thiếu bản lĩnh nên học sinh ngày nay dễ chao đảo, dễ mất niềm tin trước các hiện tượng tiêu cực xuất hiện nhan nhản trong xã hội.

Vậy phải chăng nên trở về với cội nguồn để bắt đầu xây dựng lại từ đầu những giá trị luân lý làm người cho học sinh? Trong xã hội, trong mỗi con người luôn tồn tại hai mặt đối lập: tốt và xấu, đúng và sai, thiện và ác, hay và dở, khôn và dại, thực và giả… Do vậy, nhiệm vụ trước tiên của giáo dục là phải giúp người học có được năng lực nhận ra sự thật; gieo vào họ lòng cảm kích, quý trọng đối với điều chân thiện nhẫn; gợi nơi họ thái độ căm ghét và xa lánh đối với cái xấu, cái ác và sự ngụy trá; từ đó mà hình thành dần bản lĩnh, nhân cách của người học.

Thực ra, xét cho cùng thì bản lĩnh, nhân cách quan yếu của người có học thể hiện ở chỗ họ nhận thức được cái đúng và cái sai, điều tốt và điều xấu, việc nên làm và việc nên tránh chứ không phải là những kiến thức cao siêu. 

Vậy thì nội dung sách giáo khoa nhất định phải chứa đựng những yếu tố căn bản để làm người như: “Tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành được người con hiếu thảo và người dân lương thiện” mà sách Quốc văn giáo khoa thư đã chỉ ra. Hơn thế nữa, phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Khai tâm rồi mới khai trí” thể hiện rất rõ trong toàn bộ Quốc văn giáo khoa thư cũng cần trở thành tư tưởng chủ đạo cho vấn đề cải tiến sách giáo khoa hiện nay.

Video: 20 năm đi dạy, giờ tôi mới nhận ra môn học quan trọng nhất cuộc đời

Exit mobile version