Đại Kỷ Nguyên

Cùng xem người Nhật làm cách nào để cải thiện tình trạng xuống cấp đạo đức của trẻ em

Song song với sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ thông tin điện tử, là sự suy thoái đạo đức nghiêm trọng trong xã hội. Khi thiết bị điện tử trở thành người bạn đồng hành của các em nhỏ mọi lúc mọi nơi, cũng là lúc giáo dục nhân cách bị lãng quên ở phía sau cánh gà.

Tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, trẻ em ngày càng trở nên ích kỷ, lãnh cảm và ưa bạo lực, đây được xem là mặt trái của sự phát triển nhanh chóng của ngành thiết bị điện tử. Những trò chơi game đang đẩy các em rời xa cuộc sống chính thường, thay vào đó là cách thức sinh hoạt và nhận thức như những người máy; nó thật sự đã trở thành mối nguy hại lớn của xã hội hôm nay và mai này. Đó không còn là nỗi lo của mỗi ông bố bà mẹ, mà còn trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Cha mẹ phải làm sao khi con cái của mình ngày càng trở nên hư hỏng và không nghe lời?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ lớn lên có những hành vi đạo đức kém, nhưng phần lớn đều là trẻ không nhận được phương pháp giáo dục đúng cách từ gia đình và xã hội. Rất nhiều ông bố bà mẹ gần như đã bất lực trong việc dạy bảo con cái, nhà trường và xã hội bó tay trước những tệ nạn xã hội như bạo lực học đường, nghiện hút, phá thai… Vậy đâu là câu trả lời cho mối nan giải này?

Giáo dục thông qua nghệ thuật truyền thống, là câu trả lời không chỉ trên lý thuyết, mà đó còn là bài học thực tế đã được áp dụng tại Nhật Bản, một siêu cường quốc về công nghệ điện tử của thế giới. 

Bên cạnh những tích cực nhận được từ việc phát triển công nghệ điện tử, Nhật Bản cũng phải gánh chịu không ít thiệt hại về con người. Đặc biệt hơn, xứ Phù Tang còn được biết đến là một đất nước văn minh với bề dày lịch sử văn hóa truyền thống khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Vậy chính quyền đất nước này đã làm gì để cứu cánh cho thực trạng này của xã hội?

Trong suốt gần 10 năm qua, Chính quyền và Hội đồng Nghệ thuật thành phố Tokyo đã hợp sức với Geidanlyo (Hội đồng về quyền của diễn viên và các tổ chức hoạt động nghệ thuật) để mở các lớp học cho trẻ em với sự tham gia của các nhạc sĩ và nghệ sĩ nổi tiếng của thành phố. Để khuyến khích các em tham gia lớp học, Hội đồng sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí đầu tư nhạc cụ, trang phục cầu kỳ và học phí cho bất kỳ em học sinh nào tham gia. Mục tiêu của chương trình là gieo mầm và nuôi dưỡng nhận thức cho các em về vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống và định hướng tương lai.

Và thành quả của nỗ lực này đã đem đến một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Hơn 3.000 em nhỏ đã đăng ký tham gia lớp học các môn nghệ thuật khác nhau trong vòng 6 tháng.

Kit Nagukama là một cây viết nổi tiếng của tờ Thời báo Nhật Bản, đã có dịp ghé thăm 2 trong số rất nhiều lớp học truyền thống của chính quyền thành phố Tokyo, những điều được chứng kiến thật sự khiến anh cảm thấy ngỡ ngàng và xúc động.

Lớp học đầu tiên mà Kit ghé thăm là lớp học đàn shamisen, một loại nhạc cụ dân tộc 3 dây được chơi với miếng gảy gọi là basi. Lớp học nằm giữa hai ga tàu Ebisu và Daikanyama, được tổ chức dành cho các em học sinh lớp 1 và lớp 2 của trường KineieKineie danh giá.

Một lớp học đàn shamisen dành cho trẻ em tại Nhật Bản.

Trước khi bắt đầu buổi học, các em cúi chào thầy giáo, bước đến những tấm nệm của mình, sau đó trải những tấm vải màu sắc sặc sỡ trong lòng, nhẹ nhàng đặt hộp đàn shamisen lên đó và nghiêm túc tập luyện ngay, vài bạn nam còn mới ngó trước sau vì thấy có một vị khách bất ngờ ghé thăm.

Nghệ nhân giảng dạy lớp học là thầy Yashichi Kineie, tức Yashichi đời thứ VI, là một người đàn ông cao lớn, nhanh nhẹn. Ông mặc một chiếc kimono màu xám trắng, đi đôi tất xỏ ngón, trên gương mặt hiện lên vẻ nghiêm nghị, nhưng những đứa trẻ rất bình tĩnh và bắt đầu bài tập của mình. Ông nói với Kit rằng, “đây là một điều tốt”.

Từ ông, Kit thấy toát lên một vẻ ân cần, chỉn chu và anh không nghi ngờ gì về việc, vị thầy đáng kính này đã quản lý rất tốt lớp học của mình và ông ấy chính là được sinh ra dành cho nghệ thuật. Thầy Kineie nói rằng, “Đàn shamisen yêu cầu một sự khéo léo tinh tế. Phần lớn các nhạc cụ đều mang đến cho bạn những âm điệu hài lòng ngay từ giây đầu tiên, nhưng với đàn shamisen, để khiến bạn trở nên tha thiết với nó thì cực khó”.

Theo truyền thống, các lớp học đàn shamisen được dạy theo phương cách một thày một trò, các học trò “học trộm” kiến thức từ người thầy. Nhưng cụ của Kineie, cụ Kineneiie, Yashichi IV (1890 – 1942) đã tạo ra phương pháp bunka-fu đầu tiên, hoặc là hệ thống ký hiệu cho từng phần của đàn shamisen. Điều này khiến việc dạy các lớp nhiều học trò dễ hơn và các học sinh dễ dàng ghi nhớ từng phần.

“Với những người mới bắt đầu, chúng tôi tập trung vào nhịp điệu”, thầy Kineie nói. “Khi học sinh nắm vững điều đó là đạt yêu cầu. Tuy nhiên một buổi diễn thực sự giá trị bằng mười buổi học. Đó là lúc bạn phát hiện ra khả năng của mình và theo kịp với cả nhóm”.

Những học sinh của thầy Kineie tập trung phối hợp một nhịp điệu khá đồng nhất, chỉ có vài nốt giật trong giai điệu. Cuối cùng, giờ nghỉ đã đến, các em học sinh thả lỏng người từ thế ngồi quỳ (quỳ với chân nằm dọc sau thân người). Các em duỗi chân, làm động tác một cách cường điệu, nhưng rồi vội ngồi ngay vào tư thế cũ khi lớp học bắt đầu trở lại.

Chia tay với lớp học đàn shasimen, và những thanh âm trong trẻo, Kit đến trung tâm Shinjuku Bunka, nơi có rất nhiều đàn koto, một loại nhạc cụ dân tộc của Nhật Bản, dài khoảng 2 mét – cỡ một chiếc thuyền nhỏ.

Lớp học đàn koto.

Một sự choáng ngợp diễn ra trước mắt của Kit, những em học sinh lớp 4 và 5 bước vào lớp học, nghiêm cẩn cúi chào giáo viên, sau đó nhẹ nhàng di chuyển vào giữa những khoảng trống nhỏ hẹp giữa các nhạc cụ. Những cánh cửa kéo của căn phòng được kéo rộng hết cỡ, đem những tia nắng mùa xuân chiếu xuống tấm thảm tatami trên sàn, đem khí trời trong lành vào không gian phòng học và bên khu vườn những chú chim cất lên những tiếng hót véo von. Để hòa điệu với thiên nhiên và đất trời, bên trong căn phòng học, các em học sinh cũng bắt đầu gảy nên những thanh âm nhẹ nhàng, trong trẻo. Nhưng ngay khi ba giáo viên bước vào lớp, 1 người phía trước và hai người phía sau ra dấu bắt đầu buổi học, thì dường như ngay cả lũ chim trong vườn kia cũng nín bặt.

Kit nhận thấy đây thật sự là một nhóm học sinh nghiêm túc, trưởng thành trong nhận thức về việc làm của mình hơn các em nhỏ tuổi. Không một ai nói chuyện hay xin ra ngoài. Các em đều cầm miếng gẩy đàn với ngón trỏ phải và hai ngón đầu, cúi gập toàn thân trên nhạc cụ 13 dây, vừa đàn và hát những giai điệu sôi nổi.

Bỗng nhiên, có một vài âm thanh mạnh mẽ lan rộng khắp căn phòng. Một hay hai em rõ ràng chơi tốt hơn các bạn khác, nhưng các giáo viên nhắc nhở các em rằng sự hòa hợp chỉnh thể quan trọng hơn việc một vài cá nhân chơi tốt hơn. Từ đó, Kit thấy được sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bài học về văn hóa và xã hội.

Một điều kỳ lạ ở Tokyo, đó là một vài lớp học nghệ thuật truyền thống nổi tiếng đến nỗi các em học sinh cần phải bốc thăm để được nhận vào họ. Kotoha Yamada (10 tuổi), một trong những học sinh, ăn nói lưu loát và duyên dáng, kể rằng khi em xin mẹ cho bốc thăm để được vào lớp. “ Một lần con được chụp ảnh chân dung trước một chiếc đàn koto,” Kotoha nhớ lại. Nhưng con được nhắc rằng: “Không được chạm vào cây đàn”. Vậy hóa ra, những lớp học nghệ thuật này không chỉ thỏa mãn nhu cầu được chạm vào cây đàn cổ của lũ trẻ mà còn truyền đi nguồn cảm hứng cho một số em nhỏ như Kotoha có cơ hội nhận biết thêm về di sản văn hóa của đất nước mình.

Chính quyền thành phố Tokyo đã làm tốt trách nhiệm của mình, bởi họ nắm rất rõ điều cơ bản: Giáo dục con người trước tiên cần giáo dục nhân cách, trẻ em cần biết cách học làm người chân chính trước khi học kiến thức. Lớp học nghệ thuật đã bồi dưỡng tâm hồn các em lòng yêu thiên nhiên, vạn vật, biết tiết chế cảm xúc, giữ tâm khí bình hòa và hành xử theo phép tắc lễ quy. Từ đó đắc được trí huệ thông suốt mở ra con đường thênh thang cho sự nghiệp tương lai. 

Các em nhỏ Nhật Bản đang tập thổi sáo.

Nghệ thuật truyền thống là một loại hình nghệ thuật phát triển dựa trên nền tảng đạo đức cơ bản của văn hóa truyền thống hội tụ đầy đủ các giá trị làm người là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín dạy con người cách tu thân, dưỡng đức. Cổ nhân cho rằng chỉ có tu thân dưỡng đức tốt mới có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Sự khác biệt trong giáo dục từ bé sẽ giúp hình thành nên tính cách của trẻ về sau này, từ đó mở rộng thành thói quen ứng xử và văn hóa của một quốc gia. Vậy nên, giáo dục thông qua nghệ thuật truyền thống chính là chìa khóa mở ra cánh cửa cứu rỗi sự suy thoái đạo đức nghiêm trọng ngày nay của nhân loại. 

Ảnh: Artscoucil-Tokyo.

Xuân Dung

Exit mobile version