Đại Kỷ Nguyên

Hàm nghĩa sâu xa của việc ‘tôn sư trọng đạo’ trong quan niệm của người xưa

Trong “Lễ Ký – Học Ký” có viết: “Sư nghiêm, nhiên hậu đạo tôn; đạo tôn, nhiên hậu dân tri kính học”. Tạm dịch: Kính thầy thì sẽ trọng đạo; trọng đạo thì sẽ biết nỗ lực học tập. Để có thể duy trì sự tôn nghiêm của thầy giáo, không chỉ yêu cầu sự tôn kính và lễ nghĩa trong ngôn hành cử chỉ của học sinh với thầy, mà còn là sự tôn trọng từ nội tâm, cần cù học tập, hiểu được đạo lý và uốn nắn bản thân.

Những người học trò của Khổng Tử

Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục học nổi tiếng thời Trung Quốc cổ đại, tương truyền ông có 3.000 đệ tử, 72 đệ tử hiền đức. Ông đích thân dạy dỗ học trò và yêu cầu ở họ sự toàn diện về nhân cách, tư tưởng. Ông là người chính trực, lương thiện, khiêm tốn, lễ độ, cũng là người trung thành với đất nước và quan tâm tới đời sống của bách tính. Và tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng sâu sắc tới các học trò của ông.

Những người học trò của Khổng Tử đều cung kính đối xử với ông như đối đãi với một người cha, coi ý chí của thầy cũng là ý chí của mình. Học trò của Khổng Tử cũng không quản khổ cực, cùng thầy chu du các nước hoằng dương đạo pháp. Khi có người phỉ báng Khổng Tử, họ bèn đứng ra bảo vệ thầy, bảo vệ nhân cách cao thượng của thầy.

Những người học trò của Khổng Tử đều cung kính đối xử với ông như đối đãi với một người cha, coi ý chí của thầy cũng là ý chí của mình. (Ảnh: wikipedia.org)

Tử Hạ, họ Bốc tên Thương, tự là Tử Hạ, là người có chí học tập nên thường được Khổng Tử khen ngợi và là một trong những học trò xuất sắc của Khổng Môn.

Suốt cuộc đời Khổng Tử coi việc truyền bá văn hóa truyền thống là nhiệm vụ của mình, chu du khắp các nước hoằng đạo mà không màng khó khăn gian khổ. Tử Hạ chăm chỉ hiếu học, tinh thông hầu hết những kinh điển Nho giáo “Thi”, “Thư”, “Lễ”, “Dịch” và theo Khổng Tử đi khắp các nước. Sau khi Khổng Tử qua đời, Tử Hạ cùng các bạn đồng môn Tử Du, Trọng Cung biên soạn bản thảo của “Luận Ngữ”, đồng thời ghi chép lại những lời dạy của thầy thành ngôn luận, học thuyết, tư tưởng, câu chuyện. Tử Hạ kế thừa tư tưởng giáo dục của Khổng Tử, thêm một bước nữa nghiên cứu biên tập văn hiến cổ đại, đi khắp nơi giảng dạy truyền bá về đạo đức, truyền bá nghi thức lễ nhạc do Khổng Tử khởi xướng, đóng góp lớn cho sự phồn vinh văn hóa và giáo hóa dân phong tại nhiều nơi.

Khi còn theo học Khổng Tử, ông thường vấn đáp với thầy, Khổng Tử khen ông chính trực thẳng thắn, trong đầu không có tạp niệm. Nhờ những quan điểm độc đáo mà ông thường được thầy khen ngợi, ví dụ như câu nói: “Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư, nhân tại kỳ trung hĩ”. Ý rằng, học rộng mà chuyên tâm điều nghiên cứu, hỏi điều thiết thực, nghĩ tới việc gần, thì đức nhân ở trong ấy.

Khổng Tử coi trọng việc giáo hóa lễ nhạc, nhấn mạnh việc dùng lễ nhạc cảm hóa nhân tâm, khiến cho âm nhạc của con người thuận với thiên đạo, thành tựu nhân cách “ôn nhu đôn hậu” của người quân tử. Vào thời lễ nhạc bị băng hoại, âm nhạc Trịnh Vệ thịnh hành, biểu hiện ra sự truy cầu những dục vọng vật chất, Khổng Tử phản đối âm nhạc của Trịnh Vệ, gọi đó là niệu âm. Ông cho rằng chỉ có âm nhạc hợp với đạo mới được gọi là âm nhạc, ông bắt tay vào phục hưng lễ nhạc, hoằng đạo tế thế. Tử Hạ giỏi về nhạc, sau khi Khổng Tử mất, ông ghi nhớ lời dạy của thầy, đi khắp nơi truyền bá, phổ cập lễ nhạc, giúp cho rất nhiều người có thể hát khúc cổ cầm “Huyền Ca”.

Kính thầy thì sẽ trọng đạo; trọng đạo thì sẽ biết nỗ lực học tập. (Ảnh: yangshandang)

Khi Tử Hạ mở trường dạy ở nước Ngụy, ông chú trọng hướng dẫn học sinh về đạo đức. Ông còn dạy học sinh và bách tính truyền bá lễ nghĩa, khởi đầu văn minh, đạt được nhân đạo thông qua lễ nhạc.

Đường Thái Tông dạy con tôn sư

Đường Thái Tông là một vị minh quân nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông rất coi trọng việc giáo dục con cái, nên khi lựa chọn thầy cho các vị hoàng tử cũng đều tìm chọn những người đức cao vọng trọng, học vấn uyên bác tinh thâm, ví dụ như Lý Cương, Trương Huyền Tố, Ngụy Chủy, Vương Khuê… Không những vậy, còn luôn nhắc nhở con cái cần biết tôn sư trọng đạo.

Có một lần khi Lý Cương bị thương ở chân đi lại không thuận tiện, vua Đường Thái Tông sau khi biết rõ tình hình đã cho phép Lý Cương ngồi kiệu vào cung dạy học và yêu cầu hoàng tử ra tận kiệu để đón thầy. Mặc dù quy chế trong hoàng cung khi đó vô cùng nghiêm ngặt, đừng nói tới việc ngồi kiệu, ngay cả đi lại ra vào cũng cần dè dặt cẩn thận.

Lại có một lần khi có người phản ánh với Đường Thái Tông rằng hoàng tử Lý Thái không tôn trọng thầy giáo của mình là Vương Khuê, ông đã thẳng thắn phê bình dạy con trước mặt thầy: “Từ lần sau mỗi lần gặp thầy, con phải tôn kính giống như đang gặp ta, một chút cũng không được phép lơi là”. Từ đó, hoàng tử gặp Vương Khuê luôn luôn kính cẩn nghênh tiếp nghe giảng nhiệt tình. Cũng bởi gia giáo của Đường Thái Tông vô cùng nghiêm khắc nên mấy hoàng tử của ông đều rất tôn kính thầy.

Không những nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn sư trọng đạo, Đường Thái Tông còn đặc biệt hạ chiếu thư quy định lễ nghi đối xử với thầy và răn dạy các hoàng tử thấy thầy cũng giống như thấy cha, cần hiếu kính tôn trọng. Ngoài ra còn khuyến khích các thầy giáo cần khuyên can dạy dỗ khi các hoàng tử có những lời nói thiếu tôn kính thầy. Thầy giáo của các hoàng tử cũng vì vậy mà luôn kiên định cố gắng hoàn thành trách nhiệm, hiểu và làm theo chiếu thư của Đường Thái Tông.

Trong chín vị hoàng tử của vua Đường, sau khi ông lập hoàng tử Lý Trị làm thái tử lại càng có yêu cầu nghiêm khắc hơn với thái tử. Mỗi lần được cha và thầy giáo dạy bảo, thái tử đều một mực cung kính trang nghiêm và vô cùng cảm kích biết ơn. Không những vậy, còn luôn bày tỏ thái độ sẽ “luôn ghi nhớ trong lòng”, “vĩnh viễn không bao giờ quên”.

Cổ ngữ có câu: “Một ngày làm thầy cả đời làm cha”. (Ảnh: tinhhoa.net)

Cổ ngữ có câu: “Một ngày làm thầy cả đời làm cha”, những câu chuyện về tinh thần tôn sư trọng đạo của người xưa được hậu thế lưu truyền thành những giai thoại ý nghĩa, đáng để thế hệ sau học hỏi và ngưỡng mộ.

Cổ nhân tôn trọng đạo, tôn trọng người thầy có đạo, gìn giữ sự tôn nghiêm của đạo làm thầy, khiến cho muôn đời sau phải noi theo và kính trọng. Tu dưỡng đạo đức cao thượng và tạo ra tín ngưỡng cao quý, học thầy đức, cảm ơn thầy, trở thành chân lý và đạo nghĩa cho muôn đời sau.

Bình Nhi

Exit mobile version